Sáng nay 10/12: Thủ tướng trực tiếp đối thoại với nông dân

Anh Thơ Thứ ba, ngày 10/12/2019 06:33 AM (GMT+7)
Hôm nay, ngày 10/12, tại TP.Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ sẽ trực tiếp đối thoại với nông dân về 3 nhóm vấn đề lớn của tam nông, gồm: Vấn đề tiêu thụ nông sản, sản xuất nông nghiệp sạch theo hướng nâng cao giá trị, phát triển bền vững; Vấn đề về đất đai, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường; Vấn đề về vốn, đảm bảo an sinh xã hội cho bà con nông dân…
Bình luận 0

Với chủ đề: “Tháo gỡ vướng mắc, liên kết 6 nhà, kiến tạo chuỗi giá trị nông sản”, Hội nghị Thủ tướng đối thoại vpsi nông dân do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với UBND TP. Cần Thơ chủ trì, Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt là đơn vị được giao tổ chức hội nghị.

Đây là lần thứ 2, người đứng đầu Chính phủ đối thoại với nông dân sau thành công của lần đầu tiên được tổ chức tại Hải Dương diễn ra vào tháng 4/2018.

img

Hôm nay, ngày 20/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ trực tiếp đối thoại với nông dân về những vấn đề thời sự của nông nghiệp, nông thôn, nông dân.

Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân lần này có sự tham dự của 600 đại biểu, gồm lãnh đạo các Bộ, Ngành Trung ương; lãnh đạo các địa phương; lãnh đạo Hội Nông dân Việt Nam, lãnh đạo Hội Nông dân các tỉnh, thành; các chuyên gia, nhà khoa học; các doanh nghiệp đang đồng hành cùng nhà nông, các cơ quan thông tấn, báo chí; đặc biệt là sự có mặt của đông đảo nông dân đến từ các địa phương cả nước- đại diện cho hàng chục triệu hộ nông dân tham gia đối thoại trực tiếp với Thủ tướng.

Phát biểu về hội nghị này, đồng chí Thào Xuân Sùng- Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho biết: “Tại hội nghị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ trao đổi trực tiếp với nông dân những chủ trương lớn của Đảng, chính sách của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đồng thời, Thủ tướng cũng sẽ lắng nghe  những đại biểu nông dân đại diện cho hơn 12 triệu hội viên, nông dân cả nước nói lên tâm tư, nguyện vọng, nêu lên những khó khăn, vướng mắc của nông dân trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới với người đứng đầu Chính phủ một cách trực tiếp nhất”.

Sau cuộc đối thoại lần thứ nhất, với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng, nhiều vướng mắc, tâm tư của nông dân đã được các bộ ngành vào cuộc giải quyết.

Cụ thể, sau khi nông dân Tô Hiến Thành (Bắc Giang) bày tỏ sự khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng thương mại, đại diện Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại chi nhánh tỉnh Bắc Giang đã trực tiếp làm việc với ông Thành và các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang. Tại cuộc họp này, những vướng mắc trong việc cấp chứng nhận quyền sử dụng đất cho nông dân đã được giải quyết, ngay sau đó, ông Thành cũng được rót vốn 3 tỷ đồng để phục vụ phát triển sản xuất.

img

Liên kết, sản xuất, tìm thị trường tiêu thụ cho nông sản là một trong những vấn đề được nông dân quan tâm. Ảnh: I.T

Về vấn nạn tín dụng đen đã nhiều năm nay nhức nhối ở nông thôn, tại cuộc đối thoại lần đầu tiên, người đứng đầu Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước giải quyết ngay và trên thực tế, Bộ Công an đã liên tục triệt phá các đường dây, tổ chức cho vay tín dụng đen. Cũng tại hội nghị, nông dân có đề cập đến nạn phân bón giả ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, trong đó có vụ phân bón giả Thuận Phong. Thủ tướng cũng đã yêu cầu các cơ quan chức năng giải quyết ngay trong vòng 1 tháng. Tuy nhiên, vấn đề này các bộ, ngành, tỉnh Đồng Nai vẫn đang nợ.

Tiếp đó, thực hiện Công văn số 6158/VPCP-QHĐP ngày 29/6/2018 truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nông dân, Bộ NNPTNT đã chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương xây dựng đề án đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thu thập thông tin, dự thảo tình hình thị trường. Qua đó tư vấn, cung cấp cho các doanh nghiệp, người nông dân biết để điều tiết hoạt động sản xuất, kinh doanh theo thị trường, tránh bị ép giá.

Trong năm vừa qua, Bộ NNPTNT cũng đã tích cực mở cửa được nhiều thị trường mới cho hàng nông sản như nhãn, vải xuất khẩu đi Úc; vú sữa, xoài xuất khẩu đi Mỹ; hoàn thiện tiêu chuẩn về công nhận kiểm soát chất lượng tương đương giữa Việt Nam và Mỹ về cá da trơn; lần đầu tiên xuất khẩu sữa chính ngạch sang Trung Quốc… Bộ NNPTNT cũng đã hoàn thiện nhiều chính sách, luật mới để tham mưu cho Đảng, Quốc hội, Nhà nước như đã giúp Quốc hội thông qua được 2 luật mới là Luật Chăn nuôi và Luật Trồng trọt.

Bộ Công Thương cũng đã tích cực phối hợp với Bộ NNPTNT đấu tranh hiệu quả với những rào cản kỹ thuật bất hợp lý đối với nông sản Việt Nam như Hoa Kỳ áp thuế chống bán phá giá bất hợp lý đối với tôm, cá tra xuất khẩu của Việt Nam; tăng mức thuế suất thuế nhập khẩu cơ sở bất hợp lý với điều nhân, hồ tiêu vào Ấn Độ; áp thuế tự vệ đối với gạo vào Philippines...

Bộ Kế hoạch- Đầu tư đã trình Chính phủ sửa đổi và ban hành Nghị định 210 về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghệp, nông thôn. Đến nay, đã có nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực này.

Đặc biệt, sau khi Thủ tướng Chính phủ trực tiếp đối thoại với nông dân, đã có một số lãnh đạo tỉnh, thành tổ chức hội nghị tương tự ở địa phương như Lai Châu, Thừa Thiên- Huế, Lâm Đồng, Hậu Giang, Bạc Liêu…

Mặc dù các ngành chức năng đã có nhiều nỗ lực thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng nhưng vẫn còn những vấn đề chưa được giải quyết dứt điểm, rốt ráo. Ví như, việc công bố thông tin về giá cả, thị trường, dự báo lên hệ thống website của Bộ, trên các báo, đài chưa thường xuyên và còn thiếu.

Việc xây dựng “Đề án đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản” vẫn chưa hoàn thành. Hiện, Bộ Công Thương đang phối hợp với các Bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp, người sản xuất để đánh giá tình hình, thực trạng, thu thập thông tin thực tiễn để xác định giải pháp đổi mới phương thức kinh doanh nông sản và hoàn thiện Đề án báo cáo Chính phủ. Bên cạnh đó, việc triển khai các hoạt động phát triển thương mại nông thôn, phát triển mạng lưới sản xuất, kinh doanh, kênh phân phối, tiêu thụ nông sản nhằm đảm bảo lưu thông phân phối nông sản một cách thuận lợi, giảm thiểu khâu trung gian vẫn chưa có nhiều chuyển biến.

Ở cuộc đối thoại lần thứ hai này, nhiều nông dân mong muốn Thủ tướng chỉ đạo các bộ ngành thực hiện ngay việc đưa thông tin giá cả nông sản, dự báo thị trường nông sản lên website; hướng dẫn, tạo mọi điều kiện thuận lợi để hỗ trợ nông dân xây dựng các thương hiệu sản phẩm; hoàn thành xây dựng bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem