Siết chặt quản lý sản xuất, kinh doanh
Thời gian qua, để đáp ứng được yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, củng cố và phát triển hệ thống ngành cũng như thực hiện hiệu quả công tác quản lý nhà nước về BVTV, toàn ngành BVTV đã tập trung xây dựng một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đồng bộ từ luật, nghị định đến các thông tư hướng dẫn, triển khai hiệu quả kiểm dịch thực vật. Công tác quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) được đẩy mạnh, thuốc BVTV đã và đang được siết chặt, tăng cường quản lý ở tất cả các khâu từ đăng ký, khảo nghiệm, cấp phép nhập khẩu, sản xuất, buôn bán, sử dụng.
1.024 loại thuốc bảo vệ thực vật đã bị loại bị vì độc tính cao, tồn dư trên nông sản gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, môi trường sinh thái (ảnh minh họa). Ảnh: T.L
Năm 2018 Cục BVTV tiếp tục thực hiện chương trình giám sát dư lượng thuốc BVTV trên hồ tiêu, gạo, thanh long, xoài, vải, nhãn, vú sữa, rau cải, đậu đỗ, rau muống. Kết quả của chương trình sẽ là cơ sở dữ liệu phục vụ để phân tích, đánh giá nguy cơ mất ATTP đối với thực phẩm có nguồn gốc thực vật. |
Công tác khảo nghiệm, đăng ký thuốc BVTV đã được kiểm soát chặt chẽ ngay đầu vào, bao gồm xem xét kỹ lưỡng các căn cứ thực hiện khảo nghiệm, trình tự thực hiện khảo nghiệm. Cấp phép khảo nghiệm được dựa trên cơ sở khoa học theo nguyên tắc loại bỏ dần những thuốc BVTV có độc tính cao, ảnh hưởng đến môi trường, đồng thời khuyến khích những loại thuốc BVTV hiệu quả, an toàn trong sử dụng, đặc biệt là các loại thuốc sinh học.
Với mục tiêu quản lý chặt chẽ, chỉ để lại trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam những loại thuốc thực sự hiệu quả, phục vụ nhu cầu sản xuất an toàn, bền vững, Bộ NNPTNT đã hoàn thiện các báo cáo đánh giá và quyết định loại bỏ ra khỏi danh mục 7 hoạt chất (818 tên thương phẩm) có độc tính cao, tồn dư trên nông sản gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, môi trường sinh thái và các thuốc không đáp ứng quy định về quản lý thuốc BVTV hiện hành (gồm Carbendazim, Benomyl, Thiophanate - methyl, hoạt chất 2,4D, Paraquat, Trichlorfon và Carbofuran).
Bên cạnh đó, Cục BVTV cũng đã vận động các doanh nghiệp tự rút khỏi danh mục 206 tên tương phẩm thuốc BVTV. Kết quả, đến nay đã loại bỏ được 1.024 tên thương phẩm khỏi danh mục. Cục BVTV cũng tích cực khuyến khích các doanh nghiệp đăng ký vào danh mục các loại thuốc BVTV sinh học, thuốc thế hệ mới an toàn hiệu quả và các thuốc bảo quản rau quả, ủ chín trái cây an toàn để vừa đáp ứng mục tiêu phòng chống sinh vật gây hại nhưng vẫn đảm bảo ATTP và xuất khẩu. Kết quả là nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV hóa học cũng bắt đầu chuyển hướng phát triển sản phẩm sinh học.
Đáng chú ý là những năm gần đây, việc sử dụng thuốc BVTV của người dân đang có nhiều chuyển biến tích cực, ngày càng có nhiều nông dân sử dụng thuốc BVTV sinh học thay cho thuốc BVTV hóa học, tuân thủ đúng thời gian cách ly và kỹ thuật sử dụng thuốc.
Đẩy mạnh giám sát dư lượng thuốc BVTV
Công tác quản lý nhà nước về kiểm dịch thực vật đã được triển khai có hiệu quả theo hướng bảo vệ an toàn sản xuất trong nước nhưng vẫn tạo điều kiện thông thoáng cho tổ chức/cá nhân tham gia xuất nhập khẩu hàng nông sản. Trong vòng 5 năm từ 2013-2017 đã có 818 lần phát hiện đối tượng kiểm dịch trên hàng nhập khẩu từ nhiều nước khác nhau. Đây là căn cứ quan trọng để chúng ta đàm phán gỡ bỏ hàng rào kỹ thuật nhằm mở cửa thị trường cho nông sản của Việt Nam.
Bên cạnh đó, Bộ NNPTNT đã ban hành nhiều quyết định tạm dừng nhập khẩu một số mặt hàng có nguy cơ cao từ các nước như Indonesia, Ấn Độ, Mỹ... Công tác đàm phán tháo gỡ rào cản kỹ thuật về kiểm dịch thực vật để mở cửa thị trường cho nông sản Việt Nam đã cũng đạt được kết quả rất đáng khích lệ, đặc biệt là đối với mặt hàng rau quả tươi của Việt Nam. Những mặt hàng quả tươi chủ lực của Việt Nam như thanh long, xoài, chôm chôm, vú sữa, nhãn đã được hầu hết các thị trường khó tính và có giá trị cao như Mỹ, EU, Canada, Úc, Nhật Bản, New Zeland, Hàn Quốc… cho phép nhập khẩu.
Về công tác quản lý an toàn thực vật, Cục BVTV bước đầu đã triển khai hiệu quả việc nhận cảnh báo của các nước nhập khẩu cũng như truy xuất nguồn gốc, đề xuất biện pháp khắc phục để đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu. Trong năm 2017, đã triển khai chương trình giám sát dư lượng thuốc BVTV trên hồ tiêu, thanh long, xoài, vải. Năm 2018 tiếp tục thực hiện chương trình giám sát trên hồ tiêu, gạo, thanh long, xoài, vải, nhãn, vú sữa, rau cải, đậu đỗ, rau muống. Kết quả của chương trình sẽ là cơ sở dữ liệu phục vụ để phân tích, đánh giá nguy cơ mất ATTP đối với thực phẩm có nguồn gốc thực vật.
Để công tác thanh tra, kiểm tra hiệu quả hơn trong thời gian tới, theo Cục BVTV, cần tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa công tác kiểm tra chất lượng vật tư nông nghiệp thông qua việc rà soát, chỉ định các phòng thử nghiệm, các tổ chức chứng nhận hợp quy và công nhận các tổ chức khảo nghiệm đủ điều kiện...
Cùng với đó, đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra, tuân thủ các quy định về quản lý phân bón trong tất cả các khâu từ khảo nghiệm, sản xuất, kinh doanh và sử dụng phân bón, thuốc BVTV. Tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng để ngăn chặn việc sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc BVTV giả, không bảo đảm chất lượng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.