Hot boy của bản "trốn" lên đỉnh núi nuôi đàn trâu, bò trị giá hơn nửa tỷ đồng

Thứ ba, ngày 16/05/2017 19:00 PM (GMT+7)
Không đi công nhân, hay xuống thành phố kiếm việc như chúng bạn, chàng trai Nguyễn Văn Đường đã lên đỉnh núi Phja Màng, thôn Lũng Quang, xã Quảng Khê, huyện Ba Bể (Bắc Kạn" gây dựng mô hình nuôi trâu, bò vỗ béo...
Bình luận 0

Trong khi nhiều thanh niên cùng trang lứa đi tìm việc làm ở các khu công nghiệp thì anh Nguyễn Văn Đường ở thôn Lũng Quang, xã Quảng Khê, lại chọn cho mình con đường khởi nghiệp bằng mô hình chăn nuôi trâu, bò vỗ béo.

img

Đàn trâu, bò trị giá nửa tỷ đồng của anh Nguyễn Văn Đường.

Sinh ra trong một gia đình ở vùng cao, kinh tế còn nhiều khó khăn, Nguyễn Văn Đường thấu hiểu nỗi khổ của sự nghèo khó, nên ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, anh đã không ngừng cố gắng vươn lên học tập, tích lũy kiến thức, để áp dụng vào phát triển kinh tế gia đình mô hình chăn nuôi trâu, bò vỗ béo.

Anh Nguyễn Văn Đường chia sẻ: Trước đây gia đình anh chỉ nuôi 2 con trâu để làm sức kéo sản xuất, không đem lại thu nhập cao. Thông qua thông tin đại chúng, anh Đường nắm được kiến thức và quyết định thực hiện mô hình nuôi vỗ béo trâu bằng phương pháp bán chăn thả, kết hợp trồng cỏể chủ động nguồn thức ăn. Thấy có lãi, anh đã bàn với gia đình mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện 50 triệu đồng để mua thêm trâu, bò vừa để sinh sản, vừa mua những con gầy về vỗ béo để bán.

Để mở rộng khu chăn nuôi, gia đình anh đã di chuyển lên đỉnh núi Phja Màng- thuộc thôn Lũng Quang, nơi có bãi đất tự nhiên, rất thích hợp để phát triển nghề chăn nuôi đại gia súc. Gia đình tập trung nhân lực, vật lực đầu tư cho chăn nuôi trâu. Coi đây là nghề đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. Với bản tính cần cù, chịu khó, anh Đường đã tích cực tìm hiểu, học tập kinh nghiệm từ các mô hình và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào việc chăm sóc đàn trâu của gia đình. Đến nay, đàn trâu, bò sinh sản luôn duy trì từ 35 - 40 con. Hiện tổng đàn gia súc của gia đình anh ước khoảng nửa tỷ đồng.

Chia sẻ về kinh nghiệm để duy trì và phát triển quy mô đàn trâu, bò anh Đường cho biết thêm: Trước đây, gia đình nuôi bò theo hình thức thả rông, thời gian nuôi kéo dài mà hiệu quả kinh tế không cao. Những năm gần đây, gia đình anh đầu tư trồng 5.000m2 cỏ voi, trồng ngô... Đầu tư mỗi lứa nuôi từ vài chục con thậm chí có điểm nuôi khoảng 70-80 con; mỗi lần mua trâu, bò gầy về vỗ béo bằng cám ngô, chuối, cỏ voi… khoảng 2-3 tháng được giá lại xuất bán, xoay vòng sau khi trừ chi phí cũng thu lãi 80-100 triệu đồng/năm.

img

Theo anh Đường thì tập trung vỗ béo trâu, bò vào 1-2 tháng cuối trước khi xuất bán, gia súc dễ bán được giá hơn. 

Nuôi trâu, bò ít bị rủi ro, dễ nuôi, dễ chăm sóc, thức ăn có sẵn, hiệu quả kinh tế mang lại khá cao. Theo kinh nghiệm của anh Đường, để nuôi bò vỗ béo đạt kết quả cao, nguồn thức ăn phải phong phú. Ngoài rơm, rạ sẵn có, chỉ cần trồng thêm cỏ voi kết hợp pha trộn một số loại thức ăn hỗn hợp như cám ngô, cám gạo làm thức ăn tinh, nên chi phí giảm đáng kể. Nuôi bò vỗ béo ngoài việc chọn bò giống thì khâu quan trọng là cho bò ăn đầy đủ và cho ăn thúc ở giai đoạn khi còn từ 1- 2 tháng trước khi bán.

Chăm sóc bò tốt trong giai đoạn này giúp bò mướt, đẹp, trọng lượng cao, sẽ dễ bán cho khách hàng. Hiện nay, ngoài việc nuôi trâu, bò, gia đình anh Đường nuôi gần 40 con dê, mỗi năm có thu nhập đáng kể. Không chỉ biết làm giàu cho gia đình, anh Đường còn tích cực giúp đỡ các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn phát triển kinh tế, về kỹ thuật chăn nuôi, buôn bán trâu, bò. Với phương thức này, không ít gia đình trong thôn có thêm thu nhập giúp ổn định cuộc sống, dần thoát nghèo.

Tấm gương vượt khó khởi nghiệp và làm giàu của anh Nguyễn Văn Đường là một trong những điển hình cho khát vọng và nghị vực vươn lên làm giàu để nhiều thanh niên nông thôn nghiên cứu, học tập./.

Lý Dũng (Báo Bắc Kạn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem