HTX đất 9 rồng "thay áo" (Bài cuối): Thiếu HTX, không có liên kết

Anh Thơ Thứ năm, ngày 09/05/2019 19:00 PM (GMT+7)
Đó là khẳng định của TS Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NNPTNT) về vai trò của các HTX đối với quá trình hình thành các chuỗi liên kết sản xuất ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Bình luận 0

img

TS.Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT.

Cánh tay kéo dài giúp nông dân

Với một vùng có nhiều đặc thù như ĐBSCL, theo ông, vai trò của các hợp tác xã (HTX) được thể hiện như thế nào?

- ĐBSCL là vùng sản xuất hàng hóa lớn nhất Việt Nam, cung cấp tới 90% sản lượng gạo, 50% sản lượng trái cây, 70% sản lượng thủy sản xuất khẩu (XK) của cả nước. Đây cũng là những mặt hàng có thế mạnh của vùng, sản xuất tập trung với quy mô lớn. Rất nhiều HTX, tổ hợp tác của vùng cũng hoạt động sản xuất, kinh doanh 3 mặt hàng đó.

img

Nhiều HTX ở ĐBSCL xây dựng các mô hình sản xuất ứng phó với BĐKH như tôm – lúa, trồng lúa chịu mặn.  Ảnh: T.L

Bộ NNPTNT đang kiến nghị Chính phủ xem xét cho phép xây dựng Đề án củng cố nâng cao năng lực của các HTX nông nghiệp thích ứng với cơ chế thị trường và ứng phó với BĐKH ở ĐBSCL. Đề án sẽ tập trung hỗ trợ HTX lập kế hoạch sản xuất kinh doanh gắn với ứng phó BĐKH; cung cấp thông tin, kiến thức về BĐKH cho thành viên và người dân; đào tạo kiến thức sản xuất kinh doanh chuỗi giá trị; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, hỗ trợ máy móc, thiết bị và hạ tầng phục vụ sản xuất kinh doanh; xây dựng các mô hình mẫu…

Nhưng ĐBSCL cũng là vùng phải chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH). Theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam là 1 trong 5 nước chịu tác động xấu bởi BĐKH, trong đó ĐBSCL là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với những biểu hiện như xâm nhập mặn, sạt lở, ô nhiễm… Trong khi đó, cuộc sống của người dân khu vực này còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, chất lượng nguồn nhân lực thấp.

Muốn phát triển nông nghiệp hàng hóa thì phải hình thành các chuỗi liên kết, có thể thấy, ĐBSCL không thiếu những doanh nghiệp đầu tàu trong XK gạo, trái cây, thủy sản nhưng vẫn đang vắng bóng những tổ chức nông dân. Nếu không có những tổ chức này, việc hình thành các chuỗi liên kết sẽ khó hoàn hảo.

Xuất phát từ thực tế đó, nếu HTX được hỗ trợ phát triển thì đây chính là cánh tay kéo dài giúp nông dân nâng cao trình độ sản xuất. HTX sẽ là đầu mối để hình thành các chuỗi giá trị, từ đó hạ giá thành sản phẩm, nâng cao chất lượng hàng hóa và sức cạnh tranh.

Quan trọng hơn, các HTX sẽ góp phần giúp nông dân biến những bất lợi do BĐKH mang lại thành nguồn lợi có thể khai thác, nói cách khác là lợi dụng nó để phát triển và thích ứng với BĐKH như xu hướng chung của toàn cầu. Những điều này chỉ có thể làm được khi có các hoạt động tập thể, chứ không thể dựa vào một cá nhân riêng lẻ.

Hiện trạng của các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp ở ĐBSCL hiện nay ra sao, thưa ông?

- Trước năm 2016, cả khu vực ĐBSCL có khoảng 1.400 HTX, trong đó có 1.250 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp (riêng lúa gạo chiếm đến 1.000 HTX).

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 445/QĐ-TTg thí điểm phát triển các HTX kiểu mới ở khu vực ĐBSCL, số lượng HTX trên địa bàn đã có sự tăng trưởng đột biến. Chỉ trong 2 năm 2017 - 2018, đã có 502 HTX được thành lập mới, tốc độ thành lập mới HTX của khu vực ĐBSCL đứng thứ 2 cả nước.

Điều đáng ghi nhận là, tất cả các HTX mới thành lập đều là các HTX chuyên ngành. Trước đây có những lĩnh vực ít có sự tham gia của HTX như thủy sản, trái cây thì nay đã xuất hiện những đơn vị hoạt động vô cùng hiệu quả, doanh thu lên đến cả chục tỷ đồng. Chưa kể, những HTX này áp dụng hệ thống quản trị đạt chất lượng cao, ví dụ nhiều HTX nuôi trồng thủy sản áp dụng hệ thống ASC, GlobalGAP… Có tới 55% số HTX đạt tiêu chuẩn khá, giỏi theo tiêu chí của Bộ NNPTNT (trước năm 2016 chỉ khoảng 20%). Quy mô của HTX cũng tăng, trước năm 2016, bình quân 1 HTX khu vực ĐBSCL chỉ có 77 thành viên thì nay tăng lên 130 thành viên, từ chỗ chỉ quản lý 87ha sản xuất tăng lên 135ha.

Năm 2016, cả khu vực ĐBSCL có khoảng 1.400 HTX thì chỉ trong 2 năm 2017 – 2018, đã có 502 HTX được thành lập mới. Quy mô HTX cũng tăng, trước năm 2016, bình quân 1 HTX khu vực ĐBSCL có 77 thành viên thì nay con số tăng lên 130 thành viên, từ chỗ chỉ quản lý 87ha sản xuất tăng lên 135ha.

Đặc biệt, có 33% số HTX liên kết với doanh nghiệp để đảm bảo đầu ra cho nông sản, vấn đề sơ chế, chế biến sau thu hoạch đã được nhiều HTX quan tâm. Như vậy, có thể thấy, chỉ trong vòng 2 năm, các HTX ở ĐBSCL đã có sự phát triển vượt bậc cả về lượng và chất.

Trong việc thích ứng với BĐKH, nhiều HTX giúp nông dân, các thành viên lựa chọn các cây – con giống mới phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng như lúa chịu mặn, tổ chức cho nông dân xuống giống đồng trà, ứng dụng công nghệ quan trắc đánh giá tác động của BĐKH để từ đó điều chỉnh cơ cấu mùa vụ cho phù hợp. Ví dụ, mô hình tôm lúa có lợi nhuận 52,2 triệu đồng/ha, trong khi canh tác thuần chỉ 39,2 triệu đồng/ha, mô hình làng thông minh ở Bạc Liêu là sự kết hợp của 4 thành phần gồm: Ứng dụng công nghệ thông tin, cung cấp dịch vụ thông tin BĐKH, tập huấn, lập kế hoạch phát triển…

Cần thêm chính sách hỗ trợ

Như nhiều HTX ở các địa phương khác, các HTX ở ĐBSCL cũng đang gặp không ít khó khăn, chính sách nhiều nhưng lại chưa nhận được hỗ trợ. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

- Đây là một điểm nghẽn trong phát triển HTX hiện nay. Dù là vùng sản xuất hàng hóa lớn nhất cả nước nhưng những chính sách hỗ trợ cho phát triển HTX ở khu vực ĐBSCL nói riêng, cả nước nói chung chưa tương xứng với yêu cầu thực tiễn. Trong khi đó, để xây dựng được một HTX phát triển mạnh không thể trong ngày một ngày hai.

Có thể thấy, các HTX thuộc khu vực ĐBSCL đang gánh vác một trọng trách nặng nề khi phải tổ chức sản xuất trên diện tích 1,7 triệu ha lúa, 700.000ha nuôi trồng thủy sản, 300.000ha trồng cây ăn trái nhưng lại đang thiếu vắng sự hỗ trợ, bệ đỡ của một hệ thống chính sách sát thực tế.

Đó là chưa kể, nhân lực cho HTX đang là một vấn đề phải bàn khi đội ngũ cán bộ HTX chủ yếu đã già, trình độ còn nhiều hạn chế, hạ tầng cho sản xuất ở nhiều địa phương còn thiếu, gây khó khăn cho hoạt động của HTX.

Để hóa giải những thách thức này, cần có các giải pháp gì?

- Những lợi ích mà HTX ở ĐBSCL mang lại cho cộng đồng, thành viên trong ứng phó với BĐKH rất đa dạng (tăng năng suất, giảm chi phí, giảm rủi ro, giảm phát thải, sử dụng hiệu quả nguồn lực nước, đất, hạn chế ô nhiễm...) vì vậy cần hỗ trợ hướng dẫn để các HTX chủ động lập kế hoạch ứng phó với BĐKH song song với kế hoạch sản xuất, kinh doanh; bổ sung danh mục hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đối với HTX nông nghiệp; khuyến khích sự tham gia của người dân vào HTX thông qua các cơ chế tạo lập tài sản không chia của HTX như hỗ trợ đất đai làm kho, nhà xưởng chế biến… Thực tiễn ở nhiều địa phương ĐBSCL cho thấy, nếu có những hỗ trợ thiết thực mà không phải là những chính sách “chay”, HTX ở đó hoạt động rất hiệu quả.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem