Khánh Sơn ưu tiên trồng các loại cây cho giá trị kinh tế cao

Công Tâm Thứ tư, ngày 06/12/2017 13:15 PM (GMT+7)
Là huyện miền núi, cư dân đa số là đồng bào dân tộc thiểu số, xuất phát điểm còn thấp nên việc xây dựng nông thôn mới (NTM) ở huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và người dân nên diện mạo NTM của huyện đã có nhiều khởi sắc, đời sống người dân ngày càng sung túc.
Bình luận 0

Làng quê khởi sắc

Khánh Sơn có xuất phát điểm thấp, bởi địa hình miền núi phức tạp, giao thông đi lại cách trở… Việc phát triển kinh tế của địa phương chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp là chính, cũng vì thế đời sống đại bộ phận người dân còn những khó khăn. Mặc dù vậy, trong nhiều năm qua, đặc biệt là từ năm 2011 đến nay, Khánh Sơn đã tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng về đường - trường - trạm…

Đặc biệt, để mở đường thoát nghèo cho bà con ở khu vực vùng núi, chủ trương của huyện là tập trung đầu tư hạ tầng thiết yếu, trong đó, giao thông nông thôn được ưu tiên hàng đầu. Có đường đi thuận lợi, bà con mới có cơ hội tiếp cận, giao lưu, trao đổi hàng hóa với nhau.

img

Khánh Sơn đang ưu tiên trồng các loại cây cho giá trị kinh tế cao như: Sầu riêng, mía tím, chuối, chôm chôm…  Ảnh: Công Tâm

Đến nay, xã Sơn Bình đã đạt 12 tiêu chí NTM, 6 xã còn lại đạt từ 7- 10 tiêu chí. Khánh Sơn phấn đấu đến cuối năm 2017, có 1 xã đạt 15 tiêu chí và 6 xã đạt từ 10 – 13 tiêu chí...

Ông Nguyễn Ngọc Hiếu – Trưởng phòng NNPTNT huyện Khánh Sơn cho biết, huyện luôn xác định công tác tuyên truyền là một nhiệm vụ trọng tâm. Thông qua các hoạt động tuyên truyền đã phần nào giúp người dân nâng cao về nhận thức, hạn chế được tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự đầu tư của Nhà nước trong việc xây dựng NTM.

Từ khi triển khai xây dựng NTM đến nay, huyện đã huy động hàng trăm tỷ đồng từ các nguồn để đầu tư cơ sở hạ tầng và kiên cố hóa; các công trình văn hóa, y tế, giáo dục, đường giao thông, điện, nước sạch… tương đối hoàn chỉnh, phục vụ cho người dân ngày một tốt hơn.

Đặc biệt, trong năm 2017, nhiều công trình được đầu tư, sửa chữa Trường Tiểu học Sơn Hiệp, đập dâng suối Mả, nâng cấp hệ thống nước sinh hoạt xã Ba Cụm Bắc, sửa chữa hệ thống nước xã Sơn Hiệp, Nối tiếp đường bê tông xi măng từ thôn Hòn Gầm đi Suối Me, trụ sở UBND xã Thành Sơn... Toàn huyện có 7/7 xã đạt tiêu chí giao thông, 6/7 xã đạt tiêu chí thủy lợi... Huyện đang tiếp tục duy trì và giữ vững tiêu chí giao thông trên địa bàn các xã, tập trung cho công tác duy tu, bảo dưỡng thường xuyên....

Tập trung phát triển các cây chủ lực

Theo ông Hiếu thời gian qua công tác phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân luôn được các cấp quan tâm và được lồng ghép từ các chương trình khuyến nông. Qua đó, tạo những bước chuyển biến tích cực trong công tác chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông - lâm nghiệp theo hướng tập trung hàng hóa, nhằm mang lại hiệu quả sản xuất, có tính bền vững. Nhiều mô hình sản xuất, Tổ hợp tác liên kết sản xuất hoạt động có hiệu quả góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương.

Trong năm 2017, Khánh Sơn đã chuyển đổi trên 228,7ha các cây trồng kém hiệu quả sang các cây trồng có thu nhập cao. Trong đó, 63ha bưởi da xanh, trên 112,4 ha cây sầu riêng, 36ha chôm chôm, trên 17,3ha mía tím. Hiện có một số mô hình mới đưa vào sản xuất và trồng trọt đang phát huy được hiệu quả như: Trồng mắc ca, trồng thâm canh cây sầu riêng và thâm canh cây cà phê.

Gia đình ông Cao Hoàng Giáo (xã Sơn Bình) là tấm gương điển hình của địa phương. Ông xuất thân từ một gia đình nghèo, nhờ sự chịu khó làm ăn, cộng với sự hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật của ngành nông nghiệp đã giúp cho ông có thu nhập ổn định.

Ông Giáo cho biết: “Được tập huấn bài bản, tôi trồng xen canh các loại cây bưởi, quýt, cam, sầu riêng, măng cụt, chuối, tiêu, chôm chôm. Với tổng diện tích 6ha hiện nay,  bình quân mỗi năm gia đình tôi có thu nhập trên 200 triệu đồng… Riêng năm 2016, thời tiết thuận lợi và giá bán cao nên gia đình thu nhập 300 triệu đồng.

Hiện nay, vườn tiêu của gia đình ông Giáo mỗi năm cho thu hoạch từ 3-4 tấn, giá bán bình quân 40.000 đồng/kg; vườn chuối 700 gốc, xuất bán cho thương lái bình quân 50.000 đồng/buồng, lãi trên 50 triệu đồng/năm. Còn vườn quýt 2.500 gốc đang cho ra những quả ngọt đầu tiên, dự kiến năm tới cho thu hoạch, ước tính gia đình thu nhập trên 100 triệu đồng/năm...

Theo ông Nguyễn Ngọc Hiếu, thời gian tới nông nghiệp sẽ được huyện quan tâm đầu tư để phát triển một cách bền vững và mạnh mẽ hơn, nhất là ưu tiên các loại cây cho giá trị kinh tế cao như: Sầu riêng, mía tím, chuối, chôm chôm, măng cụt, cà phê, tiêu…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem