Khi nông dân làm... thầy giáo

Thứ tư, ngày 21/05/2014 06:39 AM (GMT+7)
Hình thức dạy nghề tại chỗ theo mô hình lấy nông dân dạy nông dân đang phát triển mạnh tại TP.HCM. Từ mô hình này nhiều nông dân đã tự nguyện truyền đạt kinh nghiệm, sản xuất cho các nông dân khác để cùng nhau phát triển sản xuất.
Bình luận 0
Nở rộ những “thầy giáo nông dân”

Nhắc đến những “thầy giáo nông dân” tại TP.HCM nhiều người nghĩ ngay đến kỹ sư Tống Hữu Châu. Bởi trong những năm qua ngoài việc làm giàu bằng nghề nuôi cá cảnh, ông còn là người đi đầu trong công tác truyền nghề cho các nông dân khác. Suốt 5 năm qua ông đã đi đến các xã ngoại thành của huyện Nhà Bè, Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Thủ Đức… để truyền đạt kinh nghiệm nuôi cá cảnh cho hơn 1.200 nông dân. Hiện nay dù sức khỏe có phần yếu đi và không thể đi xa được nhưng trung bình mỗi năm ông vẫn đảm nhận dạy từ 4 - 6 lớp dạy nghề cho nông dân.

Kỹ sư Tống Hữu Châu (ngồi giữa) đang truyền đạt kinh nghiệm nuôi cá cảnh cho nông dân TP.HCM.
Kỹ sư Tống Hữu Châu (ngồi giữa) đang truyền đạt kinh nghiệm nuôi cá cảnh cho nông dân TP.HCM.

Trong khi đó Nghệ nhân Trịnh Minh Tân (huyện Củ Chi) lại được xem là người đi đầu trong việc dạy nghề trồng, chăm sóc cây cảnh cho nông dân thành phố. Từ năm 2006 đến nay mỗi năm ông đều đứng lớp dạy nghề trồng, chăm sóc, bảo quản hoa kiểng cho các nông dân ngay tại trang trại của mình. Đến nay ông đã dạy hơn chục lớp đào tạo nghề hoa kiểng cho nông dân tại thành phố và các tỉnh lân cận với số lượng học viên lên đến gần 1.000 lượt. Và hiện ông vẫn tiếp tục là thầy giáo uy tín thường xuyên được Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân TP.HCM mời đứng lớp dạy nghề hoa kiểng cho nông dân.

Tương tự Nghệ nhân Trương Văn Phượng (huyện Bình Chánh), người nông dân mang hoa sứ xuất ngoại, cũng nổi tiếng là một trong những người đi đầu trong việc truyền đạt kinh nghiệm, kỹ thuật trồng hoa sứ cho nông dân thành phố. Không chỉ giúp truyền đạt kinh nghiệm cho các thành viên trong CLB Hoa sứ Hưng Long, ông còn truyền nghề cho nhiều hội viên nông dân địa phương. Ông Phượng cho biết với những kiến thức có được, ông sẵn sàng truyền đạt lại cho các nông dân khác để cùng nhau phát triển nghề hoa sứ.

Dạy để trả món nợ ân tình

Cơ duyên để các nông dân này đến với nghề giáo, tất cả đều không ngoài một chữ tâm. Cái tâm với xã hội, với mong muốn chia sẻ sự hiểu biết của mình để những nông dân khác cũng có thể làm giàu như mình.

Theo Hội Nông dân TP.HCM, trong 5 năm từ 2008 - 2013, đã có gần 7.400 hội viên nông dân được học tập kinh nghiệm sản xuất từ các nông dân tiêu biểu của thành phố theo chương trình dạy nghề tại chỗ, lấy nông dân dạy cho nông dân.

“Sự thành công của tôi hôm nay có được là nhờ sự hỗ trợ của tổ chức Hội Nông dân tại cơ sở đã giúp tôi vượt qua khó khăn. Hơn 20 năm trước, tôi đã được Hội xét cho vay 9 triệu đồng để nuôi cá cảnh. Từ khoản vay ấy mà gia đình tôi có điều kiện phát triển kinh tế và làm giàu. Đến nay khi cuộc sống đã ổn định tôi luôn muốn làm điều gì đó để trả “món nợ” ân tình này cho Hội Nông dân. Cuối cùng tôi cũng chọn được cách đó là truyền đạt kinh nghiệm cho những nông dân khác trong nghề nuôi cá cảnh”-ông Châu tâm sự.

Còn với ông Tân thì lại là một cơ duyên khác. Đó là những năm 2004 - 2005 khi ấy nhu cầu về hoa kiểng trên thị trường rất lớn, nhiều nông dân muốn chuyển đổi sang trồng hoa kiểng nhưng lại không biết học ở đâu trong khi ông lại có nhiều kiến thức. Vì vậy ông đã mạnh dạn đề xuất với Hội Nông dân xã Tân Phú Trung mở lớp dạy nghề hoa kiểng cho nông dân tại chính trang trại của mình. Thế là từ đó trang trại của ông trở thành lớp học sinh động cho nông dân trồng hoa bởi lý thuyết và thực tế nông dân có thể chứng kiến và thực hành ngay tại chỗ. Nhiều nông dân tại các tỉnh Long An, Bình Dương, Tây Ninh cũng đến trang trại ông “tầm sư” học hỏi kinh nghiệm trồng hoa.

Hội Nông dân TP.HCM cho biết trước nhu cầu học nghề ngày càng tăng của nông dân thành phố, Hội đã vận động nhiều nghệ nhân, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi thực hiện chương trình dạy nghề tại chỗ theo mô hình lấy nông dân dạy nông dân. Đã có nhiều nghệ nhân, nông dân sản xuất giỏi tự nguyện đứng ra tổ chức các buổi chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cho nông dân. Đây là mô hình dạy nghề đang được rất nhiều nông dân “kết” bởi yếu tố “người thật việc thật” với những thực tế trực quan sinh động. Với hiệu quả của mô hình, Hội đang có kế hoạch đẩy mạnh phát triển chương trình này trong thời gian tới.

Hữu Ký (Hữu Ký)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem