Không "khoanh tay" để làng nghề thêu 700 năm mai một

Thứ bảy, ngày 22/09/2012 07:08 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Sinh ra ở làng nghề thêu cổ Văn Lâm có hơn 700 năm tuổi, chị không đành lòng “khoanh tay” khi làng nghề đang dần mai một nên đã dốc sức thành lập doanh nghiệp, trung tâm dạy nghề và tìm đầu ra cho sản phẩm.
Bình luận 0

Người phụ nữ nặng lòng với nghề thêu cổ ở làng Văn Lâm (xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, Ninh Bình) ấy là chị Vũ Thị Hồng Yến - Phó Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Minh Trang, chuyên sản xuất sản phẩm thêu xuất khẩu, tạo được việc làm cho hàng trăm lao động.

img
Chị Vũ Thị Hồng Yến (đứng) đang kiểm tra các sản phẩm công nhân thêu.

“Cú ngã” nhớ đời

Dù đã bước sang tuổi 50, chị Yến vẫn còn tràn đầy hăng hái, nhiệt huyết với nghề thêu. Chị bảo: “Tôi rất tự hào vì được sinh ra trong cái nôi của làng nghề dệt hơn 700 năm tuổi và cũng như bao đứa trẻ khác ở làng, tôi biết thêu khi vừa cầm vững mũi kim, sợi chỉ. Nghề thêu cũng lắm công phu, nên người làm nghề này thường có đức tính cần cù, nền nã, nhẹ nhàng, nhanh nhẹn, khéo léo. Có điều, sản phẩm thêu tay ngày càng chịu sự cạnh tranh khốc liệt của các sản phẩm công nghiệp cao cấp. Đó là những nguyên do khiến nghề thêu ở Văn Lâm ngày càng mai một”.

Khi thi trượt đại học, chán thêu, Yến bắt xe lên Thái Nguyên xin làm công nhân ở Nhà máy Gang Thép Thái Nguyên. Bẵng đi một thời gian không đụng cây kim, sợi chỉ, tưởng chừng chị đã quên nghề... Nhưng trong một lần thi nữ công khéo tay, chị đã trổ tài thêu một chiếc khăn tay và đoạt giải nhất. Vậy là từ đó, chị Yến bỗng trở thành “cô giáo” dạy thêu cho phụ nữ cả nhà máy. Chị như hạt thóc bấy lâu ngủ quên dưới đáy bồ, được khơi lên gieo mầm...

Nhớ nghề truyền thống của làng, năm 1996 chị về quê thành lập Tổ thêu xuất khẩu Hòa Bình, chuyên thêu khăn, túi xách, ri đô... với số vốn vỏn vẹn 10 triệu đồng. Làm được một thời gian, chị nhận thấy sự hạn chế, bất lợi của tổ là phải qua nhiều trung gian nên giá trị thu nhập chẳng đáng là bao. Sau nhiều đêm suy nghĩ, năm 2001 chị quyết định thành lập Doanh nghiệp tư nhân Minh Trang, do chồng chị làm giám đốc. Nhưng thành lập doanh nghiệp, chị gặp phải rất nhiều khó khăn về vốn, rồi mặt bằng. “Tôi đã phải chuyển đi chuyển lại trụ sở, nhà xưởng tới 7 nơi, làm thủ tục gần 2 năm trời mới thuê được mảnh đất hơn 3.000m2 hiện nay” - chị Yến cho biết.

Lúc đầu các sản phẩm của doanh nghiệp chỉ bán trong nước, sau vài lần tham gia hội chợ, rồi đưa hình ảnh lên website thì nhiều khách hàng nước ngoài đã biết và tìm đến đặt hàng. “Hợp đồng xuất khẩu đầu tiên xuất đi Mỹ, thông qua một Việt kiều. Do tin tưởng nên tôi giao hàng cho họ trước mà không có giấy tờ ràng buộc, sau khi nhận được hàng họ cắt liên lạc luôn, vụ đó tôi lỗ gần 20.000USD...” - chị kể.

Hướng ra thị trường nước ngoài

Bây giờ, trụ sở Doanh nghiệp Minh Trang nằm cách bến đò khu du lịch Tam Cốc - Bích Động khoảng 200m, là một lợi thế rất lớn để doanh nghiệp có thể vừa bán, vừa quảng bá các sản phẩm tại chỗ với du khách trong nước và quốc tế. Ngoài diện tích nhà xưởng, trụ sở giao dịch, chị xây một phòng trưng bày, giới thiệu sản phẩm hơn 100m2. Các sản phẩm chính của doanh nghiệp gồm: Túi rút, túi xách, lót cốc, khăn lụa, quần áo thời trang, chăn bông, ga, gối, đệm ngồi, tựa... bằng các chất liệu lụa tơ tằm, linen, cotton.

Mỗi ngày, doanh nghiệp của chị Yến đón tiếp hàng chục lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, mua hàng và ký kết hợp tác tiêu thụ sản phẩm. Sản phẩm làm ra ngày càng được nhiều khách hàng tin tưởng lựa chọn, bởi được sản xuất bằng chính những đôi tay khéo léo của các nghệ nhân, thợ lành nghề của làng thêu cổ Văn Lâm. Chị Yến chia sẻ: “Để đáp ứng được thị hiếu của khách hàng trong nước, đặc biệt là khách hàng quốc tế, trước tiên sản phẩm phải có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, đa dạng, kỹ thuật độc đáo, tinh xảo, mang đậm tính thẩm mỹ, nhân văn...”.

Chị Yến cho biết, hiện các sản phẩm của công ty chị đã có mặt ở hầu khắp cả nước. Cùng với củng cố thị trường trong nước, mục tiêu của doanh nghiệp là hướng ra thị trường quốc tế.

Theo tiết lộ của chị Yến, hiện các sản phẩm của chị đã có mặt hầu khắp cả nước. Cùng với việc củng cố thị trường trong nước, mục tiêu của doanh nghiệp là hướng ra thị trường quốc tế. “Chúng tôi chủ yếu xuất hàng đi các nước Mỹ, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc... Tôi rất thích làm việc với đối tác nước ngoài, họ làm việc rất nhanh, rõ ràng, chặt chẽ, bên nào sai thì phải chịu trách nhiệm. Sau nhiều lần tham dự triển lãm, hội chợ ở nước ngoài, tôi nhận thấy họ rất coi trọng việc quảng bá thương hiệu và cách họ làm thương hiệu cũng rất đặc biệt. Tại hội chợ, họ đầu tư gian hàng trưng bày rất công phu, bố trí hợp lý, bắt mắt. Nếu nói về độ tinh xảo, chất lượng của sản phẩm thì mình hơn hẳn, nhưng khâu quảng bá, thực hiện lại yếu, nên vẫn bị lép vế- chị Yến bộc bạch.

Nếu doanh thu của Doanh nghiệp Minh Trang năm 2005 chỉ đạt 5 tỷ đồng, thì năm 2007 - sau khi thành lập trung tâm dạy nghề để đào tạo nghề cho người dân, đồng thời mở rộng nhà xưởng và thị trường, doanh thu đã lên 10,5 tỷ đồng. Hiện nay, trong bối cảnh thị trường trong và ngoài nước đang khó khăn, doanh nghiệp của chị Yến vẫn giữ được doanh thu khoảng 20 tỷ đồng/năm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem