"Kích" 4ha sầu riêng Ri6 ra trái sớm, lời hẳn 1 tỷ đồng

Chủ nhật, ngày 30/07/2017 19:15 PM (GMT+7)
Nhờ áp dụng phương pháp "kích" cho sầu riêng Ri6 ra trái sớm, năm nay gia đình chị Hoàng Thị Bình, thôn Đa Kim, xã Đa Mi, huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận) đạt sản lượng trên 40 tấn, giá bán xô tại vườn bình quân 38.000 đồng/kg, có thời điểm hút hàng lên đến 63.000 đồng. Niên vụ sầu riêng 2016-2017, chị Bình ước thu hơn 1 tỷ đồng sau khi trừ chi phí và tiền công...
Bình luận 0

Tháng 7, chúng tôi đến thăm vườn sầu riêng 4 ha của chị Hoàng Thị Bình tại thôn Đa Kim, xã Đa Mi, huyện Hàm Thuận Bắc. Nhớ lại năm 2015, đây là mùa đầu tiên cho trái bói khiến chị Bình vui sướng khôn nguôi. Sản lượng đạt 17 tấn trở thành niềm vui chung của cả gia đình sau bao năm canh tác. Nhờ thu hoạch sớm vụ, nên chị Bình đã bán được giá cao với 620 triệu đồng.

img

Chị Hoàng Thị Bình vui mừng vườn sầu riêng Ri 6 da xanh của gia đình đạt hiệu quả kinh tế cao. 

Ở năm thứ 2, chị Bình tiếp tục áp dụng phương pháp kích cho sầu riêng ra quả sớm. Với sản lượng đạt trên 40 tấn, giá bán xô tại vườn bình quân 38.000 đồng/kg, có thời điểm hút hàng lên đến 63.000 đồng cho loại sầu riêng Ri6 da xanh. Niên vụ sầu riêng 2016-2017, chị Bình ước thu hơn 1 tỷ đồng sau khi trừ chi phí và tiền công.

Không chỉ có chị Bình, chị Bùi Thị Diễm, nhà ở thôn Đa Tro cũng chọn mảnh đất Đa Mi lập nghiệp gần 10 năm qua với cây sầu riêng là cây trồng chính cho kinh tế của gia đình. Hơn 800 gốc sầu riêng da xanh, mỗi năm mang lại nguồn lợi nhuận 500 triệu đồng, chưa kể một số cây ăn quả khác trồng xen canh trong vườn sầu riêng.

Chị Diễm chia sẻ, khí hậu ôn hòa mát mẻ cộng với đất đỏ bazan màu mỡ thích hợp cho cây có múi như sầu riêng phát triển. Cây sầu riêng ở Đa Mi không chỉ năng suất đạt cao mà chất lượng không thua kém so với các vùng trồng sầu riêng ở khu vực miền Đông Nam bộ như thịt dày, cơm vàng, thơm ngon và độ ngọt dễ chịu.

Theo thống kê, toàn xã Đa Mi hiện có khoảng 560 ha sầu riêng được nông dân trồng thâm canh hoặc xen canh với cà phê hoặc một số loại cây ăn quả khác như măng cụt, bơ. Cây sầu riêng trồng nhiều ở các thôn: Đa Tro, Đa Kim và La Dày. Vì thời tiết tại đây dịu mát do tiếp giáp với vành đai khí hậu tỉnh Lâm Đồng, tương đồng với Long Khánh - tỉnh Đồng Nai.

Nhờ thiên nhiên ưu đãi về khí hậu, thổ nhưỡng, đặc biệt không phải lo lắng về nguồn nước tưới vì có hồ Hàm Thuận và hồ Đa Mi tích trữ nước làm thủy điện, nông dân tận dụng bơm tưới hoặc khoan giếng có nước tưới quanh năm rất thuận lợi cho phát triển sản xuất nông nghiệp.

Phát huy lợi thế tiềm năng sẵn có, nông dân Đa Mi chuyển đổi những cây trồng có giá trị kinh tế cao với các loại sầu riêng từ Thái Lan, Ri6 da xanh… ược các thương lái thu mua, tiêu thụ mạnh tại các thị trường trong nước như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng. Ngoài ra, một số nông dân ở xã Đa Mi cũng chủ động thâm canh sầu riêng với quy mô lớn, kỹ thuật chăm sóc bài bản, sản phẩm đã được một số doanh nghiệp các tỉnh miền Tây Nam bộ thu mua, xuất khẩu sang Thái Lan, Lào và Myanmar.

Tổ hợp tác sản xuất sầu riêng Đa Mi do 15 hộ dân (tổng diện tích canh tác 30 ha) ở Đa Mi đang đề nghị các cấp có thẩm quyền của huyện Hàm Thuận Bắc và tỉnh Bình Thuận chính thức công nhận thành lập tổ hợp tác, định hướng xây dựng thương hiệu sầu riêng Đa Mi theo chuỗi. “Sản xuất sạch, bền vững, gây dựng thương hiệu nhằm đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông sản này sẽ là hướng đi của xã Đa Mi trong thời gian tới”, chị Nguyễn Thị Ngần – Chủ tịch Hội Nông dân xã Đa Mi, cho biết thêm.

Chí Bình (Báo Bình Thuận)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem