Lái xe chở mía o ép nhà nông

Hùng Phiên Thứ năm, ngày 09/03/2017 15:01 PM (GMT+7)
Nhiều người trồng mía ở Phú Yên bức xúc phản ánh việc họ bị các lái xe tải chở mía cho các nhà máy đường ép phải “chung chi” tiền triệu mới cho xe vào ruộng bốc hàng...
Bình luận 0

Vụ mía… khó đủ đường

Với 25.000ha mía và 3 công ty chế biến đường quy mô, Phú Yên đang được đánh giá là tỉnh có thế mạnh sản xuất mía đường. Đợt mưa lũ cuối năm 2016 đã gây thiệt hại nặng vùng mía Phú Yên. ND và các nhà máy đường của tỉnh đều vào vụ thu hoạch 2016-2017 chậm hơn một tháng.

img

Nông dân huyện Sông Hinh đang chất mía lên xe tải chở đi bán cho nhà máy mía đường.    
Ảnh: H.P

Đầu tháng 3 này, đứng bên đống mía vừa chặt chất ngất ngưởng, ông Phan Đắc Thành (trồng 10ha mía ở huyện Sông Hinh, Phú Yên) thở hắt: “Mùa mưa năm qua kéo lê thê, cây mía bị ngập, mọc rễ, hư hại, giảm chữ đường sạch trơn! Vụ thu hoạch này, tôi phải thuê hàng chục nhân công chặt mía chất lên xe, tiền phải trả cho mỗi người đến 300.000 đồng/ngày. Do rẫy ở xa nên tôi phải tốn tiền xe bò để trung chuyển mía ra đường lớn; sau đó, xe tải của Công ty Mía đường Tuy Hòa mới đến vận chuyển. Tuy nhiên, cánh lái xe cho nhà máy luôn gây sức ép đòi “chung chi” thêm 1 - 1,5 triệu đồng/xe tải. Nếu mình không chung tiền thì cả đống mía chặt xong, để vài ngày là khô như củi liền! Nhà máy đang mua mía cây với giá 905.000 đồng/tấn (10 chữ đường). Mùa này mía thất thu, chi phí sản xuất, vận chuyển của chúng tôi đã lên gần 900.000 đồng/tấn rồi, thử hỏi còn lấy gì mà sống?”.

Bà Trần Thị Hiền - người trồng 8ha mía ở Sông Hinh, bức xúc: “Mấy năm trước, chất lượng mía đạt cao, ND bóp bụng “chung chi” thì cũng còn có lãi. Mía năm nay bị lũ lụt hư hại, chi phí đủ thứ đè đầu thế này, chúng tôi cầm  chắc lỗ. Bà con ai cũng uất ức kiểu “ăn trên đầu” này, nhưng rất ngại “chỉ mặt” phản ánh, lỡ họ phá “nồi cơm” của mình”.

Theo ông Đặng Việt Anh - Giám đốc Công ty Mía đường Tuy Hòa, đơn vị luôn có hợp đồng, giám sát chặt chẽ lực lượng xe vận chuyển mía; nếu có vi phạm là cắt ngay hợp đồng. “Mưa gió kéo dài, mía chín muộn và giảm chữ đường. Đã vào vụ ép chậm một tháng mà nhà máy đang rất thiếu nguyên liệu. Chúng tôi đã hỗ trợ tiền cho xe tải vận chuyển mía vào tận ruộng của ND. Vậy mà bà con báo một số nhà xe vẫn cố tình sách nhiễu, đòi thu thêm của ND 1 - 1,5 triệu đồng/xe mía. Chúng tôi nhận phản ánh có 10 nhà xe ở xã Đức Bình Tây (Sông Hinh) đang ra yêu sách gây khó cho nhà máy và ND. Khi chúng tôi thay hợp đồng xe khác thì bị cánh nhà xe ở Đức Bình Tây hăm dọa đủ kiểu” - ông Anh nói.

Chính quyền cam kết “làm đến nơi”

Chủ tịch Hội ND huyện Sông Hinh - ông Phạm Xuân Lai cho biết,  cán bộ hội cơ sở đã nắm bắt đầy đủ tình trạng hệ thống vận tải o ép, bắt ND trồng mía phải “chung chi”. “Hội ND huyện đã chính thức có báo cáo, phối hợp làm việc với các đơn vị hữu quan để xóa bỏ tình trạng trên. Hệ thống vận tải tại địa phương đang phát triển khá mạnh, không thể để một nhóm lợi ích sách nhiễu, gây khó cho ND trồng mía”.     

Theo ông Đinh Ngọc Dạn - Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, huyện đang chỉ đạo lực lượng công an vào cuộc điều tra vụ việc “hăm nhà máy, ép ND” nêu trên. “Hiện tại, chính quyền địa phương đang tiến hành đối thoại giữa các bên liên quan sản xuất mía để giải quyết rốt ráo tình trạng nhà xe tải chèn ép, đòi ND “chung chi” trên từng xe mía. Chúng tôi cam kết bảo vệ lợi ích đến cùng cho người ND” - ông Dạn nói.

Tôi đã trực tiếp chỉ đạo lực lượng công an bám kỹ để điều tra ngọn ngành các tiêu cực từ vùng sản xuất mía. Chính quyền địa phương quyết tâm làm rõ, xử lý theo luật định những ai có liên quan đến đường dây sách nhiễu, chèn ép nông dân trồng mía”.

Ông Trần Hữu Thế - Phó Chủ tịch UBND tỉnh,
Trưởng ban Điều hành mía đường tỉnh Phú Yên

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem