Làm cán bộ hội cần có tâm, tầm

Khải Phong Thứ bảy, ngày 21/03/2015 09:57 AM (GMT+7)
“Làm cán bộ hội phải có tầm, có tâm. Nếu chưa có tầm thì ít nhất phải có tâm”- đó là tâm sự của ông Vũ Văn Thẩm – Chủ tịch Hội Nông dân (ND) tỉnh Quảng Nam. Và bao nhiêu năm qua, ông sống với quan niệm này.    
Bình luận 0
Cái gì hình thức thì bỏ đi

Trong gia đình mình, ông Thẩm là thế hệ thứ hai làm chủ tịch Hội ND tỉnh và ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Hội NDVN. Cách đây mấy năm, khi rời Tỉnh đoàn Quảng Nam, trong những hướng đi tiếp, ông đã chọn Hội ND, như lời ông tâm sự là vừa để kế thừa chí nguyện của bố, vừa là để được cống hiến sức mình cho bộ phận người dân mà ông thấy gần gũi, thân yêu nhất. Ông về với Hội như cá về với nước, làm việc không thấy mệt mỏi, phong trào Hội ND ở Quảng Nam vốn đã phát triển, có thủ lĩnh mới lại càng phát triển hơn.

Ông chú trọng tính thực chất của phong trào và luôn dặn cán bộ: Cái gì hiệu quả cho Hội, cho ND thì làm, cái gì hình thức thì bỏ đi. Thấy ND mỗi đầu vụ chạy đôn chạy đáo kiếm tiền mua giống, mua phân bón, vật tư nông nghiệp, ông rất trăn trở. Ông và lãnh đạo Hội ND tỉnh xúc tiến quan hệ và ký hợp đồng được với Công ty CP Phân bón Bình Điền, Công ty Sao Việt (Quảng Bình), Green feed Việt Nam… để đưa phân bón, thức ăn chăn nuôi, giống… về bán chịu cho ND. Hội đứng ra tín chấp với doanh nghiệp, ND cần vật tư cứ lấy về dùng, đến cuối vụ thu hoạch khi bán được nông sản, có tiền mới phải trả. Đã vậy, giá cả vật tư, phân bón lại không cao, chất lượng đảm bảo. Riêng phân bón, mỗi vụ, ND Quảng Nam được mua chịu cả nghìn tấn, đỡ được biết bao nhiêu tiền lúc đầu vụ khó khăn. Theo ông Nguyễn Văn Thận - Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ ND Quảng Nam (cán bộ phụ trách lĩnh vực bán vật tư nông nghiệp trả chậm), ND rất phấn khởi, đua nhau đăng ký để được mua các loại vật tư phân bón trả chậm. “Nếu doanh nghiệp đồng ý thì mỗi vụ, riêng phân bón, bà con có thể mua hàng ngàn, hàng chục ngàn tấn” – lời ông Thận.

Quan tâm trước nhất đến hội viên nghèo

img

Ông Vũ Văn Thẩm trao quà tết cho bệnh nhân nghèo tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam. Ảnh: Nguyễn Út
Đối tượng mà ông Thẩm quan tâm nhất là hội viên ND nghèo, những người có hoàn cảnh bất hạnh. Năm nào ông cũng huy động từ hội viên ND sản xuất kinh doanh giỏi, những Mạnh Thường Quân, kêu gọi sự hỗ trợ từ ngân sách uỷ ban các địa phương… để có một khoản tiền mua bò tặng ND nghèo. Năm 2014, ông huy động được trên 1,3 tỷ đồng, mua được 82 con bò lai sind tặng 82 hộ ND nghèo. Chương trình tặng bò cho người nghèo đã giúp nhiều hoàn cảnh khó khăn vươn lên thoát nghèo. Cá nhân ông cũng đóng góp một phần không nhỏ. Trong 1,3 tỷ đồng nói trên, cá nhân ông góp 428 triệu đồng. “Anh Thẩm là người có quan hệ rộng, nhưng quan trọng là người chịu khó đi vận động, quyên góp. Nhờ vậy, anh huy động được một khoản tiền lớn để mua bò hỗ trợ người nghèo” – ông Trần Huy Tường - Chủ tịch Hội ND huyện Duy Xuyên cho biết.


Ông Nguyễn Út - Chánh văn phòng Hội ND tỉnh Quảng Nam
 Anh Thẩm đặt nặng tiêu chuẩn cán bộ. Ở Quảng Nam không có chuyện cứ cán bộ yếu kém thì đưa qua Hội. Từ cán bộ cơ sở đến quận, Huyện hội, Tỉnh hội, anh Thẩm đều làm việc kỹ với cấp uỷ cùng cấp, đạt tiêu chuẩn mới nhận, không đạt là cương quyết từ chối.  
Với những ND gặp rủi ro, bất hạnh, ông cố gắng đến với họ sớm nhất, để động viên, trao một ít tiền giúp họ có điều kiện vượt qua khó khăn. Khác với nhiều người, ông thường phản ứng gay gắt câu nói “với người nghèo khó, nên cho cần câu, không nên cho con cá”, bởi ông lý lẽ: Người ta đang đói, đang kiệt quệ thì phải hồi sức ngay, có cá cho cá, có cơm cho cơm, thậm chí cho cháo, chứ lúc đó mà cho cần câu thì ý nghĩa gì. “Anh Thẩm rất hay đi cơ sở, nghe đâu rủi ro, bất hạnh là anh đến, có đồng nào trong túi là anh dốc hết ra cho. Tính anh như vậy nên đôi khi cũng làm… liên lụy đến túi tiền những người đi theo anh như chúng tôi”– ông Nguyễn Út, Chánh văn phòng Hội ND tỉnh Quảng Nam nói vui. 

Cũng theo ông Út, bão, lụt, mưa đá… xảy ra chưa dứt là ông Thẩm đã giục lên đường, nhắm chỗ nào nặng nhất thì đến. Tính ông như vậy nên thiên tai xảy ra gây hậu quả đối với ND, cán bộ lãnh đạo Hội ND tỉnh Quảng Nam luôn là người xuất hiện sớm để thăm hỏi, động viên và tặng quà. Như cơn bão số 11 năm 2013, ngay khi bão chấm dứt, cán bộ tỉnh hội chia nhau đi đến 9 huyện, thị, trở thành những cán bộ có mặt sớm nhất tại hiện trường thăm hỏi, động viên và tặng quà cho những ND bị tai nạn. Hay như bão số 14 năm 2014, ngay khi bão tan, ông Thẩm và cán bộ Thường trực Tỉnh hội đã cùng lúc xuất hiện ở Tam Kỳ để thăm hỏi gia đình một ND vừa qua đời do bão; ở Duy Xuyên để viếng 1 nạn nhân chết và thăm hỏi 5 trường hợp bị thương; ở Nông Sơn để chia sẻ với gia đình ND có người bị lũ cuốn mất tích; ở Núi Thành để chia sẻ với 2 gia đình ND khác có người bị sóng cuốn trôi; ở Hiệp Đức để thăm viếng gia đình có người bị cây đè chết…

Ông yêu cầu chủ tịch Hội ND các quận, huyện phải năng bám cơ sở, ngoài để xây dựng, phát triển phong trào, còn để phát hiện các hoàn cảnh bất hạnh, nghèo khó cần giúp đỡ. Địa phương nào phát hiện trước thì được thưởng, nếu để báo chí phát hiện trước thì bị trừ điểm thi đua. Với ông, việc sẻ chia, giúp đỡ những cuộc đời bất hạnh là một mệnh lệnh từ trái tim đối với người cán bộ hội.

Ông Thẩm cũng là người không thích “bệnh phô trương”, và thường bày tỏ, tiền bạc làm những việc đó, nên tiết kiệm để giúp đỡ những gia đình bất hạnh. 

Nói gắn với làm

Trong công việc, ông không rập khuôn mà luôn sáng tạo, để đưa đến những hiệu quả cao hơn. Các hội thi do Hội tổ chức, như nhà nông đua tài, bóng chuyền, văn nghệ… trước kia hay tổ chức ở tỉnh lỵ Tam Kỳ, ông Thẩm yêu cầu đưa hết về cơ sở để thu hút hội viên, ND tới xem. Khi những cuộc thi này tổ chức ở tỉnh, thường được đưa vào các hội trường lớn, nhưng không có ai xem, thậm chí thuê người giữ xe miễn phí mà dân cũng không đến, phải huy động bộ đội đi xem để có “khán giả”. Sau khi đưa các hoạt động này về cơ sở, kể cả về các chi tổ hội, người diễn đã có người xem đích thực. “Diễn viên là hội viên ND và khán giả cũng là hội viên ND nên những thông điệp trong các hội thi, các tiết mục biểu diễn đều được chia sẻ. Người diễn có cảm hứng để diễn mà người xem cũng thấy thích thú, đồng điệu. Hiệu quả tuyên truyền rất cao” – ông Nguyễn Đình Tứ - Chủ tịch Hội ND Tiên Phước nhận xét.


Ông Vũ Văn Thẩm
   Chúng tôi cố gắng xuất hiện đầu tiên với những hoàn cảnh rủi ro, tai nạn, bất hạnh vì lúc đó mọi sự sẻ chia, giúp đỡ dù ít đều đáng quý. Chứ chờ đến lúc các tổ chức, cá nhân ào ạt đến giúp mà cán bộ hội mới đến thì lúc đó món quà nhỏ bé của Hội (Hội thì lấy đâu ra tiền để giúp nhiều) sẽ giảm đi ý nghĩa rất nhiều với người cần giúp. 
Tính ông nói đi đôi với làm. Bia tưởng niệm Hội ND miền Trung – Tây Nguyên (Bắc Trà My, Quảng Nam) xuống cấp, ông đến tận nơi xem xét, có văn bản kêu gọi hỗ trợ kinh phí tu sửa gửi đi khắp nơi. Ông trực tiếp đưa Trưởng ban Dân vận Quảng Nam rồi Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Nam ra Hà Nội gặp Thường trực T.Ư Hội ND Việt Nam để đề nghị việc tu sửa. Sau đó, ông có đề xuất được Trung ương Hội NDVN thống nhất là kêu gọi mỗi hội viên ND đóng 1.000 đồng. “Với 230.000 hội viên, Quảng Nam đã có 230 triệu đồng. Nhưng chắc chắn sẽ có người tự nguyện đóng góp vài nghìn đồng, thậm chí vài chục nghìn, vài trăm nghìn đồng. Như vậy, chỉ riêng Quảng Nam, chúng ta đã có vài trăm triệu đồng để tu sửa Bia tưởng niệm” – ông Thẩm nói.

Được biết, đầu tháng 4 tới, việc tu sửa sẽ bắt đầu.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem