Làm giàu ở nông thôn: Nuôi 30 ngàn chim cút, trồng kiểng, lãi nửa tỷ/năm

Thứ năm, ngày 19/10/2017 19:30 PM (GMT+7)
Ông Lê Quang Trắc, ấp Đồng Nhơn, xã Lương Quới, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre có cách nuôi chim cút khá lạ-đó là bật nhạc du dương để loài chim nuôi này không...giật mình. Nuôi chim cút kết hợp trồng kiểng lá đã giúp gia đình ông Trắc có doanh thu gần 2 tỷ đồng/năm, trừ chi phí còn lãi nửa tỷ đồng.
Bình luận 0

Sống giữa xứ vốn nổi tiếng trồng các loại cây có múi như cam, quýt, bưởi, nhưng ông Lê Quang Trắc, ấp Đồng Nhơn, xã Lương Quới, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre lại có thu nhập khỏe re từ 2 nghề khác là nuôi chim cút lấy trứng và trồng cây lá kiểng. Tổng thu nhập từ trứng cút và bán kiếng lá mỗi năm đem về cho gia đình ông Trắc gần 3,6 tỷ đồng.

img

Ông Lê Quang Trắc đang lượm trứng cút ở trại nuôi của gia đình.

Năm 2017, ông Lê Quang Trắc, ấp Đồng Nhơn, xã Lương Quới, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre được huyện chọn là nông dân tiêu biểu của huyện. Ông Trắc được người dân xã Lương Quới mệnh danh là “vua cút”. Ông cung là người tiên phong trồng cây kiểng lá ở xứ cây có múi.

Đam mê nuôi cút

Khi chúng tôi đến nhà ông Lê Quang Trắc, từ đầu ngõ đã nghe tiếng nhạc không lời du dương. Đón chúng tôi, ông “vua cút” bật mí cho biết tiếng nhạc sẽ giúp cút không bị những âm thanh lạ làm…giật mình.

“Các con vật nuôi nếu bị tác động từ âm thanh lớn, người lạ xuất hiện sẽ khiến chúng sợ và đẻ sút, chất lượng trứng không đạt”, ông Trắc cho biết.

Năm 2001, xã Lương Quới đã có vài hộ nuôi cút, nhưng ông Trắc cũng chỉ dám “khởi nghiệp” đầu tư nuôi khoảng 1.000 con cút. Nuôi cút mới được 4 năm, chưa kịp vui mừng vì cút phát triển tốt, trứng có đầu ra thì dịch cúm gia cầm ập đến, ông Trắc bỏ nuôi, xa xứ đi làm ăn. Nhưng niềm đam mê nuôi cút vẫn còn, khi dịch cúm gia cầm đã hết, năm 2006, ông Trắc về quê gầy dựng lại nghề nuôi cút với số lượng khiêm tốn 2.000 con.

Hơn 10 năm, đàn cút của ông Trắc giờ đã lên đến 30 .000 con. Ông là người đầu tiên trong tỉnh thành lập trang trại nuôi cút. “Nuôi cút vì đam mê và cũng vì nhanh có tiền. Mua cút giống về nuôi khoảng nửa tháng là cút đẻ trứng. Sáng cút đẻ trứng, chiều là có tiền. Nuôi cút cũng ít người nuôi, dịch bệnh ít hơn gà, vịt”, ông Trắc cho biết.

Ông Trắc cũng cho biết nhờ phân cút mà giờ đây mỗi năm gia đình chỉ còn tốn khoảng 1 triệu đồng tiền mua các loại phân bón cho vườn cây ăn quả trong vườn (thay vì phải tốn 6 triệu đồng/năm như trước kia). Ngoài ra, mỗi ngày lượng phân cút dư bán được khoảng 800.000 đồng.

“Cút rất dễ nuôi, ít dịch bệnh nhưng đòi hỏi người nuôi phải kỹ trong khâu vệ sinh chuồng trại, mỗi ngày đều phải vệ sinh chuồng, dọn phân để tránh dịch bệnh. Ngoài ra, chuồng nuôi cút kín nhưng cũng phải thông thoáng. Cút nuôi khoảng 6 tháng, năng suất trứng giảm thì nên bán thịt, thay đàn”, ông Trắc chia sẻ kinh nghiệm.

img

Ông Lê Quang Trắc (trái) đang sắp trứng cút giao cho khách hàng.

Không chỉ dừng lại ở việc cung cấp cho thị trường trứng cút lạt, hai năm trước ông Trắc đầu tư máy ấp trứng để cung cấp trứng cút lộn cho thị trường trong xã, huyện, tỉnh và TP. Hồ Chí Minh. Hiện nay, mỗi năm gia đình ông Trắc thu nhập khoảng 1,6 tỷ đồng từ bán trứng cút, cút thịt và phân cút.

Tiên phong trồng kiểng lá

Nghề nuôi cút đã ổn định, ông Trắc lại nghĩ phải tận dụng diện tích mặt đất dưới các tán cây cam, quýt, dừa để tăng thêm nguồn thu nhập. Năm 2015, ông Trắc đã mạnh dạn đầu tư trồng kiểng lá. Kiểng lá không phải là mô hình kinh tế mới ở tỉnh Bến Tre nhưng ở xã Lương Quới của ông thì chưa ai trồng. Trước khi đến với kiểng lá, ông Trắc lên Đà Lạt học tập kinh nghiệm của người Nhật Bản để trồng những loại kiểng lá mà Bến Tre chưa ai trồng.

“Kiểng lá ở tỉnh nổi tiếng thuộc các vườn ở Chợ Lách, hình thành từ lâu, đã có tiếng trong thị trường. Vì thế, để khẳng định được kiểng lá của chính mình thì phải chọn những loại hiếm, lạ để trồng”, ông Trắc chia sẻ.

Để có được vườn kiểng lá với trên 15 chủng loại như hiện nay, ông Trắc bắt đầu với những chủng loại kiểng lá lạ, hiếm, lần đầu có mặt ở Bến Tre như: dương xỉ rồng, tùng đuôi chồn, dương xỉ mềm…Có chủng loại ông phải trồng thử nghiệm nhiều lần, tốn kém chi phí mới thành công. Vì khí hậu, thổ nhưỡng ở Bến Tre rất khác với Đà Lạt nên khi mới đưa về có loại cây không phù hợp, không phát triển được, phải thay giá thể, điều chỉnh cách trồng, nước tưới…Ví dụ, tùng đuôi chồn khi mua giống từ Đà Lạt về thì giá thể là đất, vỏ thông (tạo độ xốp). Khi mang về Bến Tre thời tiết thay đổi, phải thay thế giá thể kết hợp mụn dừa, trấu và ít đất để phù hợp với nhiệt độ, khí hậu và mưa nhiều.

Nếu so với những vườn kiểng lá ở Chợ Lách thì vườn kiểng 2,5 năm nhà ông Trắc còn khiêm tốn. Nhưng bù lại ông Trắc sở hữu những giống kiểng lá thuộc hàng hiếm, có loại chỉ vườn ông trồng độc quyền như dương xỉ rồng. Đây là loại kiểng có giá bán cao vì thuộc loại cây phong thủy dạng cao cấp.

Hiện nay, thị trường kiểng lá rất hút hàng, nguồn cung không đủ cầu. Nhiều đơn đặt hàng từ Hà Nội, miền Trung nhưng ông Trắc không có hàng để cung cấp. Ông Trắc đã mở rộng thêm nhiều vệ tinh để có nguồn hàng cung cấp thường xuyên cho khách chủ yếu ở TP. Hồ Chí Minh, Bến Tre. “Tôi đang mở rộng thêm diện tích để phát triển kiểng lá. Chăn nuôi bấp bênh, nhưng kiểng lá thì hiện nay các nhà vườn chỉ đáp ứng được 1/10 nhu cầu của thị trường. Thời gian tới, kiểng lá sẽ là mô hình kinh tế có tiềm năng...”, ông Trắc cho biết.

Với diện tích 8.000m2 vừa kết hợp nuôi cút, trồng kiểng lá dưới tán cây dừa, cam, bưởi đem về cho gia đình ông Trắc mỗi năm gần 2 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí còn lợi nhuận trên 500 triệu đồng. Mặc dù thành công với mô hình làm kinh tế nhưng điều mà ông Trắc thấy vui, hạnh phúc nhất chính là giải quyết lao động thường xuyên cho 11 công nhân - những người có hoàn cảnh khó khăn, đem lại cho họ công việc ổn định, thu nhập bình quân mỗi tháng từ 4 - 4,5 triệu đồng/người.

Bà Nguyễn Thị Minh Trang - Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Lương Quới cho biết ông Lê Quang Trắc là nông dân tiêu biểu của xã, của huyện. Hiện xã có khoảng 15 hộ nuôi cút nhưng gia đình ông Trắc có số đàn cút lớn nhất xã. Ông Trắc không chỉ làm giàu cho gia đình mà còn giúp nhiều lao động khó khăn ở địa phương có công ăn việc làm ổn định. Hy vọng thời gian tới mô hình này sẽ được cấp tỉnh quan tâm, hỗ trợ để người dân học tập...

Viết Duyên (Báo Đồng Khởi)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem