Tái cơ cấu nông nghiệp: Ngành lâm nghiệp bứt phá với 11 tỷ USD xuất khẩu

Minh Ngọc Chủ nhật, ngày 15/12/2019 11:46 AM (GMT+7)
Thực hiện tái cơ cấu lĩnh vực lâm nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, kết hợp với việc đưa ra nhiều giải pháp nhằm phát triển bền vững, mới đây, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT) đã tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động lâm nghiệp năm 2019, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện năm 2020 các tỉnh phía Bắc.
Bình luận 0

Giá trị xuất khẩu lâm sản đạt 11 tỷ USD

Theo Tổng cục Lâm nghiệp, giá trị xuất khẩu lâm sản của các tỉnh phía Bắc tiếp tục tăng cao, góp phần tăng giá trị xuất khẩu lâm sản cả nước năm 2019 ước đạt trên 11 tỷ USD, tăng khoảng 19% so với 2018 (vượt 2% so với kế hoạch).

Trong đó gỗ và sản phẩm gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 9,6 tỷ USD, tăng 19%; lâm sản ngoài gỗ đạt 600 triệu USD, tăng 34%. Lâm sản Việt Nam xuất khẩu sang trên 140 quốc gia và vùng lãnh thổ.

“Các thị trường xuất khẩu lâm sản chính của Việt Nam, gồm: Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU và Hàn Quốc với giá trị xuất khẩu ước đạt 7,81 tỷ USD, chiếm 87% tổng giá trị xuất khẩu lâm sản. Trong các thị trường này, dư địa vẫn rất rộng mở để ngành tiếp túc xuất khẩu lâm sản với giá trị cao trong tương lai” - ông Nguyễn Quốc Trị- Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp khẳng định.

img

 Xuất khẩu gỗ năm 2019 ước đạt 9,6 tỷ USD. Ảnh: I.T

Tổng cục Lâm nghiệp khẳng định, ngành đã có những chuyển biến rõ rệt trong tái cơ cấu, đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất lâm nghiệp có giá trị cao, mô hình kinh doanh gỗ lớn, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất, chế biến lâm sản xuất khẩu. Chủ động nắm bắt tình hình điểm nóng và khoanh vùng các địa bàn trọng điểm và chặt, phá rừng. Kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.

\Cụ thể, về diện tích trồng rừng là 148.413ha (đạt 103,3%); chăm sóc rừng trồng 395.664ha (đạt 102,3%); khoán bảo vệ rừng 4.375ha; khoanh nuôi tái sinh 137.057ha; bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, năm 2019 các tỉnh phía Bắc đã phát hiện 5.912 vụ vi phạm.

Cùng với đó, tại các tỉnh phía Bắc khai thác rừng trồng tiếp tục tăng, khối lượng khai thác rừng trồng tập trung đạt 12,06 triệu m3. Về chi trả dịch vụ môi trường rừng các tỉnh phía Bắc đã thu được 1.195,8 tỷ đồng.

Tại hội nghị một số địa phương như Hà Nội, Hà Giang, Điện Biên, Bắc Kạn, Thừa Thiên - Huế cũng đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm thực tiễn, bày tỏ những khó khăn của ngành tại cơ sở. Các vấn đề chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, tình hình dân di cư tự do và thực trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp, tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, phát triển công nghiệp chế biến gỗ và thương mại lâm sản đều được các địa phương chia sẻ thẳng thắn.

Hội nhập gắn với phát triển bền vững

Thứ trưởng Thường trực Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn nhấn mạnh: “Phát triển lâm nghiệp theo chuỗi gắn với tái cơ cấu, từ trồng rừng, khôi phục đến sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Chúng ta phải thay đổi về tư duy để tiến tới hội nhập và phát triển ngành bền vững”. 

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn cho rằng ngành lâm nghiệp các tỉnh phía Bắc cần tiếp tục tạo được những kết quả đột phá hơn nữa, bên cạnh việc phát triển rừng bền vững, cần tập trung đến sản xuất, chế biến các sản phẩm từ lâm sản đem lại giá trị cao cho ngành lâm nghiệp Việt Nam. Tiếp tục phát triển thị trường, thúc đẩy xuất khẩu, cần phát triển các trung tâm giao dịch đủ tầm để tạo cơ hội, lợi thế cho các doanh nghiệp quảng bá giới thiệu sản phẩm.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Hà Công Tuấn cũng nhìn nhận, chỉ ra một số những khó khăn, thách thức của ngành như: Vấn đề tái cơ cấu, các vấn đề đặt ra đối với phát triển lâm nghiệp bền vững, từng bước chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, góp phần tạo việc làm, cải thiện sinh kế, thu hút cộng đồng tham gia nghề rừng, giá trị xuất khẩu còn chưa tương xứng với tiềm năng.

Để đưa ngành lâm nghiệp phát triển bền vững, tháo những “nút thắt” còn tồn tại, xuất khẩu lâm sản với giá trị cao tương xứng với tiềm năng và lợi thế, Thứ trưởng Hà Công Tuấn yêu cầu Tổng cục Lâm nghiệp và các địa phương cần chủ động rà soát triển khai các kế hoạch mang tính chiến lược, làm thế nào để lâm nghiệp tăng trưởng cao dựa trên đà mà chúng ta đang có.

“Trồng rừng là phải gắn với chế biến, tiêu thụ và áp dụng công nghệ cao, giống tốt. Theo ông Tuấn, cần duy trì tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42% sau 2020, tập trung nâng cao chất lượng rừng. Năm 2019, chúng ta có trên 250.000ha rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững, để có được kết quả này chúng ta đã có cơ chế, những hướng đi rõ nét bằng quy định của pháp luật” - Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhấn mạnh.

Để thực hiện các mục tiêu tiêu trên, Thứ trưởng Hà Công Tuấn yêu cầu Tổng cục Lâm nghiệp và các địa phương phải thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng, ngăn chặn, xử lý kịp thời, có hiệu quả các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng...

Đối với Tổng cục Lâm nghiệp phải rà soát lại các quy định, quản lý chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp, bổ sung hoàn thiện các tiêu chuẩn quốc gia về công tác quản lý giống. Đối với các địa phương, nhất là các tỉnh có đường biên giới phải tập trung phát triển cây đặc sản có giá trị kinh tế cao như quế, hồi…

Toàn ngành lâm nghiệp hướng vào tổ chức liên kết, đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc gỗ hợp pháp và phải triển khai ứng dụng công nghệ vào việc truy xuất. Tổng cục Lâm nghiệp cần sớm hoàn thiện đề án để trình Chính phủ ban hành nghị định về truy xuất nguồn gốc gỗ hợp pháp.

Bí quyết canh tác cà chua chuẩn an toàn sinh học

Là người có thâm niên trồng rau, củ, quả tại địa phương, ông Mai Văn Khẩn - Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Tân Tiến hướng dẫn cách chăm sóc cà chua chuẩn theo hướng an toàn sinh học.

Ông Mai Văn Khẩn  - là người có tiếng tại TP.Đà Lạt (Lâm Đồng) trong lĩnh vực trồng rau sạch. Ngoài trang trại rau với diện tích gần 40ha, trong đó có 29ha nhà kính và 10ha ngoài trời, ông Khẩn còn liên kết với một số hộ dân khác trong vùng để trồng các loại cà chua như cà chua beef, cà chua cherry, cà chua chocolate, cà chua vàng...

img

   Bà Nguyễn Thị Huệ (Phước Thành, phường 7, TP. Đà Lạt) chăm sóc vườn cà chua công nghệ cao. Ảnh: P.L

Ông Khẩn cho biết, thời vụ gieo trồng cà chua chính là vụ đông xuân (từ tháng 10 đến tháng 1 năm sau). Giai đoạn làm đất là rất quan trọng, quyết định đến năng suất của cà chua trồng theo hướng an toàn. Để đạt hiệu quả, trước khi xuống giống cần phơi ải đất rồi bón vôi, phân lân và vi sinh, sau đó dùng máy xới đều. Luống trồng cần được làm rộng 1 - 1,2m, cao 20 - 25cm và được phủ kín màng nylon nhằm hạn chế tối đa các loại nấm bệnh xâm nhập lên cây cà chua. Đặc biệt, đối với các giống cà chua thì người trồng không nên tưới nhiều, nếu không cây sẽ bị nấm và các loại virus tấn công.

“Hiện tại, với HTX chúng tôi, cà chua đang trồng đều được nhập từ nước ngoài thông qua một công ty trung gian với giá 3.000 đồng/cây. Nhà kính cũng được đầu tư bài bản có giá từ khoảng 120 - 180 triệu đồng/1.000m2. Cây cà chua thường bị 5 loại virus tấn công. Vì vậy, người trồng cần thường xuyên theo dõi, bảo vệ phòng chống virus lây lan gây hại hàng loạt. Quản lý dịch bệnh cần được người trồng đặt lên hàng đầu để phòng chống, chăm sóc tốt để cây cho năng suất quả cao nhất” - ông Khẩn thông tin.

Ông Khẩn cũng chia sẻ, hiện nay bình quân một gốc cà chua cho thu hoạch 3kg quả/vụ, sản lượng cà chua beef, cà chua bi khoảng 12 tấn/1.000m2/vụ. Các hộ dân thu hoạch đúng lúc, đúng lứa khi quả cà chua chuyển sang màu hồng hoặc đỏ để không giập, xây xát khi vận chuyển.

Hiện nay, HTX của ông Khẩn cung cấp khoảng 40 loại rau, củ, quả vào các siêu thị như Co.opmart, Metro… Để làm được điều nay, HTX cũng như những hộ nông dân liên kết phải đảm bảo tuân thủ những yêu cầu khắt khe của đơn vị thu mua. Sử dụng đúng, đủ các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và cách ly đúng thời gian trước khi thu hoạch...

Phong Lâm

Xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp ước đạt 41,3 tỷ USD

Đánh giá tổng thể, ngành Nông nghiệp và PTNT năm 2019 tiếp tục thực hiện có hiệu quả đề án, kế hoạch cơ cấu lại ngành toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, vận hành theo cơ chế thị trường, ứng dụng khoa học công nghệ mới là động lực chủ yếu tạo giá trị gia tăng và đổi mới mô hình tăng trưởng; vượt qua thách thức, khai thông thị trường xuất nhập khẩu; môi trường đầu tư được cải thiện, sức cạnh tranh quốc gia của nông sản hàng hóa có nhiều tiến bộ.

Hoàn thành và vượt 3/4 chỉ tiêu, đó là: Kim ngạch xuất khẩu NLTS ước đạt 41,3 tỷ USD; Tỷ lệ che phủ của rừng đạt 41,85%; Tỷ lệ xã đạt tiêu chí nông thôn mới là 54%, có 111 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Chỉ tiêu đạt thấp là tăng trưởng GDP 2,2% (chủ yếu do bệnh dịch tả lợn châu Phi làm giảm khoảng 1,1% tăng trưởng toàn ngành).

K.L

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem