Làng nghề thiếu lao động trầm trọng

Nguyệt Tạ Thứ hai, ngày 01/10/2018 16:51 PM (GMT+7)
Lao động trẻ có thế mạnh là năng động, sáng tạo, nhanh chóng nắm bắt được xu thế mới, ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất và tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Tuy nhiên vài năm gần đây, nhiều làng nghề đang lâm vào tình trạng thiếu hụt lao động, đặc biệt là lao động trẻ, có tay nghề cao.
Bình luận 0

Lao động trẻ ùa ra thành phố

Cách Hà Nội 40km, làng Quảng Phú Cầu (Ứng Hòa, Hà Nội) từ lâu đã nổi tiếng bởi nghề làm tăm hương. Mặc dù thị trường sản xuất, tiêu thụ đang phát triển mạnh, nhiều sản phẩm được xuất khẩu, nhưng các cơ sở sản xuất lại đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng lao động. Cụ thể, tại cơ sở của ông Nguyễn Văn Thanh (54 tuổi) ở làng Quảng Phú Cầu có 30 lao động, nhưng người trẻ nhất đã 45 tuổi, người già nhất 60 tuổi. Đa phần đều là lao động nữ, làm ăn công nhật, không ký hợp đồng, không đóng bảo hiểm xã hội.

img

img

Làng nghề tăm hương Quảng Phú Cầu thiếu nguồn nhân lực trẻ. Ảnh: Nguyệt Tạ

"Nhà nước khuyến khích các trường đào tạo, viện nghiên cứu đẩy mạnh nghiên cứu, giảng dạy tạo mẫu sản phẩm, quảng bá rộng rãi sáng tạo mới về mẫu mã; Nên thành lập trung tâm thiết kế mẫu cho các làng nghề, tổ chức các cuộc thi tay nghề cho thợ thủ công và phong tặng danh hiệu; liên kết, thu hút DN tham gia nhằm bảo đảm đầu ra cho người lao động sau đào tạo…”.

Bà Nguyễn Thị Thu Hương

Ông Lê Văn Dịu - Chủ tịch UBND xã Quảng Phú Cầu cho biết: “Làm tăm hương là nghề chính của địa phương, mang lại thu nhập cao, giải quyết việc làm cho lao động, tuy nhiên hiện chủ yếu chỉ có lao động trung niên, lớn tuổi. Hầu hết lao động trẻ của địa phương đều ra thành phố làm việc trong các khu công nghiệp”. Nguyễn Trọng Nam (24 tuổi) cho biết, trước đây gia đình Nam có cơ sở sản xuất tăm hương, Nam cũng tham gia làm giúp gia đình. Thế nhưng từ ngày ra thành phố học, Nam không thích làm hương nữa. Nam chọn học nghề và xin vào làm ở khu công nghiệp, công việc nhàn hơn, thu nhập cũng khá hơn nhiều. 

Hiện nay, Hà Nội là một trong những địa phương nhiều làng nghề nhất cả nước với gần 1.350 làng nghề và làng có nghề. Nhiều làng nghề vẫn giữ được tốc độ phát triển tốt như sơn mài, khảm trai, điêu khắc gỗ, thêu, dệt lụa... Tuy nhiên, nhiều làng nghề thiếu hụt lao động trầm trọng, như làng nghề thêu Từ Vân, huyện Thường Tín đã có thời điểm số lao động làm nghề giảm từ 80% xuống còn 30%.

Theo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công Thương Hà Nội), các làng nghề tại Hà Nội đang  rơi vào tình trạng thiếu nguồn nhân lực, nhất là các nhân lực trẻ và có tay nghề cao đủ để sáng tạo mẫu mã đa dạng, đáp ứng yêu cầu thẩm mỹ ngày càng cao của người tiêu dùng. Đây cũng là một nguyên nhân khiến sản phẩm các làng nghề truyền thống chưa đa dạng về mẫu mã, thiếu sức cạnh tranh.

Đẩy mạnh dạy nghề, tăng thu nhập

Hiện cả nước có 4.575 làng nghề, đang tạo nhiều việc làm cho người lao động với thu nhập ổn định. Tuy nhiên, theo Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, nhân lực cho các làng nghề, nhất là tay nghề cao đang thiếu và yếu.

Theo ông Lưu Duy Dần - Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, việc thiếu nhân lực có kỹ thuật của các làng nghề đang ngày càng trầm trọng, do lao động có tay nghề đang chuyển dịch sang làm việc ở các lĩnh vực khác hoặc thoát ly khỏi địa phương.

Các làng nghề truyền thống hiện thu hút khoảng 20 triệu lao động, bằng 24% tổng số lao động nông thôn. Trong đó, 30% lao động có việc làm thường xuyên, còn lại là lao động thời vụ. Thế nhưng số lao động đã qua đào tạo (có chứng chỉ sơ cấp trở lên) bình quân tại các làng nghề chỉ chiếm 12,3%, còn lại là không qua đào tạo, dẫn đến tình trạng nhiều làng nghề đối mặt nguy cơ thiếu lao động, nhất là lao trẻ có tay nghề. “Nhiều làng nghề truyền thống hiện không có thợ tạo mẫu và thợ có tay nghề tinh xảo đáp ứng yêu cầu thẩm mỹ ngày càng cao của người tiêu dùng, nên sản phẩm của các làng nghề truyền thống chưa đa dạng về mẫu mã, thiếu sức cạnh tranh so với sản phẩm cùng loại trong nước và quốc tế” - ông Dần nói.

Việc thiếu hụt lao động trẻ, lao động tay nghề cao là lý do khiến làng nghề chậm phát triển, sản phẩm không có tính cạnh tranh cao, chậm thay đổi mẫu mã... Để khuyến khích lao động trẻ, lao động có tay nghề gắn bó với nghề truyền thống, yêu cầu đầu tiên là phải giải được bài toán nâng cao thu nhập và mở các lớp đào tạo, nhân cấy nghề. Đào tạo được coi là một trong những giải pháp tháo gỡ khó khăn thiếu lao động tại các làng nghề hiện nay.

Bà Nguyễn Thị Thu Hương - Ban Nghiên cứu và phát triển làng nghề (Hiệp hội Làng nghề Việt Nam) cho hay, việc dạy nghề tại các làng nghề phần lớn theo lối cầm tay chỉ việc hoặc tổ chức lớp học ngắn ngày, rất ít làng nghề tổ chức đào tạo bài bản. Cơ sở vật chất, phương tiện dạy nghề ở các gia đình và cơ sở nhỏ lẻ còn đơn sơ, thiếu thốn. Việc dạy nghề truyền thống ở một số trường đào tạo nghề cũng chưa gắn với nhu cầu, do đó nhiều người học xong vẫn không tìm được việc làm hoặc nơi tiếp nhận phải tốn thêm thời gian, kinh phí để đào tạo lại… Vì vậy, việc truyền nghề tại các làng nghề chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem