Lão ngư tuổi thất thập vẫn chinh phục biển dữ

Phan Phương Thứ hai, ngày 22/02/2016 17:30 PM (GMT+7)
Đã ở vào cái tuổi gần 70 nhưng lão ngư Nguyễn Văn Năm ở xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới, Quảng Bình vẫn đều đặn mỗi năm trên dưới 10 lần ra biển Hoàng Sa đánh bắt cá.
Bình luận 0

Ở làng biển Bảo Ninh, ông Năm được coi là tấm bản đồ sống trên ngư trường Hoàng Sa bởi sự hiểu biết và kinh nghiệm hơn nửa thế kỷ “cưỡi sóng” ở vùng biển này.

10 tuổi đã thành ngư phủ

Ngồi đối diện chúng tôi trong căn nhà 2 tầng khang trang bên bờ sông Nhật Lệ là lão ngư Nguyễn Văn Năm với giọng nói oang oang, thân hình chắc nịch, nước da rám nắng và đôi mắt sáng trong. Nhìn ông Năm, chúng tôi không dám tin năm nay ông đã gần 70 tuổi.

img

Lão ngư Nguyễn Văn Năm. ảnh: PP

Ông Năm bảo, ông sinh năm 1950, cầm tinh con hổ nhưng thay vì phải tung hoành chốn sơn lâm thì cuộc đời ông lại gắn chặt với biển cả. Ông kể, ngày xưa gia đình ông cực lắm. Nghề biển là nghề cha truyền con nối của gia đình nhưng cha mẹ ông trước kia không có nhà, chiếc thuyền câu trên sông Nhật Lệ là nơi tá túc của gia đình. Vì hoàn cảnh ở trên thuyền nay đây mai đó nên ông không được học hành đến nơi đến chốn như bạn bè cùng trang lứa. Bù lại, lên 3 tuổi ông đã bơi lội giỏi như một con rái cá. Tuổi lên 10 ông đã bắt đầu theo cha đi những chuyến biển đầu tiên để kiếm tiền nuôi sống gia đình. Tính đến nay, ông Năm không nhớ mình đã bao nhiêu lần dong thuyền ra biển. Với ông, tàu cá là nhà, biển cả là quê hương, còn đất liền chỉ là bến trọ.

Ông Năm cho biết, hơn 50 năm quăng quật cùng sóng biển đã giúp ông thông thuộc từng con nước, từng rạn san hô, hiểu nằm lòng đặc tính từng loài cá. Đặc biệt, với ngư trường Hoàng Sa, ông Năm được người làng biển Bảo Ninh, nhất là lớp trẻ ví như tấm bản đồ sống mà mỗi lúc ra khơi họ đều tìm đến ông để được chỉ bày.\

“Ngày xưa chưa có máy dò, ngư phủ phải nhìn sao trời, sóng biển mà đoán được vùng biển nào có nhiều cá để buông câu, đánh bắt. Kinh nghiệm bao năm đã giúp tui đúc kết được điều đó để bây giờ truyền dạy cho lớp trẻ”–  ông Năm  chia sẻ.

"Cho đến nay, ông  Năm là người cao tuổi nhất ở xã biển Bảo Ninh còn vươn khơi bám biển. Ông không chỉ trực tiếp làm ra của cải vật chất mà còn là thủ lĩnh tinh thần cho con cái và cả làng biển Bảo Ninh.

Sức khỏe, kinh nghiệm và tinh thần của ông là cảm hứng cho thế hệ trẻ bảo Ninh vươn khơi, trở thành xã điểm của Quảng Bình về đánh bắt cá xa bờ, góp bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.”

Ông Nguyễn Ngọc Hiếu - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Bảo Ninh 

Bây giờ, đã ở vào cái tuổi gần thất thập nhưng với ông Năm tình yêu biển vẫn mãnh liệt như thuở đôi mươi. Ở xã biển Bảo Ninh, bạn bè cùng trang lứa hầu như đều đã nghỉ đi biển, nhưng ông Năm thì mỗi năm vẫn đều đặn trên dưới 10 lần vươn biển Hoàng Sa. “Ở nhà buồn tay buồn chân lắm chú ơi, không ngâm mình được trong nước biển, tay không buông cần câu, không hít được mùi cá tươi là tui ốm liền…” – ông Năm tâm sự.

Yêu nghề nguy hiểm

Hơn 50 năm bám biển, ông Năm cũng chỉ chọn cho mình duy nhất một cái nghề, đó là nghề câu. Ông bảo, nghề câu là một trong những nghề vất vả nhất trong các nghề biển. Ngày trước, do nhà ông nghèo, không có tiền để sắm ngư lưới cụ theo các nghề khác (đầu tư lớn hơn) nên cha con ông đã chọn nghề câu.

Dần dà, nghề câu đã ngấm vào máu thịt ông, không dứt ra được. Theo ông Năm, nghề câu mất thời gian hơn rất nhiều so với các nghề khác. Một vàng câu có trên 2.000 lưỡi, mỗi lần thả kéo dài chừng 50 cây số, ngốn hết 2 tạ mồi. Người có kinh nghiệm, thả hết vàng câu cũng mất 2 giờ đồng hồ. Cứ thả câu rồi lại thu câu, nghề câu vì vậy phải làm cả ngày lẫn đêm mà ít có thời gian nghỉ. Đặc biệt, nghề câu cũng là nghề thường xuyên đối mặt với hiểm nguy nhất trong các nghề biển, bởi biển càng động, sóng càng to  thì cá càng ăn câu nhiều.

img

Lão ngư Nguyễn Văn Năm bày cách cho PV làm vàng câu và chia sẻ những kinh nghiệm câu cá ngoài biển khơi. P.P

“Nghề câu làm được quanh năm nhưng từ tháng 1 - 6, trời yên biển lặng, chúng tôi chỉ câu được những con cá bé chừng 3 đến 10kg là vui lắm. Bắt đầu từ tháng 7, mùa gió chướng bắt đầu nổi lên, biển động mạnh, những loài cá lớn 40-50kg rủ nhau tràn về biển Đông, đó mới chính là mùa đánh bắt chính của nghề câu. Nói nghề câu là nghề nguy hiểm nhất trong các nghề cá là vì vậy” – ông Năm lý giải về độ hiểm nguy của nghề câu.

Cũng chỉ vì chọn nghề câu nên hơn 50 năm bám biển, ông Năm không thể nhớ hết những lần mà ông đã đối mặt với hiểm nguy. Nhưng có một chuyến ra ngư trường Hoàng Sa cách đây 5 năm thì ông nhớ mãi. Hôm đó, đài đã báo có gió mùa  đông bắc mạnh đang tràn về. Các tàu cá của những ngư dân khác nhận được thông tin đã trên đường di chuyển đến vùng biển an toàn hoặc trở về bờ để trú ẩn.

Nhưng ông Năm vẫn chưa vội thu câu, vì ông biết với thời tiết này chắc chắn cá sẽ cắn câu rất nhiều. Đúng như dự đoán, biển bắt đầu động, vàng câu đầu tiên ông vớt được hơn 1 tấn cá.  Mải mê đánh vật với cá, ngoảnh lại giữa mênh mông nước một màu trắng xóa. Những con sóng cao hơn mái nhà, bạc trắng đầu cứ lao tới như muốn nhấn chìm con tàu hơn 500 sức ngựa của cha con ông. Con tàu cứ xoay ngang, xoay dọc, trồi lên, tụt xuống như con ngựa bất kham.

Với kinh nghiệm từng trải, ông biết không thể chạy tàu về bờ trong thời tiết này được, ông chỉ huy các con thả dù xuống đuôi tàu để giữ thăng bằng, còn ông tự mình cầm lái, hướng mũi tàu chém sóng tránh bị lật.

“Trời thì mưa như trút nước, sóng cao, cao lắm, đánh tan cả mấy tấm kính buồng lái. Cả bốn cha con tui người ướt sũng, lăn lóc như viên bi, đói rét, đánh vật với sóng biển 3 ngày đêm liền mới thoát chết. Khi tàu của cha con tui về gần bến, tui mới hay chính quyền địa phương và bạn bè người thân điều 5 chiếc tàu đổ đầy dầu xuất bến đi kiếm tàu của cha con tui đã mất liên lạc mấy ngày qua” – ông Năm kể lại.

Mãnh liệt tình yêu với biển

Trong suốt câu chuyện với chúng tôi, ông Năm vẫn chêm vào câu nói: “Sướng nhất cá cắn câu, sướng nhì xem trâu bạng chắc (húc nhau)” để nhấn mạnh nghề câu tuy vất vả, hiểm nguy nhưng vô cùng thú vị. Ông bảo, đó cũng có lẽ là niềm vui để ở cái tuổi gần thất thập mà ông vẫn dẻo dai gắn bó với biển mà không hề thấy mệt.

“Cái cảm giác khi một con cá lớn hàng tạ cắn câu thích lắm. Những lúc ấy ngư phủ chỉ dùng sức thôi chưa đủ mà phải thật sự mưu trí đấu được với con cá, đưa nó lên bong tàu. Nếu ngư phủ mà không có kinh nghiệm, thì không ít lần cá đã kéo gần đến tàu mà bị tuột, chỉ biết nhìn chúng trở lại với biển khơi mà tiếc hùi hụi” – ông Năm nói.

Tuy cực và nguy hiểm nhưng nghề câu mà ông Năm đeo đuổi vẫn được coi là nghề hái ra tiền. Hơn 50 năm bám biển, từ chỗ không đất, không nhà, hiện ông Năm đã tạo dựng được cho mình một cơ ngơi đáng mơ ước. Ông Năm có 3 người con trai, cả 3 đều đã trưởng thành, có gia đình riêng, có tàu riêng.

“Ở cái tuổi của tui nhiều người ở xã Bảo Ninh này đã nghỉ đi biển từ lâu. Mấy đứa con cũng khuyên cha nên nghỉ ở nhà nhưng tui thì chưa muốn nghỉ. Nói thật, tui đi biển bây giờ không phải để kiếm tiền nữa mà vì tình yêu với biển. Bao năm gắn bó với biển, nó đã ngấm vào máu thịt của tui, chừ mà nghỉ chắc tui nhớ biển lắm. Vả lại, kinh nghiệm bao năm tích cóp được, tui cũng muốn truyền lại cho các con, cho lớp trẻ từ thực tế ngoài trùng khơi. Hy vọng ở cái tuổi của tui mà vẫn luôn có mặt trên biển, đặc biệt là vùng biển Hoàng Sa sẽ truyền cho lớp trẻ tình yêu nghề, yêu biển và niềm kiêu hãnh giữa vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc”- ông Năm tâm sự.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem