Lão nông “sống chết” với nghiệp làm trang trại

Phương Đông Thứ hai, ngày 22/08/2016 13:30 PM (GMT+7)
Ông Nguyễn Hữu Nhân khởi nghiệp làm trang trại chăn nuôi cách đây tròn 10 năm, thành công cũng nhiều mà thất bại cũng không ít. Sau mỗi lần như thế, ông Nhân đều rút ra được bài học kinh nghiệm đáng nhớ.
Bình luận 0

LTS: Ngày 19.8, Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch Ban chấp hành T.Ư Hội NDVN Lại Xuân Môn đã ký Quyết định 2074-QĐ/HNDTW về việc tặng danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2016” cho 63 nông dân. Lễ tôn vinh và trao danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2016” sẽ được tổ chức trọng thể vào tháng 10.2016 và được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam nhân kỷ niệm 86 năm Ngày thành lập Hội NDVN (14.10.1930-14.10.2016).

Kể từ số báo này, báo NTNN sẽ lần lượt giới thiệu chân dung 63 nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2016.

Gia đình ông Nguyễn Hữu Nhân ở thôn 7, xã Đông Hoàng, huyện Đông Sơn (Thanh Hóa). Tổng diện tích đất trang trại của gia đình ông Nhân là 3ha, chia thành khu chăn nuôi và khu trồng trọt cách biệt.

Ngủ tại khu chuồng lợn để chống dịch

Năm 2006, gia đình ông Nhân bắt đầu xây dựng những ô chuồng đầu tiên nuôi lợn nái, lợn thịt theo quy mô công nghiệp. Năm đầu, ông Nhân nhập về 15 lợn nái ngoại. “Công việc làm ăn thuận lợi nên tới năm 2008, số đầu lợn nái của gia đình đã tăng lên 50 con, ngoài ra còn có hàng trăm con lợn thịt mỗi lứa. Nhưng đúng thời điểm tưởng như việc chăn nuôi thành công nhất thì dịch tai xanh ập đến, cuốn đi gần hết vốn liếng của gia đình. Những ngày dịch hoành hành, tôi phải ngủ ngay ở khu chuồng lợn để theo dõi đàn” - ông Nhân nhớ lại.

img

Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN Lại Xuân Môn (trái) trao đổi với ông Nguyễn Hữu Nhân khi đến thăm trang trại của ông mới đây. Ảnh: Nguyễn Công

Dịch tai xanh “càn quét” dữ quá nên có lúc, gia đình ông Nhân tưởng phải bỏ nghề. Nhưng như lời ông kể, bén duyên với trang trại tuy mới 2 năm nhưng ông đã trót “mê” rồi. Gom góp vốn liếng, vay mượn thêm, ông Nhân quyết khôi phục lại chăn nuôi. “Tôi nói với vợ con, tập làm ăn cũng giống như trẻ nhỏ tập đi nên phải có vấp ngã. Đứa trẻ đứng dậy, trưởng thành thì tại sao người làm trang trại lại không làm được như thế?” - ông Nhân nói.

"Khu trang trại trồng trọt bắt đầu cho thu hoạch. Năm nay, lứa thanh long đầu tiên gia đình tôi bán thu về 60 triệu đồng. Cam Canh, bưởi Diễn, cam Vinh đã bắt đầu cho trái năm thứ 2. Chỉ mấy năm nữa, nguồn thu từ trồng trọt của gia đình tôi sẽ tăng lên…”.

Ông Nguyễn Hữu Nhân

Rút kinh nghiệm từ trận dịch tai xanh 2008, ông Nhân tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, áp dụng các biện pháp phòng ngừa dịch, bệnh. Ông xây dựng quy trình chăn nuôi khép kín. Lợn nái đẻ ra đến đâu được ông Nhân chuyển sang nuôi thành lợn thịt đến đó, tuyệt đối không đưa lợn giống từ bên ngoài vào.

Các khu chuồng thiết kế cách nhau, khu nuôi lợn nái đẻ, khu nuôi lợn hậu bị, khu chăm lợn con mới cai sữa và khu nuôi lợn thịt thương phẩm. Khoảng cách giữa các khu chuồng đều áp dụng các biện pháp vệ sinh, sát trùng… Để tối đa hóa lợi nhuận, năm 2012, ông Nhân đầu tư hệ thống tự sản xuất thức ăn chăn nuôi. Cũng năm 2012, ông áp dụng mô hình nuôi lợn trong đệm lót sinh học ở ½ các ô chuồng.

Phải sống chết với nghề

Đó là phương châm, quyết tâm của ông Nhân và gia đình mỗi khi gặp khó khăn trong làm ăn. Quyết tâm đó được ông và các con biến thành hiện thực bằng cách không ngừng học hỏi kinh nghiệm, kiến thức mới. “Nhờ áp dụng đúng quy trình nên chỉ 2 năm sau khi tái đàn, gia đình tôi đã trả hết nợ nần và còn có chút vốn tiết kiệm. Từ sau đợt dịch tai xanh năm 2008 đến nay, có thời điểm giá lợn xuất chuồng lên xuống thất thường, nhưng tôi tổng kết lại thì chăn nuôi vẫn có lãi, đặc biệt không xuất hiện dịch bệnh nữa” - ông Nhân chia sẻ.

Hiện nay, trang trại của gia đình ông Nhân đang có hơn 100 lợn nái, hàng trăm lợn hậu bị và hàng ngàn lợn thịt thương phẩm đủ các lứa. Ông Nhân cho biết, từ đầu năm đến nay, chăn nuôi lợn khá thuận lợi bởi thị trường tiêu thụ tốt, giá bán đem lại lợi nhuận cao cho người nuôi, nhất là những hộ tự chủ được con giống và thức ăn. “Năm nay giá lợn giống và lợn thịt đều cao. Có thời điểm mỗi con lợn giống xuất chuồng tôi lãi hơn 1 triệu đồng, còn lợn thịt lãi gần 2 triệu đồng/con… Do áp dụng các tiêu chuẩn chăn nuôi an toàn, không sử dụng chất cấm nên lợn thương phẩm từ trang trại của gia đình tôi luôn được các thương lái lớn ưu tiên thu mua đầu tiên…” - ông Nhân tiết lộ.

Bên cạnh chăn nuôi, gần 4 năm nay gia đình ông Nhân còn đầu tư xây dựng trang trại trồng trọt, trong đó 4 loại cây chủ đạo là thanh long ruột đỏ, bưởi Diễn, cam Canh và cam Vinh. Trang trại của gia đình ông Nhân cũng vừa vinh dự được đón Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch T.Ư Hội ND Việt Nam Lại Xuân Môn đến thăm mới đây.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem