Lập doanh nghiệp... kiểng lá, thu nhập như ý

Thứ tư, ngày 23/10/2013 06:45 AM (GMT+7)
Bắt đầu từ những cây kiểng lá bình thường quanh nhà, anh Đặng Văn Thanh, (SN 1978, ngụ ấp Hòa An, xã Long Thới, huyện Chợ Lách, Bến Tre) đã dựng được cho mình một cơ ngơi vững vàng và tạo công ăn việc làm cho hàng trăm bà con nông dân.
Bình luận 0
10 năm trước, Đặng Văn Thanh lập nghiệp với nghề buôn bán trái cây - một trong những sản phẩm phổ biến của vùng Chợ Lách (Bến Tre). Dù cố gắng rất nhiều nhưng công việc này cũng không mang lại cho Thanh khoản thu nhập như ý.

Trong một dịp lên TP.HCM thăm người quen, anh có ghé qua một cửa hàng hoa ở khu chợ hoa Hồ Thị Kỷ. Là một cửa hàng lớn nhưng cũng chỉ có lèo tèo vài ba kiểu lá kiểng quen thuộc: Thiên tuế, cau vàng, phát tài… Những loại lá này rất phổ biến ở Bến Tre, thậm chí vườn nhà anh còn có nhiều loại đẹp hơn nữa. Nghĩ vậy, Thanh bảo với cô chủ hàng sẽ mang lên một số lá để họ xem thử.

Nông dân trẻ Đặng Văn Thanh trong vườn kiểng lá của gia đình.
Nông dân trẻ Đặng Văn Thanh trong vườn kiểng lá của gia đình.

Nói là làm, Thanh về Bến Tre thu thập các loại lá có sẵn ở địa phương, rồi thử cắm hoa trong nhà. “Nhìn cũng đẹp lắm, lá lại tươi rất lâu nên khi giới thiệu, được cửa hàng đồng ý luôn, vậy là mình thành đầu mối cung cấp lá cho họ” - anh Thanh kể.

Sau khi được một số tiểu thương chấp nhận, anh tiếp tục chọn giống và đi khắp nơi, kể cả ra nước ngoài để tìm thêm nhiều loại kiểng lá mới về trồng. Hiện tại, trong vườn nhà anh có khoảng 130 loài kiểng lá với hơn 20.000 cây các loại, như cọ, trúc đốm, nguyệt quế thái, dạ lan thanh… Mỗi ngày anh cắt lá cung cấp cho thị trường TP.HCM từ 7.000 - 10.000 sản phẩm.

Việc kinh doanh ngày càng phát triển, các đơn hàng liên tục tăng, gia đình gợi ý Thanh thành lập doanh nghiệp để tiện cho việc giao thương, buôn bán. Vậy là anh Thanh thành ông chủ trẻ của DNTN Thanh lá nghệ thuật.

Để có đủ nguồn hàng cung cấp cho thị trường với nhu cầu ngày càng lớn, anh hợp tác với các hộ gia đình trồng kiểng lá trong vùng. Ban đầu anh thu mua những sản phẩm có sẵn ở địa phương, sau đó, mang các loại giống mới đến, hướng dẫn bà con cùng trồng, chăm sóc và thu hoạch. Cuối cùng, anh đảm nhận luôn việc tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.

Theo anh Thanh, kiểng lá dễ trồng, dễ chăm sóc lại rất ít sâu bệnh nên phù hợp với các hộ gia đình có vốn ít, để vươn lên thoát nghèo. Hiện nay tại xã Long Thới, anh đã liên kết được với hơn 200 hộ cung cấp kiểng lá cho mình, bình quân mỗi hộ thu nhập từ 4 – 5 triệu đồng/tháng. Ngoài ra anh còn liên kết với hơn 500 hộ khác ở các xã và địa phương lân cận để mở rộng nguồn cung cấp hướng tới thị trường cả nước và xuất khẩu.

Thuận Hải (Thuận Hải)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem