Liên kết nông hộ - doanh nghiệp để làm ăn lớn

S.N Thứ năm, ngày 29/09/2016 17:10 PM (GMT+7)
Để thoát cảnh sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, việc liên kết nông hộ với doanh nghiệp (DN) để hình thành những chuỗi sản xuất khép kín đã liên tục được nhắc đến trong thời gian qua, tuy nhiên đến nay mối quan hệ giữa nông dân – DN vẫn còn rất lỏng lẻo do thiếu sự chủ động từ cả 2 phía.
Bình luận 0

Vai trò DN chưa được chú trọng

Nửa đầu năm 2016, nông nghiệp Việt Nam lần đầu tăng trưởng âm sau hàng chục năm. Đáng nói là nửa cuối năm 2016, tình hình xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc với hàng loạt mặt hàng chủ lực đang gặp nhiều khó khăn như thủy sản, gạo, cà phê… Trong đó, không ít lô hàng xuất khẩu của Việt Nam đã bị trả về vì vi phạm chất lượng.

img

Vingroup sẽ tăng cường hỗ trợ với nông dân để sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả cao hơn. Ảnh: I.T

Các hộ sản xuất, hợp tác xã muốn tham dự Chương trình “Đồng hành, hỗ trợ và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp Việt” của Tập đoàn Vingroup liên hệ qua: http://vineco.net.vn.

Tại thị trường trong nước, người tiêu dùng cũng đang mất dần niềm tin với nông sản Việt sau hàng loạt các vụ việc liên quan đến mất an toàn thực phẩm (ATTP).

Các thông tin trái cây, rau củ nhiễm thuốc bảo vệ thực vật quá dư lượng cho phép, chăn nuôi sử dụng chất cấm, chất kích thích tăng trọng… cũng “bủa vây” người tiêu dùng. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, nếu còn duy trì lối sản xuất nhỏ lẻ, manh mún thì khó có thể kiểm soát được vấn đề ATTP đối với nông sản.

Nhìn nhận về vai trò của DN trong việc liên kết với nông hộ để tạo ra chuỗi sản xuất an toàn, khép kín, ông Hồ Xuân Hùng - Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho rằng, trong nhiều năm qua vai trò của DN trong chuỗi liên kết chưa được chú trọng. Do vậy, sự trì trệ, lạc hậu của nền nông nghiệp ngày càng bộc lộ rõ. “Tổ chức sản xuất nông nghiệp của chúng ta thời gian qua chưa thành công vì xác định vai trò của DN chưa đúng, vẫn quá đặt nặng vai trò của nông hộ và hợp tác xã, trong khi 2 đối tượng này còn rất nhiều hạn chế cả về năng lực lẫn tài chính. Trong khi đó, đề án tái cấu trúc nền nông nghiệp dù đã có nhiều ưu đãi cho DN nhưng chưa sát thực tế và thiếu tính khả thi” - ông Hùng bày tỏ.

Ông Nguyễn Trí Ngọc - nguyên Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho rằng: “Việc thiếu chính sách cụ thể, thực sự hấp dẫn để thu hút đầu tư vào mảng nông nghiệp sẽ khiến DN nản lòng, nhưng để nông dân tự bơi trong cơ chế thị trường hội nhập lớn hiện nay thì chẳng khác nào gom nông dân đưa lên tàu, chở ra giữa biển khơi rồi để họ tự bơi vào bờ”.

Nhân rộng mô hình Vingroup

img

Với sự chủ động, Vingroup sẽ có thêm nhiều mô hình, cách sản xuất hiện tại, để sự phối hợp nông dân - doanh nghiệp đạt hiệu quả cao nhất. Ảnh: I.T

Các chuyên gia đều cho rằng, việc đề cao vai trò của DN trong mối liên kết với nông dân là cần thiết và là hướng đi đúng. “Chỉ DN lớn mới đủ khả năng tiếp cận thị trường đầu ra, qua đó định hướng được sản phẩm đầu vào, đưa khoa học công nghệ đến với nông dân. Đồng thời họ cũng tổ chức sản xuất hiệu quả trên đồng ruộng và bao tiêu được sản phẩm” - ông Hùng cho hay.

Theo đó, việc liên kết giữa DN và nông hộ sẽ giúp hình thành cánh đồng sản xuất lớn, thuận lợi để đưa khoa học công nghệ vào gieo trồng, góp phần điều chỉnh 2 nhược điểm lớn của nền nông nghiệp Việt Nam: Phân tán, nhỏ lẻ và không đảm bảo ATTP; sản phẩm thiếu minh bạch, mất niềm tin của người tiêu dùng.

Ông Hùng thông tin, hiện nay một số DN lớn đã mạnh dạn đầu tư vào nông nghiệp, bắt tay mạnh mẽ, mật thiết với bà con nông dân để hình thành chuỗi sản phẩm, điển hình như Tập đoàn Vingroup đã triển khai Chương trình “Đồng hành, hỗ trợ và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp Việt”, mục tiêu liên kết với 1.000 nông hộ, hợp tác xã. Theo đó, Vingroup sẽ trực tiếp đào tạo và hướng dẫn các hộ nông dân có nhu cầu về quy trình sản xuất sạch; hỗ trợ công nghệ, kỹ thuật và giống; kiểm soát chất lượng trong quá trình sản xuất và trước thu hoạch; thu mua sản phẩm và hỗ trợ phát triển thương hiệu. “Với việc kiểm soát khép kín từ đồng ruộng đến siêu thị, chương trình của Vingroup sẽ cắt giảm được tối đa các khâu trung gian, tập trung nâng cao chất lượng nông sản cung ứng ra thị trường. Đó là hướng đi đúng và rất tốt, cần nhân rộng” - ông Hùng nói.

Đồng tình với ý kiến này, ông Nguyễn Trí Ngọc cũng cho rằng, vai trò của các DN trong chuỗi liên kết sản xuất như Vingroup được ví như chiếc “cầu nối”, có tính chất quyết định đến sự thành bại của người sản xuất với thị trường. Do vậy, theo ông Ngọc, chính sách của Nhà nước trong thời gian tới phải tập trung vào 2 vấn đề cốt lõi, đó là khuyến khích tích tụ ruộng đất, tháo bỏ rào cản mời gọi DN đầu tư vào nông nghiệp.

Bình luận về lợi ích của mô hình liên kết giữa nông dân với DN, ông Hồ Xuân Hùng cho hay, cách làm này vừa mang lại chi phí rẻ cho DN (không phải chi trả kinh phí thuê đất), người nông dân cũng không bị đẩy ra khỏi thửa ruộng của mình, tức là cả hai bên đều có lợi, từ đó sự rủi ro trong sản xuất nông nghiệp cũng sẽ giảm theo. “Tôi cho rằng Nhà nước cần nghiên cứu những chính sách sát hơn nữa để DN liên kết với các nông hộ hình thành sản xuất lớn trên cánh đồng lớn. Muốn một nền nông nghiệp thực sự “thay da đổi thịt” thì tái cơ cấu phải gắn với thị trường, phải để DN tham gia trực tiếp vào tái cơ cấu thì mới tạo chuyển biến đột phá” – ông Hồ Xuân Hùng khẳng định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem