Lộ diện “kẻ hủy diệt” cầu nông thôn

Thứ sáu, ngày 19/08/2011 13:51 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã có gần 300 cây cầu bị tháo nhịp hoặc tái cấu trúc bằng vật liệu gỗ, trong đó vẫn còn nhiều cây cầu bỏ dở. Nguyên nhân do xáng cạp - kẻ “hủy diệt” cầu.
Bình luận 0

Thực trạng đáng buồn

Miền Tây Nam Bộ có mạng lưới sông rạch chằng chịt, thường xuyên bị bồi lắng. Do vậy, cứ mỗi năm trôi qua, Nhà nước lại đầu tư hàng chục tỷ đồng nạo vét kênh mương. Và xáng cạp luôn là phương tiện được chọn thực hiện việc nạo vét để thông luồng. Vô hình trung, xáng cạp trở thành “kẻ hủy diệt” hàng loạt cầu nông thôn. Nếu không tháo dỡ cầu, xáng cạp không thể đi qua. Để rồi khi hoàn công trả lại, cây cầu bị thay đổi kết cấu, thậm chí nhiều nơi gây nguy hiểm cho người qua cầu.

img
 

Cách đây khoảng hơn 3 tháng, chiếc xáng cạp của doanh nghiệp tư nhân Chí Tôn ở huyện Hòa Bình, Bạc Liêu vào xã Vĩnh Hậu để nạo vét kênh mương đã phải tháo nhịp giữa của nhiều cây cầu. Để rồi tai nạn xảy ra làm 1 người rơi xuống kênh, bị gãy lìa 1 chân…

Ngày 16.8 vừa qua, trên tuyến kênh xuyên qua trục lộ Vĩnh Phú Đông về Ninh Quới thuộc huyện Phước Long (Bạc Liêu), hàng chục công nhân ì ạch tách nhịp chiếc cầu để mở đường cho xáng cạp đi qua. Mọi người qua lại phải nhờ con đò nhỏ, còn chiếc cầu bị dỡ toang.

Tại Cà Mau, Sóc Trăng, Hậu Giang cũng vậy, mỗi xã có trên 10 cầu nông thôn, hễ xáng cạp đi qua là dỡ cầu, dù rằng cầu xây kiên cố, rất đẹp. Khi hoàn công trả lại đa số đều không đạt yêu cầu. Và cứ vài năm lại tiếp diễn chuyện dỡ cầu, nạo vét kênh như một chu kỳ làm tiêu tốn không biết bao nhiêu tiền của. Dù là của doanh nghiệp bỏ ra thì nó cũng được tính vào dự toán giá thành.

Ai ai cũng bức xúc

Kỹ sư Trần Quốc Hùng - Trưởng phòng NNPTNT huyện Phước Long (Bạc Liêu), cho biết: Xáng cạp là đối tượng chuyên nạo luồng. Chuyện dỡ cầu cho xáng cạp đi qua là thực trạng xảy ra tại hầu hết các địa phương vùng ĐBSCL. Ông Dương Minh Luận - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hưng A (Bạc Liêu), bức xúc: Xây một cây cầu mất cả trăm triệu đồng vậy mà cứ vô tư dỡ cho xáng cạp đi qua, đôi khi cả năm mới đóng lại được vì phải chờ xáng làm xong hết con kênh, quay đầu ra, mới lắp lại nhịp giữa. Mỗi lần như vậy cây cầu xấu đi rất nhiều, đôi khi không còn chắc chắn nữa.

Năm 2008 khi thi công nạo vét tuyến kênh xã Châu Thới (đường về đền thờ Bác Hồ), huyện Vĩnh Lợi đã sử dụng phương tiện máy hút bùn quy mô nhỏ, thực hiện rất tốt, hiệu quả. Đặc biệt hoàn toàn không làm tổn hại đến cầu nông thôn.

“Thiệt là lãng phí biết bao tiền của Nhà nước, lại làm ách tắc giao thông. Nhiều người dân khó chịu cự cãi, xong cũng qua chuyện vì chính quyền đấu tranh không mạnh” - ông Trần Hòa, ấp Mỹ Tường, xã Mỹ Qưới, Ngã Năm (Sóc Trăng), bộc bạch.

Tại nhiều tỉnh ở ĐBSCL, từ năm 2009 đến nay, vì lo sợ bị tháo nhịp cho xáng qua lại, nên khi xây cầu kiên cố, địa phương thường chừa nhịp giữa và làm bằng gỗ rừng. Đó là cách ngừa khi xáng cạp đi qua, chỉ việc tháo rời ra cho đỡ tốn kém. Tuy nhiên, cầu như thế trong rất xấu và thiếu bền vững.

Đã đến lúc việc nạo vét kênh mương ở ĐBSCL cần phải tính đến những ứng dụng khả thi để tránh làm hư hỏng cầu, không chỉ tiết kiệm tiền bạc, mà còn làm đẹp thêm nông thôn khi có những chiếc cầu kiên cố, khang trang.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem