Lo giải quyết dư thừa nguồn cung nông sản

Hà Vũ Thứ tư, ngày 22/04/2015 10:09 AM (GMT+7)
“Khi bắt tay hợp tác với đối tác thì chúng ta cũng phải chuẩn bị ngay lực lượng để bước vào cạnh tranh ở mức cao hơn. Đây chính là việc tạo “quả đấm” cho nông sản Việt để tiến vào thị trường thế giới đang ngày càng rộng mở”- TS Đặng  Kim Sơn- Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn nói khi tham dự Diễn đàn Kinh tế thế giới về Đông Á.
Bình luận 0

Cùng lợi thế, cùng chung âu lo

Không hẳn ngẫu nhiên mà các đại biểu tham dự Diễn đàn Kinh tế thế giới về Đông Á (diễn ra tại Indonesia từ ngày 19-22.4) lại dành sự quan tâm lớn đến lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam. Tại hội nghị lần này, nông nghiệp là điểm sáng nổi bật của Việt Nam được ghi nhận, và các nước ASEAN đã thống nhất đưa nội dung nông nghiệp vào thành một nội dung chính thức. Tuy nhiên, thế mạnh thường đi liền với nỗi lo, nhất là khi nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam và các nước trong khu vực đang phải đối mặt với sự dư thừa nguồn cung. “Các nước trong khu vực Đông Á có nhiều nông sản có thế mạnh sản xuất và được bán ở cùng thị trường, nếu không có sự phối hợp khôn khéo thì sẽ tạo ra cạnh tranh gây bất lợi về giá cả, và biến động trên thị trường thế giới” – TS Đặng Kim Sơn phân tích.

img
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát tham dự Diễn đàn Kinh tế thế giới về Đông Á tại Indonesia từ 19 đến 22.4.  Ảnh: N.G
Vì mối lo ấy, gần đây các nước Indonesia, Thái Lan, Malaysia đã tăng cường hợp tác kinh doanh cao su; Thái Lan muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam về sản xuất lúa. Đó là chưa kể giữa các nước trong khu vực Đông Á cũng có quan hệ mua và bán như: Thái Lan và Việt Nam bán gạo, còn Phillippines, Indonesia nhập khẩu gạo. Một nội dung mà các nước khu vực Đông Nam Á tập trung bàn bạc là việc xác định quy mô sản xuất những nông sản xuất khẩu chính cho phù hợp. Đây cũng là vấn đề mà Việt Nam quan tâm. Nhiều nông sản ở Việt Nam đang phát triển vượt diện tích quy hoạch, cần điều chỉnh lại về quy mô hợp lý hơn, quy hoạch cây trồng đúng ở vùng thích nghi tốt nhất để khai thác tối đa lợi thế từ tự nhiên như đất, nước, khí hậu… nhằm giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng và có giá bán cao hơn.

 

Cùng với đó, TS Đặng Kim Sơn cho rằng, Việt Nam cần tham gia nhiều hơn các tổ chức liên minh về sản xuất, buôn bán nông sản của vùng và thế giới. Việc tổ chức các cơ quan mang tính phối hợp, liên kết hoạt động sản xuất, kinh doanh là hướng tạo khả năng giúp cho các bên minh bạch hóa quy mô sản xuất, chủ động giám sát nguồn cung; trao đổi, hợp tác về kỹ thuật, tiêu chuẩn...

Những hoạt động của Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát trong các cuộc tiếp xúc song phương bên lề Diễn đàn Kinh tế về Đông Á với Bộ trưởng Nông nghiệp Philippines, lãnh đạo các hiệp hội ngành hàng cà phê, cao su, thuỷ sản của Indonesia, Malaisia, Thái Lan… đã thể hiện rõ chủ trương đó.

Thay đổi để tránh “đứt gãy”

Bộ trưởng Cao Đức Phát tham dự Diễn đàn Kinh tế thế giới về Đông Á đúng vào lúc nhiều hiệp định thương mại tự do đã và đang chuẩn bị ký, rồi việc hội nhập vào cộng động ASEAN cũng đang diễn ra. Việt Nam sẽ phối hợp các nước trong khu vực chuẩn bị hành trang để hội nhập vào nền kinh tế thế giới. “Nắm bắt cơ hội này, chúng ta cần phải nghiêm túc xem xét lại kinh nghiệm của mình. Trong những bước hội nhập vừa qua, nông nghiệp không được bảo vệ nhiều so với công nghiệp và các ngành khác” - TS Đặng Kim Sơn cho biết.

Theo đánh giá, tuy ngành nông nghiệp và đông đảo nông dân đã phát huy lợi thế, chấp nhận cạnh tranh để đẩy mạnh xuất khẩu vượt mức nhưng lực lượng doanh nghiệp lại chưa phát triển tương ứng. Doanh nghiệp nhà nước chậm chuyển đổi, không đóng được vai trò tiên phong trong việc áp dụng KHCN vào sản xuất cũng như xuất khẩu. Doanh nghiệp tư nhân có quy mô nhỏ và công nghệ sản xuất thấp kém. Điều này đã dẫn đến đứt gãy giữa sản xuất mạnh mẽ và thị trường tiêu thụ đầu ra yếu kém, biến những thành tích sản xuất của nông dân thành tình trạng giá bán nông sản thấp. “Với làn sóng hội nhập sâu rộng lần này, chúng ta cần rút kinh nghiệm nghiêm túc tình trạng trên”. Theo ông Sơn, các doanh nghiệp phải định hình rõ các thị trường mới sẽ tiến vào, đồng thời cần phối hợp, thống nhất làm rõ thông tin định hướng thị trường, nắm rõ từ đầu các đối tác nào đang đón đợi mua nông sản Việt; chấm dứt mua bán trung gian, thay vào đó là buôn bán nông sản qua sàn giao dịch, kho ngoại quan, trực tiếp...

10.000 ND tiếp cận kỹ thuật

Trong khuôn khổ Diễn đàn lần này, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã phát biểu về kết quả 5 năm thực hiện sáng kiến “Tầm nhìn mới trong nông nghiệp” mà Việt Nam đã triển khai từ năm 2010 tại Diễn đàn kinh tế khu vực châu Á tổ chức tại TP.HCM. Theo ông Phát, Việt Nam đã có 10.000 ND tham gia các mô hình trình diễn kỹ thuật và áp dụng các tiêu chuẩn vững bền cho một số nông sản với sự phối hợp cùng các tập đoàn đa quốc gia như Unilever, Netstle, Metro Cash and Cary, Syngenta, Cargill, Pepsico…

Sáng kiến này đã đạt kết quả tốt, trở  thành mô hình thành công nhất trong sáng kiến “Tầm nhìn mới trong nông nghiệp” của Diễn đàn kinh tế thế giới tại châu Á.

N.G
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem