Loại bỏ các quy định “bó tay, bó chân” doanh nghiệp

Đình Thắng Thứ năm, ngày 26/10/2017 20:00 PM (GMT+7)
Bộ NNPTNT đang có những cải cách mạnh mẽ khi đề xuất Thủ tướng Chính phủ bãi bỏ, sửa đổi 118 điều kiện đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa 287 thủ tục hành chính nhằm hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp (DN) đầu tư vào nông nghiệp.
Bình luận 0

Một con tằm hai Bộ cùng quản! 

Thời gian qua, thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao với trọng tâm cải cách thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với các hàng hóa xuất, nhập khẩu thuộc phạm vi quản lý được phân công, Bộ NNPTNT xác định đây là nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm, chỉ đạo thường xuyên, cụ thể phù hợp với từng thời điểm nhằm tạo môi trường thuận lợi hơn cho phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và giá trị gia tăng...

img

Bộ NNPTNT đang có những cải cách mạnh mẽ loại bỏ các quy định bó tay bó chân doanh nghiệp. Ảnh: I.T

Về cải cách TTHC, Bộ NNPTNT đề xuất và dự kiến các giải pháp khắc phục đối với nhóm hàng có chồng chéo kiểm tra chuyên ngành. Cụ thể, đối với 7 loại hàng chịu sự kiểm tra chuyên ngành của 2 Bộ, đề nghị Chính phủ xem xét giao một Bộ đầu mối chủ trì, chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện theo hướng một cơ quan kiểm tra chuyên ngành có lực lượng, điều kiện tại cửa khẩu, nên giao cả kiểm tra về kiểm dịch và an toàn thực phẩm.
 

Trong tổng số 345 điều kiện đầu tư, kinh doanh, Bộ đề xuất bãi bỏ, sửa đổi 118 điều kiện (chiếm 34,2%), trong đó bãi bỏ 65 điều kiện, sửa đổi theo hướng rút gọn 53 điều kiện. Để thực hiện cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh, Bộ ban hành kế hoạch hành động thực hiện việc cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) thuộc lĩnh vực nông nghiệp.

Bộ NNPTNT tiếp tục tổ chức rà soát sâu hơn đối với 508 TTHC còn hiệu lực và đề xuất bãi bỏ, đơn giản hóa 287 TTHC (chiếm 56,5 %), gồm bãi bỏ 81 TTHC, đơn giản hóa 205 TTHC.

Bên cạnh việc đơn giản hóa TTHC, ông Hà Công Tuấn – Thứ trưởng Thường trực Bộ NNPTNT cho rằng, thời gian kiểm tra chuyên ngành cũng được rút ngắn như đối với kiểm tra lô hàng thủy sản xuất khẩu, thời gian rút ngắn từ 5-7 ngày làm việc xuống còn 8 giờ/lô hàng; thực tế nhiều lô hàng được cấp giấy chứng nhận trong 2-3 giờ, tiết kiệm cho DN từ 15-20% chi phí.

Đối với kiểm dịch thực vật, theo quy định của Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật, thời gian giải quyết là 24 giờ kể từ khi bắt đầu kiểm dịch; thực tế đã rút ngắn xuống còn không quá 4 giờ đối với hàng hóa vận chuyển đường bộ, đường hàng không và không quá 10 giờ đối với đường biển.

Ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá cao về những cải cách của Bộ NNPTNT trong thời gian qua. Ông Lộc cho rằng: “Đây là sự thay đổi lớn về tư duy, sự thay đổi này đã và đang tạo ra chuyển biến tích cực cho các DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp”.

Ông Lộc cho biết thêm, ngay trong sự việc thị trường thịt lợn giảm giá mạnh trong những tháng trước đây, Bộ NNPTNT đã không can thiệp vào thị trường thịt lợn bằng các biện pháp hành chính mà nỗ lực tìm kiếm, mở rộng thị trường thịt lợn, đồng thời điều chỉnh lại sản xuất từ việc lượng hóa được nhu cầu của thị trường.

Đồng tình với đánh giá trên, bà Lý Kim Chi – Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM đề cao những nỗ lực của Bộ NNPTNT trong năm 2017, bà Chi cho hay: “Việc tháo gỡ các thủ tục của Bộ NNPTNT rất kịp thời,  giúp chúng tôi trong công tác xuất nhập khẩu hàng nông sản, thực phẩm. Chúng tôi hy vọng những bất cập về hành chính sẽ được các bộ ngành cải cách mạnh mẽ, nếu không cải cách được thì không cạnh tranh được trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng.

Dù Bộ NNPTNT đã có những cải cách quyết liệt, tuy nhiên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đánh giá: “Vẫn còn tồn tại trong hoạt động quản lý chuyên ngành mà Bộ NNPTNT cần tiếp tục giải quyết. Cụ thể, nhiều mặt hàng còn có sự quản lý chồng chéo, một mặt hàng chịu nhiều hình thức quản lý của các đơn vị khác nhau trong một Bộ, đơn cử như tằm, côn trùng, vừa kiểm dịch động vật vừa thực vật. Nhóm động vật tươi sống như thịt, cá vừa phải kiểm dịch theo Thông tư 25 vừa kiểm tra theo Thông tư về an toàn thực phẩm, ngay cả thức ăn chăn nuôi vừa kiểm dịch theo Thông tư 25 vừa kiểm tra theo Thông tư 66, sản phẩm động vật trên cạn vừa kiểm dịch động vật vừa kiểm tra an toàn thực phẩm".

img

Bên cạnh đó, theo ông Dũng, đang có sự chồng chéo trong quản lý các mặt hàng giữa bộ ngành này với bộ ngành kia; đề nghị Bộ NNPTNT đề xuất kiểm tra với các mặt hàng đang chồng chéo với Bộ Công Thương theo hướng một mặt hàng chỉ giao cho một Bộ chủ trì kiểm tra chuyên ngành; khẩn trương rà soát sửa đổi bổ sung các thủ tục kiểm tra chuyên ngành làm sao gọn nhất, một mặt hàng để một Bộ quản lý.

“Trải thảm” cho doanh nghiệp nông nghiệp

Để các thủ tục hành chính trở nên đơn giản, gọn nhẹ hơn, bà Lý Kim Chi – Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM đề nghị cần nâng cấp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin 1 cửa trên hệ thống cổng thông tin 1 cửa quốc gia. Hiện nay danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành trước thông quan chưa cụ thể; đề nghị các bộ sớm ban hành danh mục hàng hóa cần kiểm tra trước khi thông quan, chi tiết các tên hàng, mã số hàng.

Ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI cho rằng: “Trách nhiệm của cơ quan nhà nước có nhiều quy định đang trói tay, trói chân DN, vì thế các cơ quan nhà nước phải phát hiện kiến nghị để sửa đổi những quy định không phù hợp hạn chế sự phát triển của DN”.

“Mặc dù đã có sự rà soát sâu ở mức thủ tục hành chính, tuy nhiên cần phân cấp xuống cho các địa phương. Thứ hai là xã hội hóa chuyên ngành thì cần phải tập trung hiện đại hóa máy móc để kiểm tra từ đây sẽ phát hiện những vi phạm nhiều hơn so với bình thường. Hơn nữa là vấn đề bảo hộ nông nghiệp đặc biệt là mặt hàng bảo vệ môi trường, quy chuẩn, hàng rào kỹ thuật còn thiếu cần phải ban hành sớm còn những quy chuẩn lạc hậu thì cần phải bãi bỏ” – ông Lộc cho biết. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem