Luân canh lúa - ngô cho hiệu quả cao

Thứ hai, ngày 07/10/2013 11:18 AM (GMT+7)
Theo đánh giá, 2 khu vực miền núi phía Bắc và đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện có nhiều lợi thế và tiềm năng để chuyển đổi cây trồng, nhất là cây ngô.
Bình luận 0
Mỗi ha ngô lãi 24 triệu đồng/vụ

Đứng trước việc trồng lúa ngày càng khó khăn, trong thời gian qua, ở các tỉnh ĐBSCL, người dân đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng để nâng cao thu nhập, đồng thời bền vững hóa cơ cấu luân canh lúa - cây trồng cạn, bao gồm: Dưa hấu, ớt, dưa chuột, mướp đắng, ngô nếp và ngô lai. Tuy nhiên, với các loại cây trồng như dưa hấu, dưa chuột, mướp đắng, ngô nếp, ớt… tuy cho lợi nhuận cao nhưng khó có khả năng phát triển trên diện rộng.

Chuyển đổi sang trồng ngô và dùng giống năng suất cao thì mới đạt hiệu quả như mong muốn (ảnh minh họa).
Chuyển đổi sang trồng ngô và dùng giống năng suất cao thì mới đạt hiệu quả như mong muốn (ảnh minh họa).

Ngược lại, theo tính toán, khu vực ĐBSCL lại có ưu thế nhất về canh tác ngô, với năng suất trung bình luôn ổn định ở ngưỡng 8 - 10 tấn/ha, gấp đôi so với năng suất trung bình cả nước. Mức độ đầu tư và thâm canh hợp lý, dễ tiếp cận, thị trường ổn định, canh tác ngô giúp bà con thu nhập gấp 2 - 3 lần so với lúa.

Trong năm 2011 - 2012, tại một số địa phương như Đồng Tháp, An Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Long An… đã triển khai mô hình chuyển đổi một số diện tích lúa không hiệu quả sang trồng ngô. An Giang là tỉnh đi đầu trong việc chuyển đổi này với mô hình trồng ngô lai trên chân đất lúa.

Kết quả thực tế thu được sau 2 năm chuyển đổi cho thấy, năng suất trung bình đạt từ 10 - 12 tấn ngô hạt/ha, thu nhập bình quân đạt gần 50 triệu đồng/ha. Sau khi trừ mọi chi phí, mỗi ha ngô cho thu lãi gần 24 triệu đồng, gần gấp 3 lần so với trồng lúa.

Kết quả của mô hình cũng cho thấy khả năng chuyển đổi, sử dụng linh hoạt những diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng ngô cho phép người nông dân ĐBSCL phong phú hóa cơ cấu luân canh, đảm bảo gia tăng thu nhập, đồng thời giảm thiểu áp lực canh tác lúa, cho phép bền vững hóa hệ thống canh tác hàng hóa tại nhiều địa phương ở khu vực ĐBSCL, tránh hiện tượng "được mùa, mất giá" vẫn xảy ra lâu nay.

Theo đề xuất của một số địa phương và doanh nghiệp, để việc chuyển đổi đạt hiệu quả, từ các bộ, ngành T.Ư đến các địa phương cần có các giải pháp hỗ trợ chuyển đổi. Cụ thể, cần quy hoạch vùng sản xuất đáp ứng được yêu cầu sản xuất hàng hóa, về mặt lâu dài đảm bảo mục tiêu bền vững cơ cấu luân canh lúa - màu tại địa phương nơi tiến hành chuyển đổi.

Về cơ cấu giống: Để đảm bảo thành công của chương trình, các địa phương cũng mong mỏi Bộ NNPTNT và các cơ quan chức năng cần chỉ đạo cơ cấu giống phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu đặc thù của khu vực ĐBSCL, đặc biệt cho phép trồng mật độ cao (90.000 - 110.000 cây/ha), cho thu hoạch 8 - 10 tấn ngô hạt (độ ẩm 15 - 16%) tương đương với 10 - 12 tấn ngô tươi (độ ẩm 28 - 29%).

Mô hình lúa nương- ngô hiệu quả cao

Tại vùng trung du miền núi phía Bắc có 983.400ha đất trồng cây hàng năm thì đất nương rẫy chiếm 365.600ha (37%) trong đó lúa nương chiếm khoảng 28,5% tương đương 104.200ha. Các tỉnh có diện tích lúa nương lớn: Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang, Sơn La, Cao Bằng… với năng suất rất thấp, bình quân 1-1,2 tấn/ha tương đương thu nhập chỉ đạt khoảng 7-8 triệu đồng/ha, chủ yếu tự cung tự cấp.

Các địa phương từ lâu đã có chủ trương chuyển đổi các diện tích canh tác lúa nương năng suất thấp sang các loại cây trồng cạn có giá trị kinh tế cao hơn, trong đó cây ngô là ưu tiên số 1. Đi đầu trong phong trào chuyển đổi lúa nương - ngô là các tỉnh: Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang với nhiều mô hình chuyển đổi điển hình từ diện tích trồng lúa nương sang trồng các giống ngô tiến bộ mới tại Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Yên Bái. Qua 2 năm triển khai, mô hình cho thấy hiệu quả khác biệt rõ rệt, năng suất tăng gấp 3-4 lần. Riêng trong năm 2013 của Mù Cang Chải đạt hơn 400ha, Trạm Tấu 350ha. Mục tiêu trong năm 2014 và các năm tiếp theo hàng nghìn ha lúa nương tại 2 huyện trên sẽ chuyển đổi sang trồng ngô.

Ông Lê Trọng Khang - Phó Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải, Yên Bái cho biết: "Với mục tiêu nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác, đẩy mạnh phong trào sản xuất 2 vụ, huyện đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn xây dựng kế hoạch tổ chức các buổi tập huấn kỹ thuật, cung ứng giống, phân bón cho bà con, bước đầu thực hiện trên những diện tích chân ruộng thấp, vùng đồi thấp và một phần diện tích trên đồi cao. Vụ ngô xuân hè năm 2012-2013, năng suất ngô của toàn huyện đã đạt tương đối cao trên 45 tạ/ha".

Thành công của mô hình chuyển đổi tại Yên Bái là cơ sở để nhân rộng chương trình trên toàn địa bàn các tỉnh trung du miền núi phía Bắc. Hiện nay chủ trương chuyển đổi từ diện tích lúa kém hiệu quả (trong đó có lúa nương tại miền núi phía Bắc) sang trồng ngô nhận được sự hưởng ứng của các địa phương, nông dân và các doanh nghiệp. Để chủ trương này thành hiện thực, rất cần có các chính sách hỗ trợ về giống, kỹ thuật và các giải pháp đồng bộ từ T.Ư đến địa phương.
Ngọc Lê (Ngọc Lê)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem