“Máy tuốt lúa 135” làm dân ưng cái bụng

Lê San Thứ năm, ngày 11/06/2015 09:43 AM (GMT+7)
Những chiếc máy tuốt lúa liên hoàn từ nguồn vốn Chương trình 135 của Chính phủ đã làm bà con ở xã Pa Ham, huyện Mường Chà (Điện Biên) ưng cái bụng, giúp họ có vụ thu hoạch lúa nhanh chóng, hiệu quả.
Bình luận 0

Nhanh gọn, tiết kiệm sức lao động

Cuối năm 2014, huyện Mường Chà đã bố trí kinh phí cho xã vùng cao Pa Ham mua 14 chiếc máy tuốt lúa liên hoàn, cấp cho 9 bản có hộ nghèo trong xã. Nhờ vậy mà năm nay, vụ gặt diễn ra nhanh hơn vì tiết kiệm được công sức lao động cho việc tuốt và làm sạch lúa.

img
Trưởng bản Lò Văn Sóng giới thiệu chiếc máy tuốt lúa tuần hoàn được hỗ trợ từ nguồn vốn 135. Ảnh: Lê San
Về Pa Ham những ngày đầu tháng 6 này, chúng tôi mới thấy hết được niềm vui của bà con khi có máy móc hỗ trợ sản xuất. Đến nhà Trưởng bản Mường Anh 2 - Lò Văn Sóng, chúng tôi tận mắt thấy chiếc máy tuốt lúa liên hoàn “thần kỳ” mà bà con ở đây nhắc tới. Vừa lau chùi, tra dầu mỡ vào máy, Trưởng bản Sóng vui vẻ cho biết: “Mường Anh 2 có 54 hộ nghèo nên được cấp 2 chiếc máy tuốt lúa. Đây là vụ thứ hai, các hộ nghèo trong bản được sử dụng chiếc máy hiện đại này. Ưu điểm của nó là nhỏ, gọn nên dễ di chuyển, phù hợp với điều kiện địa hình ruộng bậc thang ở vùng núi cao. Sau khi gặt lúa xong, bà con chỉ việc cho vào máy, sau đó thóc sẽ ra một cửa, rơm ra một cửa. Thóc tuốt ra được làm sạch rơm rác nên giảm thiểu được thời gian và công phơi, tránh được thời tiết bất lợi. Nếu như trước đây, bà con phải mất 1-2 tiếng để tuốt 1 sào lúa thì nay chỉ mất 15 - 20 phút là tuốt xong”.

 

Ông Màng Văn Nơm - Phó Chủ tịch UBND xã Pa Ham cho hay: Là xã nghèo có đông đồng bào Thái, Mông sinh sống, Pa Ham có tới 339 hộ nghèo (chiếm hơn 59%). Việc Nhà nước hỗ trợ máy tuốt lúa cho bà con nghèo là rất thiết thực, giúp bà con tiết kiệm được sức lao động. Trước đây khi chưa có máy tuốt lúa, người dân gặp rất nhiều khó khăn khi thu hoạch lúa. Do máy phải đạp bằng chân nên phải tuốt lần lượt từng lượm lúa. Nhiều hôm gặp mưa, cả thóc và người đều ướt sũng. Thóc ướt và nặng nên gặp khó khi vận chuyển về nhà. Đó là chưa kể gặp mưa để lâu ngày, thóc không phơi được sẽ nảy mầm, coi như mất mùa. Nay thì khác, có máy tuốt liên hoàn, lúa được tuốt nhanh, gọn, sạch nên bà con rất nhàn nhã, việc bảo quản lúa sau thu hoạch cũng tốt hơn. Điều đáng nói là được tiếp cận với máy móc sản xuất hiện đại, bà con cũng từng bước thay đổi thói quen canh tác lạc hậu trước đây.

Cộng đồng cùng bảo quản

Quan điểm

Ông Màng Văn Nơm
 Thấy được hiệu quả của việc cơ giới hóa trong sản xuất, mới đây một số hộ  trong xã đã đầu tư máy cày, bừa để làm đất cấy cho kịp thời vụ. Đó là thay đổi lớn trong nhận thức của bà con, khi mà sản xuất ở đây vẫn chỉ là tự cung tự cấp. 
Để thuận tiện cho việc bảo quản máy móc, công bằng trong sử dụng, bản đã bầu ông Lò Văn Úi làm tổ trưởng và ông Tòng Văn Cọn làm tổ phó. Hai ông có nhiệm vụ đứng lên kêu gọi bà con đóng góp tiền mua dầu, tiền sửa chữa khi máy tuốt hỏng hóc. Theo quy định, mỗi tiếng tuốt lúa, mỗi hộ sẽ phải đóng góp 15.000 đồng tiền dầu. Máy được di chuyển theo từng thửa ruộng của các hộ theo thứ tự từ ngoài vào trong. Bà con cứ đợi lần lượt đến ruộng mình tuốt lúa. Phương thức này được các bản trong xã cùng áp dụng. Trưởng bản chịu trách nhiệm trực tiếp với UBND xã trong việc quản lý, sử dụng máy đúng mục đích, đảm bảo tốt nhất việc thu hoạch lúa. Ông Úi chia sẻ: “Ngoài các hộ nghèo được hưởng lợi từ máy tuốt lúa liên hoàn thì bà con trong xã cũng được sử dụng máy, góp phần gắn kết tình cảm thôn xóm”.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem