Mì gạo đất Vua Hùng: Doanh thu tiền tỷ mỗi tháng nhờ áp dụng công nghệ

Phạm Hưng Thứ năm, ngày 02/04/2020 06:00 AM (GMT+7)
Làng nghề mì gạo Hùng Lô (xã Hùng Lô, TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) đang từng bước phát triển và đạt hiệu quả kinh tế cao nhờ ứng dụng công nghệ vào chương trình “sản xuất sạch hơn”. Từ đó góp phần cải thiện đời sống của người dân, đưa thương hiệu mì gạo Hùng Lô không ngừng vươn xa, được nhiều người tiêu dùng đón nhận.
Bình luận 0

Video: Doanh thu 1 tỷ đồng/tháng nhờ ứng dụng công nghệ vào nghề truyền thống.

img

Mì gạo Hùng Lô là một trong những đặc sản nổi tiếng của đất Tổ Hùng Vương. Với bề dày truyền thống trên 50 năm và được công nhận là làng nghề truyền thống từ năm 2004. Trải qua từng bước phát triển, tháng 7/2016 hợp tác xã mì gạo Hùng Lô được thành lập để chủ động sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của làng nghề. Bản quyền thương hiệu cho sản phẩm mì sạch của làng cũng chính thức được đăng ký.

img

Trước kia vào thời điểm năm 2004, khi làng nghề vừa mới được công nhận, người dân xã Hùng Lô rất phấn khởi và hy vọng nhờ nghề truyền thống họ sẽ thuận lợi hơn trong việc phát triển kinh tế. Song chỉ vài năm, do quy trình sản xuất mì gạo xã Hùng Lô hoàn toàn làm bằng thủ công, giá gạo lại ngày càng leo thang, dẫn tới việc giá thành sản phẩm cao. Cho dù mì gạo Hùng Lô nổi tiếng về chất lượng nhưng cũng không thể cạnh tranh được với thị trường mì công nghiệp giá rẻ. Nhiều hộ sản xuất quy mô nhỏ lẻ đã phải bỏ nghề.

img

Ông Cao Đăng Duy, Giám đốc hợp tác xã mì gạo Hùng Lô chia sẻ: “Liên minh hợp tác xã tỉnh Phú Thọ đã chọn hộ nghề của tôi, vốn là cơ sở sản xuất mì gạo uy tín ở làng nghề Hùng Lô đứng ra thành lập hợp tác xã. Bước đầu, Liên minh hợp tác xã tỉnh chủ động giới thiệu hộ nghề cho tôi hợp tác với hợp tác xã nông nghiệp Vĩnh Lai (cùng tỉnh). Hợp tác xã Vĩnh Lai đã cam kết bán nguyên liệu đầu vào (gạo) và tiêu thụ sản phẩm đầu ra, tạo niềm tin và chỗ dựa ban đầu để liên kết các hộ nghề ở Hùng Lô, cùng nhau hợp tác làm ăn quy mô lớn hơn. Đến bây giờ thì thương hiệu mì gạo Hùng Lô đã có chỗ đứng trên thị trường và được nhiều người tiêu dùng đón nhận”.

img

Ông Duy cũng cho biết thêm: “Tháng 8/2017, nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm mì gạo Hùng Lô chính thức được công nhận, do hợp tác xã mì gạo Hùng Lô làm chủ sở hữu và được Nhà nước bảo hộ. Đến nay, doanh thu trung bình một tháng của hợp tác xã (12 hộ sản xuất) đạt từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng/tháng nhờ việc ứng dụng công nghệ vào quy trình sản xuất mì sạch hơn.

img

Được biết, quy trình sản xuất mì gạo Hùng Lô khá phức tạp và mất nhiều thời gian. Để cho ra thành phẩm sẽ phải mất khoảng 3 ngày, cùng với các bước như; vo và ngâm gạo (3 tiếng), sau đó mang đi xay bột rồi qua hệ thống lọc để loại bỏ sạn. Tiếp đó hệ thống phân tách và thủy lực sẽ cắt và cho vào máy cán sợi rồi ủ bột (12 tiếng). Hôm sau nếu thời tiết nắng sẽ mang phơi bên ngoài trời, còn nếu mưa sẽ cho vào hệ thống phòng ủ (14 tiếng) được đầu tư 200 triệu đồng. Cuối cùng là quy trình cắt, cân và đóng gói sản phẩm.

img

Chính vì những công đoạn cầu kỳ trên mà mì gạo Hùng Lô luôn nhỏ, trắng, sạch, nấu chín không bị nát. Điều này giúp đánh thức cảm giác thèm ăn của những thực khách khó tính nhất.

img

Nhiều hộ dân ở đây cho biết, để có thành quả như ngày hôm nay, cốt lõi vẫn là ở tiềm lực con người, thứ hai là hoạt động hiệu quả của quỹ tín dụng nhân dân trong xã, thứ ba là hoạt động gây dựng thương hiệu và mở rộng thị trường. Chính quyền và người dân luôn có ý thức cao trong việc đảm bảo chất lượng sản phẩm, gây dựng được uy tín của làng nghề. Từ đó thu hút khách hàng, tạo thêm nhiều đầu ra cho sản phẩm.

img

Sự đột phá trong việc triển kinh tế làng nghề truyền thống nhờ ứng dụng công nghệ vào chương trình “sản xuất sạch hơn” đã tạo động lực lớn cho hoạt động sản xuất tại địa phương. Đặc biệt, giảm thiểu đáng kể tình trạng ô nhiễm môi trường ở làng nghề, giúp làng nghề truyền thống phát triển bền vững.

img

Trước đây, 80% cơ sở sản xuất tại Hùng Lô không có hệ thống xử lý chất thải, gần 70% máy móc thô sơ lạc hậu, lượng chất thải gia tăng, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Nhưng kể từ khi áp dụng công nghệ vào chương trình “sản xuất sạch hơn”, ý thức người dân được nâng cao, máy móc được hiện đại hóa, góp phần tăng năng suất lao động và giảm đáng kể ô nhiễm môi trường. Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch xã Hùng Lô cho biết.

img

Thực tế cho thấy, việc áp dụng mô hình “sản xuất sạch hơn” giúp tiết kiệm khoảng 10% chi phí nguyên liệu, năng xuất tăng lên hơn 20%. Đặc biệt, lượng chất thải và khí thải đã được giảm thiểu nhờ hệ thống thoát nước, và xử lý khói bụi được trang bị tại từng cơ sở.

img

Theo tìm hiểu, mô hình “sản xuất sạch hơn” không chỉ phát huy hiệu quả tại xã Hùng Lô mà đang được triển khai, nhân rộng ở nhiều làng nghề tỉnh Phú Thọ. Đây là một mô hình tiên tiến, có hiệu quả cao. Vì vậy, nếu được đầu tư triển khai rộng rãi thì đây chính là lối thoát cho vấn đề ô nhiêm làng nghề còn tồn đọng.

img

Nhờ ứng dụng cộng nghệ vào sản xuất nên năng suất, chất lượng sản phẩm mì gạo Hùng Lô được cải thiện rõ rệt. Sản phẩm làm ra ngon, sạch, không sử dụng chất phụ gia, bảo quản, bao bì sản phẩm in rõ tem nhãn, logo được Nhà nước bảo hộ nên ngày càng được thị trường đón nhận.

img

Dự kiến, xã Hùng Lô tiếp tục tạo điều kiện để các hộ sản xuất, được tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn và chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống của người dân địa phương và đặc biệt, chú trọng tới việc bảo vệ môi trường.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem