Miến dong Minh Hồng không tẩy, không hàn the giá vẫn thấp thê thảm?

Hà Trang Thứ hai, ngày 12/02/2018 13:20 PM (GMT+7)
Cách trung tâm Hà Nội tầm 70km, thôn Minh Hồng, xã Minh Quang (Ba Vì, Hà Nội) được nhiều người biết tới vì có nghề làm miến dong truyền thống nổi tiếng và lâu đời. Tuy nhiên, nếu như mọi năm thời điểm cận Tết giá miến dong thường tăng cao, hàng bán chạy thì năm nay việc tiêu thụ miến dong của bà con lại đang gặp nhiều khó khăn vì giá giảm mạnh.
Bình luận 0

img

Cánh đồng bát ngát cây dong riềng dưới chân núi Ba Vì. Ảnh: T.H

Ông Nguyễn Văn Duẫn – Trưởng thôn – Chủ nhiệm HTX miến dong Minh Hồng cho biết, chính thổ nhưỡng vùng đất ven núi Tản, sông Đà đã làm nên sự khác biệt của miến dong nơi đây này. 

Khoảng 10 năm trở lại đây, nghề trồng dong riềng và chế biến miến dong ngày càng phát triển bởi nguồn thu nhập từ miến mang lại có thể cao gấp 15-20 lần so với cấy lúa. Đến nay, diện tích cây dong riềng của Minh Hồng là 180ha.

Ưu điểm của dong riềng là dễ chăm sóc, chịu hạn tốt, càng nắng hanh thì củ càng cho bột trắng và thơm hơn. Đặc biệt sản phẩm miến dong bây giờ được coi là đặc sản, cũng là sản phẩm ngon, sạch, đảm bảo chất lượng được người tiêu dùng lựa chọn.

Theo ông Duẫn, dong riềng được bà con trong thôn trồng quanh năm, nhưng vụ chính là từ tháng Giêng đến tháng 3 âm lịch và thu hoạch nhiều nhất từ tháng 9 âm lịch đến tháng Giêng năm sau. Vào mùa thu hoạch dong riềng, cả thôn luôn tất bật. Các nhà có nương trên núi phải huy động mọi phương tiện để chở củ dong riềng về xưởng sơ chế, rồi chế biến tinh bột.

Hiện nay, người làm miến dong Minh Hồng đã đầu tư máy móc hỗ trợ sản xuất nên lượng miến cũng đã tăng lên, trung bình mỗi năm một hộ sản xuất được 50 tấn miến.

img

Người dân thôn Minh Hồng phơi miến dong sau khi chế biến. Ảnh: T.H

Tuy nhiên, năm nay giá dong riềng lại đột ngột giảm mạnh, đến nỗi người dân không muốn thu hoạch vì không có lãi, lại phải bỏ công ra đào củ dong riềng, vận chuyển về nhà. Nguyên nhân chủ yếu là do năm 2016, giá dong riềng tăng mạnh, mang lại một mùa bội thu cả về giá cả lẫn sản lượng nên bà con đã ồ ạt mở rộng diện tích trồng dong riềng, khiến cung vượt cầu.

Năm 2016, giá nhập buôn miến dong tại thôn Minh Hồng vào khoảng tháng 10, 11 là 45.000 đồng/kg; đến gần Tết âm lịch tăng lên 50.000 đồng/kg. Tuy nhiên đến thời điểm này, giá miến dong bán buôn hiện mới chỉ đạt khoảng 30.000 đồng/kg, giảm gần một nửa so với năm ngoái. Ngoài ra, lượng tiêu thụ cũng giảm hẳn.

img

Đến thời điểm này, những bó miến dong vẫn đang chất đầy nhà của một hộ trong thôn. Ảnh: T.H

img

Sản phẩm miến dong Minh Hồng hiện đã được đầu tư bao bì, ghi rõ địa chỉ, tên cơ sở sản xuất. Ảnh: H.T 

Bà Nguyễn Thị Hoa, một người dân trong thôn Minh Hồng cho hay: “Năm ngoái giá miến dong tăng mạnh nên người dân mở rộng thêm nhiều diện tích trồng cây dong riềng. Diện tích lúa và hoa màu chúng tôi cũng chuyển sang trồng dong riềng hết, khiến sản lượng dong riềng tăng cao, sản lượng miến cũng tăng theo”.

Cũng theo bà Hoa, trong thôn có một số người chuyên đi thuê đất dài hạn để trồng dong riềng. Nhiều diện tích đất trồng lúa và các loại hoa màu ở các thôn lân cận cũng được bà con thuê trong vòng 10 năm, 20 năm với giá vài triệu đồng/sào để trồng dong riềng. 

img

Người dân thôn Minh Hồng đóng gói sản phẩm miến dong. Ảnh: T.D

Theo các hộ làm miến ở Minh Hồng, để làm được miến ngon, đảm bảo chất lượng nhất thiết phải lọc bột thật sạch. Khi đánh bột phải pha theo tỷ lệ chính xác để  lúc tráng phải chín đều, sợi miến trong, dai, không gãy. 100% tinh bột sử dụng làm miến là do người dân tự xay.

Đặc biệt, để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, các hộ làm miến Minh Hồng đều cam kết không sử dụng hàn the, thuốc tẩy hay các chất phụ gia độc hại.

Đại diện lãnh đạo xã Minh Quang cho biết, hiện cái khó của người làm miến thôn Minh Hồng là ở khâu sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ. Sự gắn kết giữa các hộ trong làng nghề chưa cao vẫn mạnh ai nấy làm, không có đại diện thu mua sản phẩm, giao thương và đại diện pháp lý cho làng nghề.

Vì vậy, khoảng 80% sản lượng miến sản xuất ra rơi vào tay thương lái. Bên cạnh đó là sự thiếu hiểu biết về ý nghĩa, giá trị của thương hiệu làng nghề và thiếu sự quan tâm đầu tư xây dựng thương hiệu của người dân làm nghề. Hiện nay, trên thị trường đã xuất hiện không ít cửa hàng kinh doanh sản phẩm miến dong Minh Hồng nhưng không phải do người Minh Hồng làm ra. Chính điều này đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới việc tiêu thụ sản phẩm miến dong của làng nghề Minh Hồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem