Minh bạch hóa cây trồng biến đổi gene (Bài cuối): Tích cực hoàn thiện khung pháp lý

Thứ tư, ngày 04/12/2013 09:52 AM (GMT+7)
Cây trồng biến đổi gene (BĐG) đang là một trong những lĩnh vực sản xuất nông nghiệp được quan tâm nhất hiện nay. Dự kiến Bộ NNPTNT sẽ ban hành thông tư quy định các trình tự, thủ tục liên quan lĩnh vực này trong tháng 12.2013.
Bình luận 0
Áp dụng tiêu chuẩn quốc tế

Dự thảo Thông tư “Quy định trình tự, thủ tục cấp và thu hồi giấy xác nhận thực vật BĐG đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi” gồm 4 chương, 16 điều. Các tiêu chí đánh giá an toàn đối với thực vật BĐG đủ điều kiện làm thực phẩm, thức ăn trong chăn nuôi tại thông tư này được quy định trên cơ sở tham khảo các hướng dẫn đánh giá an toàn của Ủy ban An toàn thực phẩm (CODEX). Trong đó, có các tiêu chí quan trọng như: Đánh giá theo nguyên tắc phân tích rủi ro đối với thực phẩm có nguồn gốc từ công nghệ sinh học hiện đại; hướng dẫn đánh giá an toàn đối với thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật có AND tái tổ hợp...

Ruộng ngô biến đổi gene trồng khảo nghiệm ở Vĩnh Phúc.
Ruộng ngô biến đổi gene trồng khảo nghiệm ở Vĩnh Phúc.

Bộ NNPTNT là cơ quan cấp và thu hồi giấy xác nhận dựa trên cơ sở kết luận của Hội đồng an toàn thực phẩm, thức ăn chăn nuôi BĐG. Để được cấp giấy chứng nhận, thực vật BĐG phải đáp ứng được 1 trong 2 điều kiện: Hoặc là thực vật BĐG được Hội đồng an toàn thực phẩm, thức ăn chăn nuôi BĐG thẩm định hồ sơ đăng ký kết luận thực vật BĐG đó không có các rủi ro không kiểm soát được đối với sức khoẻ của con người và vật nuôi; hoặc là thực vật BĐG được ít nhất 5 nước phát triển trong Tổ chức hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) hoặc nhóm các nước có nền kinh tế lớn G20 cho phép sử dụng làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi và chưa xảy ra rủi ro ở các nước đó. Thời gian cấp phép đối với trường hợp 1 là 180 ngày và trường hợp 2 là 60 ngày.

"Dự thảo Thông tư “Quy định trình tự, thủ tục cấp và thu hồi giấy xác nhận thực vật BĐG đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi” là bước đi cần thiết nhằm quản lý, giám sát các sản phẩm BĐG trong tiêu dùng và thương mại; đồng thời tạo điều kiện thực hành công bằng trong thương mại thực phẩm giữa các quốc gia”.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT
Lê Quốc Doanh

Về trình tự cấp phép, tổ chức, cá nhân đăng ký cấp giấy xác nhận gửi hồ sơ theo mẫu đến cơ quan thường trực thuộc Bộ NNPTNT, cơ quan này sẽ thẩm định hồ sơ và thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân đăng ký trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, hoặc yêu cầu bổ sung, hoàn thiện hồ sơ.

Sau khi nhận hồ sơ hợp lệ, cơ quan thường trực thuộc Bộ NNPTNT đăng tải thông tin và bản báo cáo tóm tắt đánh giá rủi ro trên website của bộ để lấy ý kiến công chúng, tổng hợp và gửi hội đồng xem xét. Thời gian lấy ý kiến tối đa 30 ngày làm việc kể từ ngày đăng tải thông tin. Các đối tượng có sản phẩm thuộc lĩnh vực điều chỉnh của thông tư này phải đăng ký cấp phép trong thời hạn không quá 1 năm kể từ ngày thông tư có hiệu lực.

Bước đi cần thiết


Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh, cây trồng BĐG là một trong những lĩnh vực được quan tâm đặc biệt hiện nay, nhất là trong bối cảnh Bộ NNPTNT đang tích cực thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp với đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đảm bảo an ninh lương thực, hướng tới giảm nhập khẩu ngô, đậu tương làm thức ăn chăn nuôi. Để làm được việc này, cần đưa ra khung pháp lý phù hợp. Theo đó, dự thảo Thông tư “Quy định trình tự, thủ tục cấp và thu hồi giấy xác nhận thực vật BĐG đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi” là bước đi cần thiết nhằm quản lý, giám sát các sản phẩm BĐG trong tiêu dùng và thương mại; đồng thời tạo điều kiện thực hành công bằng trong thương mại thực phẩm giữa các quốc gia.

Việc ban hành thông tư này cũng nhằm kiện toàn khung pháp lý quốc gia về an toàn sinh học phục vụ ứng dụng công nghệ sinh học và phát triển nông nghiệp bền vững trên cơ sở Luật Đa dạng sinh học, Luật An toàn thực phẩm.

Cùng chung quan điểm này, Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp Lê Huy Hàm cho biết, việc thông tư ra đời sẽ giúp quản lý tốt hơn đối với sản phẩm thực phẩm BĐG, phù hợp với thông lệ quốc tế. Đặc biệt, tiến tới chính thức thương mại hoá cây trồng BĐG sẽ tạo điều kiện cần và đủ để các sản phẩm BĐG được sử dụng và lưu thông tại thị trường trong nước cũng như xuất khẩu.

Cần làm rõ chấp nhận hay không cây trồng BĐG


Ngày 2.12, tại cuộc họp thường kỳ Chính phủ tháng 11, Bộ trưởng Bộ TNTM Nguyễn Minh Quang cho rằng liên quan đến thức ăn gia súc nhập khẩu có vấn đề về cây trồng BĐG, đây là vấn đề không đơn giản, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình có thư đề nghị thận trọng. Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân nói, thực phẩm BĐG chủ yếu là ngô và đậu tương, cần làm rõ chấp nhận cho dùng hay không, nếu không thì cấm cả nhập khẩu lẫn trồng trong nước, chứ hiện nay không cho trồng nhưng vẫn nhập khẩu thức ăn gia súc có thực phẩm BĐG.

Thanh Xuân (Thanh Xuân)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem