Mộc Châu trên đường thành “Đà Lạt của miền Bắc”

Việt Tùng Thứ tư, ngày 14/09/2016 06:45 AM (GMT+7)
Trong điều kiện khí hậu, thiên nhiên ưu đãi không thua kém gì Đà Lạt, và trồng theo mô hình VietGAP, nhiều loại nông sản của huyện Mộc Châu (Sơn La) đang được thị trường Hà Nội đón nhận như: Su su, bí, cải mèo, khoai sọ... mang về nguồn thu hàng chục tỷ đồng.
Bình luận 0

Địa điểm hút nhà đầu tư Nhật

Năm 2015, khi cùng ông Cao Đức Phát (hiện là Phó Trưởng ban thường trực Ban Kinh tế Trung ương) thăm một số mô hình sản xuất tại Mộc Châu, ông Fukada Hiroshi – Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam đã nhận xét rằng: “Nếu được đầu tư bài bản, Mộc Châu sẽ trở thành “Đà Lạt của miền Bắc” trong tương lai không xa”. Có lẽ vì thế, những năm gần đây đã có rất nhiều doanh nghiệp của Nhật Bản đầu tư sản xuất rau, củ, quả ở Mộc Châu theo mô hình VietGAP.

img

Thu hoạch bí đỏ ở thị trấn Nông trường Mộc Châu (Sơn La). V.T

Hiện Mộc Châu đang sản xuất tới 35 loại rau, củ, quả theo mùa, đặc biệt hầu hết các sản phẩm này đã và đang có mặt trong các hệ thống siêu thị lớn, nổi tiếng như chuỗi siêu thị của Tổng Công ty Nhất Nam, Metro, BigC, Fivimart, Co.opmart, Ocean Mart, Unimart, Lesmart…

Chia sẻ về những lợi thế khi đầu tư sản xuất rau, củ, quả ở Mộc Châu, ông Toyama – Giám đốc Công ty Takii đang trồng 4,7ha rau, củ, quả tại xã Đông Sang (thị trấn Nông trường Mộc Châu) cho biết: “3 yếu tố tự nhiên quyết định sự thành, bại của sản xuất nông nghiệp là đất, nước và khí hậu. Con người có thể tác động vào mọi thứ để đạt được mục đích, trừ thời tiết. Trong khi đó, khí hậu ở Mộc Châu chia ra làm 4 mùa rõ rệt, hơn nữa biên độ nhiệt giữa ngày và đêm dao động mạnh là yếu tố rất thuận lợi cho cây rau phát triển”.

Ông Toyama cho biết thêm, điểm mạnh của Mộc Châu so với các vùng sinh thái là rất ít côn trùng, sâu bệnh, do đó rất thích hợp cho việc sinh trưởng và phát triển của rau, củ, quả ôn đới. Không chỉ vậy, việc phát triển cây dược liệu cũng có chất lượng rất tốt hơn các vùng khác.

Gắn bó hơn 20 năm với Mộc Châu, có lẽ ông Sato – Giám đốc Công ty Sản xuất và chế biến chè Sato (Nhật Bản) là người hiểu rõ nhất về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và những ưu thế của Mộc Châu. Ông Sato cho rằng, ở Việt Nam, Mộc Châu là nơi tốt nhất để có thể sản xuất chè Nhật. “Nơi đây có nhiều sương mù, cây chè tổng hợp được các dưỡng chất cần thiết, tạo nên chất lượng thơm ngon” – ông Sato nói.

Khác với ông Toyama và Sato, ông Shojiro – Giám đốc Công ty Rau quả Việt – Nhật lại chọn cho mình sản phẩm dâu tây để sản xuất. Với diện tích 2.000m2 nhà kính, mỗi năm ông sản xuất ra tới 2.600 tạ quả dâu tây, song vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường: “Thị trường trong nước dành cho dâu tây còn rất lớn, chứ chưa nói đến xuất khẩu. Bởi dâu tây ở Mộc Châu có hương vị rất đặc trưng thơm, ngon, ngọt và sạch, vì được sản xuất theo quy trình VietGAP không chất bảo quản, không thuốc BVTV…” – ông Shojiro khẳng định.

Liên kết “truy” nguồn gốc

Ông Hà Trung Chiến – Bí thư Huyện ủy Mộc Châu thừa nhận, chính sự khám phá, đi đầu của các công ty Nhật Bản đã mở ra cho người dân Mộc Châu một cách làm ăn mới, đó là hình thành các mô hình liên kết, sản xuất theo chuỗi, theo quy trình an toàn, sạch mang lại giá trị kinh tế cao. Theo đó, đến nay Mộc Châu đã có gần 10 cơ sở được cấp chứng nhận VietGAP và 521 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm.

Bà Nguyễn Thị Luyến – Chủ nhiệm HTX Rau an toàn Tự Nhiên (xã Đông Sang) cho biết, HTX được thành lập năm 2011, chỉ với 5 hội viên và đến nay đã có 38 hội viên, chia làm 4 tổ. Trước đây, người dân chủ yếu canh tác tự phát theo mùa vụ nên thường xuyên phải đối mặt với cảnh được mùa mất giá, thu nhập bấp bênh.

“Để đảm bảo quy trình sản xuất rau an toàn, các hộ đều được tham gia tập huấn kỹ thuật trồng trọt. Các hộ đều phải có sổ ghi chép rõ quy trình sản xuất như: Ngày bón phân, sử dụng loại thuốc phun nào, ngày cách ly… Các tổ trưởng hàng tuần tiến hành kiểm tra chéo để đảm bảo các hội viên làm theo đúng quy trình. Hộ nào không thực hiện đúng quy trình, quy phạm canh tác, thu hoạch, không ghi chép nhật ký đều đặn là bị phê bình, kiểm điểm ngay, nặng thì loại ra khỏi HTX” – bà Luyến cho hay.

Ông Mùi Văn Hoạt - hộ nông dân sản xuất giỏi xã Vân Hồ vui vẻ cho hay: “Gia đình tôi chỉ có 1,2ha su su, nhưng thu nhập gấp chục lần trồng ngô. Nhiều hộ còn tính bỏ diện tích mận hậu, mơ để làm su su, bí đỏ, chanh leo đấy”.

Khi tìm hiểu chúng tôi được biết, tất cả các sản phẩm của người dân, đặc biệt là các hội viên HTX, đều đã được các công ty liên kết thu mua, rồi đưa về Hà Nội và các thành phố lớn tiêu thụ, nên bà con rất yên tâm về đầu ra. Ông Nguyễn Văn Sáng – Trưởng phòng Kinh doanh Công ty CP Nafoods Tây Bắc cho biết, 2 năm nay công ty đã mở rộng liên kết với các hộ dân để sản xuất rau, củ, quả.

Theo đó, người dân “góp” đất, công ty hỗ trợ, cung cấp giống, phân bón, kỹ thuật và bao tiêu 100% đầu ra. “Ngoài bí đỏ, su su, rau, khoai sọ… gần đây chúng tôi đang mở rộng diện tích chanh leo, đây là cây trồng mới nhưng rất tiềm năng, hy vọng đây sẽ là cây làm giàu mới cho người dân Mộc Châu” – ông Sáng cho hay. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem