Một đời người - một đời cây

Thứ sáu, ngày 04/05/2012 19:46 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Dọc con đường từ thị trấn huyện tới Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên (TNHHMTV) Cao su Chư Prông - những căn nhà mới đang mọc lên sạch bong giữa khoảng không đầy nắng.
Bình luận 0

Chỉ một, hai năm nữa quãng đường này sẽ là một phố thị. Những thảm cao su tái canh đã lùi vào trong để nhường chỗ cho một sự sinh sôi mới...

Tôi dừng xe trên đỉnh dốc lòng lắng lại với những ngả rẽ đã trở thành lối mòn trong tâm trí… Cuối dốc kia là đường sang Bình Giáo. Một con mương sâu hoắm, lổn nhổn bụi đỏ giờ là con đường trải nhựa phẳng lì giữa bức tường cao su mát rượi. Quãng đường ngắn đã hóa phố với những căn nhà xây kiểu Thái mái tôn đỏ chót san sát.

img
5.400ha cao su đang khai thác mang lại lợi nhuận trên 221 tỷ đồng/năm.

Ngày xưa đất này là khu vực sân bay dã chiến của Mỹ. Chất độc hóa học đã đầu độc mảnh đất này đến cỏ cũng chỉ sống oặt oẹo trong mấy tháng mùa mưa để sau đó là mênh mang một màu đất chết, vậy mà bây giờ nó đã trở thành đất vàng… Giữa lưng chừng con dốc này là đường sang các xã Ia Me, Ia Tôr... Tôi nhớ làng Quen Grai với hình ảnh một con người khá đặc biệt - Puih Blang.

Thời chống Mỹ, ông là xã đội trưởng – chính là người đã cặp rèn rồi đưa người anh hùng nhỏ tuổi Kpă KơLơng vào du kích. Một chiều mưa tầm tã, tôi đã tìm đến nhà ông để bòn chút tư liệu cho bài báo tết. Câu chuyện về KơLơng hôm đó hóa ra chỉ chiếm một dung lượng nhỏ. Phần lớn thời gian tôi đã phải nghe nỗi lòng đau đáu của một con người bom đạn kẻ thù không ngại mà bất lực trước nỗi khổ cực của dân làng.

Thắng Mỹ hơn hai chục năm rồi mà sao làng ông – chỉ mỗi mong ước giản dị là có đủ cơm ăn vẫn mỗi lúc mỗi xa vời… Những căn nhà tôn sùm sụp rỉ rét, đen sì muội khói; những túp lều tranh trơ xương vì gió thốc đã được thay hầu hết bằng những ngôi nhà gạch. Những lối đi khúc khuỷu, ngập ngụa phân trâu bò đã được kẻ lại bằng những con đường phẳng phiu, sạch sẽ. Bây giờ ai có thể hình dung nổi đây từng là ngôi làng đói rét, lạc hậu đến xót xa ?

Các đội 15, 16, đội 13 của Nông trường Suối Mơ; những làng Xom, làng Gà, làng Mui… Lần giở những trang đói rét, lạc hậu của một thời ấy có lẽ phải cần đến một thiên cổ tích… 35 mùa cây thay lá, lớp lãnh đạo đầu tiên của Công ty đã người còn người mất. Lớp lãnh đạo thứ hai cũng đã sắp lên “chức” ông, bà. Lứa công nhân bây giờ phải ai sinh vào quãng thời gian 1978 - 1987 mới cảm nhận được những đổi thay sự diệu kỳ của cuộc sống…

*

* *

Tiến quân lên vùng đất mới vào một ngày lịch sử: Mùng 3 tháng 2 năm 1977 – Nông trường Cao su Chư Prông là đơn vị kinh tế tiên phong số I ở Gia Lai – Kon Tum bấy giờ... Ngày ấy, huyện còn đóng ở Thanh An. Đường đến “vùng đất hứa” là lối mòn ngợp giữa hai bức tường cúc quỳ vàng rực. Mênh mang một màu rừng hoang lạnh. Hàng cây số không nghe một tiếng chó, tiếng gà.

Hơn ba ngàn con người bắt đầu cuộc sống gần như từ số không. Nhà cất lên chưa ấm hơi người, sốt rét đã trỗi lên hoành hành. Hiểm họa kẻ thù để lại trong đất cũng trồi lên tác quái. Những dòng máu đã đổ trên triền đất đỏ. Rồi Fulro quấy nhiễu. Nông trường thuộc tỉnh, vốn đầu tư không kham nổi. Nuôi người đã khó, nói gì đến nuôi cây. Công nhân vài tháng liền không lương là chuyện thường...

Con đường hiện tại chưa có ánh sáng thì tương lai rồi sẽ về đâu? Không ít người chẳng cần một sự dằn vặt. Họ chọn câu trả lời đơn giản là trốn khỏi cuộc sống mà họ cho là vô vọng này. Quần chúng bỏ về, đảng viên cũng có người bỏ về. Hơn ba ngàn con người ra đi hăm hở lúc đầu bỏ về gần nửa. Có người còn đốt cả nhà để về. Cho nó tan nát luôn rồi về – họ bảo thế… Về, về… cái điệp khúc ấy nghe như khẩu lệnh ngầm của một thế trận đang vỡ. 3.455 con người ra đi hăm hở, sau 3 năm chỉ còn lại chưa đầy 800 người…

Công ty TNHHMTV Cao su Chư Prông có một đội ngũ cán bộ lãnh đạo có lẽ không một đơn vị kinh tế nào ở Gia Lai có được – ấy là một đội ngũ trưởng thành từ gian khổ, trung thành tuyệt đối với con đường mình đã chọn.

Không kể những bậc tiền bối của thế hệ lãnh đạo thứ nhất, thế hệ lãnh đạo thứ hai như Tổng Giám đốc Phan Sĩ Bình, Phó Tổng Giám đốc Trần Ngọc Bính, Chủ tịch Công đoàn Lương Văn Quý… đều đã mang những phẩm chất ấy từ khi đến vùng đất mới – dù lúc ấy các anh cũng cơ khổ như ai.

Niềm tin đã cho họ đứng vững nhưng điều quan trọng hơn là họ biết hòa trong niềm tin của nhiều người để khi thời cơ đến thì khơi bùng nó, biến nó thành một nguồn sáng để đánh bạt bóng tối…

Tôi biết khi chuyển đổi cơ chế, gần một nửa diện tích cao su đã trồng của Công ty phải đưa vào diện thanh lý. Bao nhiêu là công của, xót lắm nhưng đã đến lúc phải cắn răng cắt đi những thứ đã hoại tử trên cơ thể mình.

Cùng với việc hồi sinh lại vườn cây là sắp xếp lực lượng lao động cũ, đưa lực lượng lao động trẻ, có trình độ vào thay thế. Khó nhất là thực hiện nhiệm vụ chính trị của một đơn vị kinh tế đóng chân trên địa bàn: Đưa đồng bào dân tộc vào làm công nhân, cải thiện đời sống cho họ. Gần 40% lực lượng lao động một bước vào công nhân chỉ với một con số không nhưng Công ty đâu được miễn trừ các nguyên tắc kinh tế…

Những công việc ấy bây giờ có thể đơn giản nhưng vào thời điểm mới bắt đầu đổi mới ấy là cả một núi khó khăn. Nhưng rồi tất cả đều được giải quyết bằng những nhát cắt gọn ghẽ, không phải xáo trộn, không phải điều tiếng như một số đơn vị xuất phát điểm cùng thời…

Một đời người – một đời cây… Một vùng hoang hóa nhuần trong đạn bom, chất độc đã nên một chân trời cao su trên 8.260ha – trong đó hơn 5.400ha đang khai thác, mang lại lợi nhuận trên 221 tỷ đồng. Nhà nước có thêm hàng chục tỷ đồng mỗi năm cho ngân sách. 3.160 con người – trong đó hơn 1.230 lao động là đồng bào dân tộc Jrai đã giã từ cuộc sống đói nghèo, lạc hậu để bước thẳng vào cuộc sống văn minh công nghiệp…

Những con số minh chứng này có vẻ như thừa. Danh hiệu “Anh hùng Lao động” cùng với rất nhiều phần thưởng khác có lẽ đã đủ minh chứng cho chặng đường 35 năm vinh quang mà Công ty song hành cùng sự đổi mới của địa phương và đất nước…

*

* *

Tôi cầm trong tay đề án đầu tư của Công ty với cái tên “Trồng cao su trên đất rừng được phép chuyển đổi tại các xã Ia Bòng, Ia Puch, Ia Mơ”. Mọi luận cứ, mọi giải pháp từ đất đai đến môi trường, dân sinh đã được trình bày chi tiết, khoa học.

Một vùng hoang hóa nhuần trong đạn bom, chất độc đã nên một chân trời cao su trên 8.260ha – trong đó hơn 5.400ha đang khai thác, mang lại lợi nhuận trên 221 tỷ đồng. Nhà nước có thêm hàng chục tỷ đồng mỗi năm cho ngân sách.

Theo đó thì với phần đất có khả năng trồng cao su được giao này, diện tích cao su trong nước của Công ty sẽ ổn định khoảng 10.000ha. 6.000 công nhân và lao động địa phương sẽ được tạo việc làm ổn định. Hai nông trường mới sẽ được thành lập với hơn 400 lao động - chủ yếu là đồng bào dân tộc tại chỗ.

Chưa kể số cao su đầu tư trên đất bạn Campuchia, thêm một chân trời cao su mới, Công ty sẽ trở thành một doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế mạnh, hội nhập hiệu quả với nền kinh tế thị trường trong và ngoài nước. Một vùng đất biên cương sẽ vững vàng với thế trận lòng dân và tiềm lực vật chất nội thân…

Rời vùng đất dữ đang hóa lành trong mỗi giọt xanh cứ từng ngày nhẫn nại lan trên từng khoảnh đất lòng chợt thấy bâng khuâng. Một mùa gió mới đã phơn lại gần thêm khát vọng nghe như chất chứa bao đời từ mạch đất…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem