Mỹ bất ngờ áp dụng chương trình giám sát cá tra Việt Nam từ tháng 8

Đình Thắng Thứ ba, ngày 11/07/2017 18:45 PM (GMT+7)
Chiều nay (11.7) trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Như Tiệp – Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và Thủy sản (Bộ NNPTNT) cho biết rất quan ngại và bất ngờ trước thông tin, ể từ ngày 2.8 tới, Mỹ sẽ chính thức áp dụng chương trình giám sát cá da trơn Farm Bill đối với các sản phẩm cá da trơn xuất khẩu từ Việt Nam, sớm hơn 1 tháng so với kế hoạch ban đầu. Ông cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp khó khăn hơn từ những thay đổi này.
Bình luận 0

Theo thông tin mới nhất từ Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản, kể từ ngày 2.8 tới, Mỹ sẽ chính thức áp dụng chương trình giám sát cá da trơn Farm Bill đối với các sản phẩm cá da trơn xuất khẩu từ Việt Nam, sớm hơn 1 tháng so với kế hoạch ban đầu.

img

Ông Nguyễn Như Tiệp – Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và Thủy sản (Bộ NNPTNT). Ảnh IT

Một trong những thay đổi cơ bản khi triển khai Farm Bill đối với cá da trơn của Việt Nam, đó là họ sẽ thực hiện kiểm tra 100% các lô hàng thay vì kiểm tra xác suất như trước đây. Nếu phát hiện ra lô hàng của doanh nghiệp nào vi phạm về an toàn thực phẩm, họ sẽ lập tức bắt buộc 100% các lô hàng sau của doanh nghiệp đó phải lấy mẫu phân tích trên 85 chỉ tiêu về kháng sinh và 106 chỉ tiêu về thuốc bảo vệ thực vật. Cho đến khi doanh nghiệp triển khai biện pháp khắc phục, được cơ quan có thẩm quyền trong nước chứng nhận, phía Mỹ mới xem xét thẩm tra để gỡ bỏ chế độ kiểm tra 100% cho doanh nghiệp vi phạm.

img

Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp khó khăn hơn từ khi Mỹ áp dụng chương trình giám sát cá da trơn từ 2.8.

Ảnh: IT

Trao đổi với Dân Việt về vấn đề này, ông Nguyễn Như Tiệp – Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và Thủy sản (Bộ NNPTNT) cho biết:

Chúng tôi rất bất ngờ và quan ngại việc, bắt đầu từ ngày 2.8 tới, Mỹ sẽ chính thức áp dụng chương trình giám sát cá da trơn theo đạo luật Farm Bill đối với các sản phẩm cá da trơn xuất khẩu từ Việt Nam, sớm hơn 1 tháng so với kế hoạch ban đầu. Ngày 5.7 chúng tôi mới nhận được thông báo từ phía Mỹ về việc triển khai chương trình này sớm hơn một tháng so với dự kiến, ban đầu định triển khai vào tháng 9.  Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và Thủy sản đã phản hồi lại với cơ quan đồng cấp bên đó về việc rất quan ngại và bất ngờ trước sự việc trên, việc kiểm tra sớm hơn 1 tháng không được thông báo trước gây khó khăn cho doanh nghiêp xuất khẩu cá da trơn của Việt Nam vào Mỹ.

img

Phía Mỹ có lý giải lý do vì sao họ áp dụng chương trình này sớm hơn 1 tháng so với dự kiến ban đầu không thưa ông?

-Việc Mỹ áp dụng thực hiện chương trình này sớm hơn so với dự kiến, họ viện dẫn lý do theo Đạo luật Chuẩn chi ngân sách của Quốc hội Mỹ cho các cơ quan Chính phủ, các cơ quan Chính phủ thực hiện ngân sách theo đạo luật này. Đó là lý do của họ, và chúng ta biết vậy thôi.

Việc Mỹ áp dụng chương trình này sớm hơn dự kiến sẽ gây khó khăn gì cho việc xuất khẩu cá da trơn Việt Nam vào Mỹ thưa ông?

-Với việc áp dụng chương trình giám sát cá da trơn theo đạo luật Farm Bill đối với các sản phẩm cá da trơn xuất khẩu từ Việt Nam từ 2.8, điều này đồng nghĩa bắt đầu từ thời điểm đó họ sẽ yêu cầu các lô hàng cá da trơn của Việt Nam bắt buộc đưa vào các cơ sở kiểm tra chính thức của họ. Hiện tại họ có 44 cơ sở kiểm tra, số cơ sở kiểm tra như thế là không nhiều, như thế khả năng sẽ gây ách tác cho các lô hàng cá da trơn của chúng ta, các doanh nghiệp sẽ phát sinh thêm chi phí lưu kho.

Do họ triển khai sớm hơn 1 tháng nên doanh nghiệp chưa có sự chuẩn bị kỹ nhất, có thể hàng sẽ chưa phù hợp hoàn toàn với yêu cầu từ phía họ, chưa phù hợp với các quy định ghi nhãn mác, bao bì, đóng gói của họ.

Trước sự việc bất ngờ này, chúng ta đã và sẽ có những hành động gì thưa ông?

-Ngay sau khi nhận được thông báo từ phía Mỹ, chúng tôi đã có văn bản thông báo tới tất cả các doanh nghiệp trong nước về vấn đề này để họ có sự chuẩn bị rốt ráo nhất, tốt nhất có thể.

Về phía Bộ NNPTNT, chúng tôi vẫn đang triển khai chương trình này đồng bộ theo 3 hướng: thứ nhất, tiếp tục đấu tranh ngoại giao các cơ quan trong nước có liên quan đến vấn đề này sẽ  đề nghị các cơ quan nước họ xem xét lại việc áp dụng này. Thứ hai, trong chương trình hợp tác kỹ thuật, chúng tôi đề nghị phía Mỹ kéo dài thời gian đánh giá tương đương hệ thống của mình với họ để doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục xuất khẩu cá da trơn vào Mỹ. Thứ ba, không loại trừ khả năng triển khai khởi kiện Mỹ, bởi chương trình này có những điều không phù hợp với các chuẩn mực thông lệ quốc tế. Trước đó, chúng ta đã có nhiều văn bản gửi Mỹ để nói rõ về vấn đề trên.

Hiện nay chúng ta vẫn triển khai song song 3 hướng trên. Tinh thần vừa hợp tác vừa đấu tranh để đảm bảo quyền lợi của mình mà không ảnh hưởng đến mối quan hệ hai nước.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem