Ngân hàng Chính sách xã hội: Công cụ hữu hiệu đảm bảo an sinh xã hội

Phương Đông (thực hiện) Thứ tư, ngày 26/08/2015 15:11 PM (GMT+7)
Nhân dịp 20 năm Ngày thành lập Ngân hàng Phục vụ người nghèo (PVNN)-nay là Ngân hàng Chính sách xã hội (31.8.1995-31.8.2015), phóng viên Dân Việt đã trao đổi với TS Đỗ Quế Lượng - nguyên quyền Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng PVNN về những ngày đầu hoạt động của ngân hàng này.
Bình luận 0

TS Đỗ Quế Lượng cho biết, ngày 31.8.1995, Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt ký ban hành Quyết định 525/TTg về việc thành lập Ngân hàng PVNN. Kết quả hoạt động và những ưu điểm nổi bật của Ngân hàng PVNN sau hơn 7 năm là nền tảng để ngày 4.10.2002, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải ký Quyết định số 131/QĐ-TTg thành lập Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH).

Thưa ông, căn cứ vào lý do gì để cách đây 20 năm, Đảng, Nhà nước lại có chủ trương thành lập Ngân hàng PVNN?

img

Giải ngân vốn cho hộ nghèo tại xã Đông Phong, huyện Cao Phong (Hòa Bình). Ảnh: P.Đ

- Những năm 1993-1995, Đảng có chủ trương và Chính phủ có nhiều giải pháp giúp người nghèo, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Ở lĩnh vực ngân hàng, lúc bấy giờ, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) có quỹ cho vay đối với nông dân nghèo; Ngân hàng Công thương Việt Nam cho học sinh, sinh viên nghèo vay tiền đi học... Ngân hàng Nhà nước được Chính phủ giao tìm cách tập trung các nguồn lực lại một đầu mối. Thủ tướng Võ Văn Kiệt gợi ý, có lẽ nên thành lập một Ngân hàng PVNN. Nhiều thành viên Chính phủ đánh giá ý kiến của Thủ tướng rất hay. Chính phủ đã tổ chức họp liên tiếp trước khi Thủ tướng ký Quyết định số 525/TTg ngày 31.8.1995 thành lập Ngân hàng PVNN.

Trước đó, Việt Nam có tham khảo mô hình ngân hàng tương tự nào ở khu vực và thế giới không?

- Chính phủ có cử các đoàn đi nghiên cứu, tham khảo mô hình cho vay đối với người nghèo ở Bangladesh, Philippines, Indonesia... Tại các quốc gia này không có ngân hàng riêng phục vụ người nghèo. Người nghèo được tạo điều kiện vay vốn nhỏ không phải thế chấp, nhưng vẫn chịu lãi suất bằng lãi suất thị trường. Tức là, ngân hàng huy động tiền với lãi suất thấp, cho vay lãi suất cao.

Qua trao đổi, cân nhắc, Chính phủ cho rằng nếu làm như các nước đó thì không thể gọi là ưu đãi, ưu việt được. Đây cũng là cái khó liên quan đến cơ chế tài chính, cơ chế tạo vốn cho Ngân hàng PVNN. Yêu cầu đưa ra là ngân hàng này phải đảm bảo hoạt động cân bằng thu chi hoặc nếu có lãi một chút thì tốt.

Vậy thưa ông, Chính phủ, các bộ, ngành cũng như Ngân hàng Nhà nước làm thế nào để có cơ chế tài chính, cơ chế tạo vốn cho Ngân hàng PVNN?

- Đầu tháng 9.1995, HĐQT của Ngân hàng PVNN ra đời với đại diện lãnh đạo của Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành, Ngân hàng Nhà nước và đoàn thể chính trị-xã hội. Vốn điều lệ cho Ngân hàng PVNN có khoảng 500 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước cấp sang 200 tỷ đồng, rồi mượn tạm Ngân hàng Nhà nước 100 tỷ đồng. Nguồn vốn được bổ sung khi Ngân hàng NNPTNT góp 250 tỷ đồng, Ngân hàng Công thương Việt Nam góp hơn 200 tỷ đồng… Tổng cộng, Ngân hàng PVNN lúc ấy có khoảng 1.000 tỷ đồng.

Chính phủ đồng ý để Ngân hàng PVNN huy động vốn lãi suất thị trường để cho vay với mức lãi suất thấp hơn. Các ngân hàng thương mại dành một phần nguồn vốn huy động được chuyển sang Ngân hàng PVNN. Cơ chế thực hiện là Chính phủ sẽ cấp bù phần chênh lệch lãi suất huy động cao ở ngoài thị trường với lãi suất cho vay ưu đãi tại Ngân hàng PVNN.

Để vận hành ngân hàng, nhất là một Ngân hàng PVNN thì sự thành công phải kể đến yếu tố con người. Ngân hàng PVNN đã tạo dựng đội ngũ cán bộ như thế nào?

-Trên cơ sở tách ra từ Ngân hàng NNPTNT, đội ngũ cán bộ ban đầu của Ngân hàng PVNN cũng được lấy từ Ngân hàng NNPTNT. Yêu cầu đặt ra là cán bộ chuyển về Ngân hàng PVNN phải đảm bảo chất lượng. Nhưng cán bộ lại băn khoăn, sang Ngân hàng PVNN quyền lợi bị giảm xuống. Chúng tôi phải kiến nghị và được Chính phủ đồng ý là lương cho cán bộ Ngân hàng PVNN bằng hoặc có thấp thì thấp hơn chút ít so với lương cán bộ Ngân hàng NNPTNT.  Sau một thời gian hoạt động, tâm lý số anh, chị em chuyển sang làm việc tại Ngân hàng PVNN đã ổn định. Về sau này, số lượng, chất lượng cán bộ được nâng cao hơn khi Ngân hàng PVNN chuyển thành Ngân hàng CSXH.

Là người gắn bó từ đầu, ông có đánh giá như thế nào về sự phát triển của Ngân hàng PVNN-nay là Ngân hàng CSXH?

- Ngân hàng CSXH đã kế thừa và phát huy rất tốt những ưu điểm của Ngân hàng PVNN. Ngân hàng CSXH dần hoàn thiện mô hình tổ chức, phương thức hoạt động hiệu quả, ngày càng chứng tỏ là một trong những công cụ hữu hiệu của Chính phủ tham gia đảm bảo an sinh xã hội. Những năm qua, Ngân hàng CSXH đã có hàng chục chương tình tín dụng ưu đãi với quy mô vốn gấp hơn 100 lần so với quy mô vốn ban đầu của Ngân hàng PVNN. Theo đó, đối tượng được thụ hưởng của Ngân hàng CSXH đã mở rộng thêm, mức cho vay cũng tăng lên nhiều. Nếu trước kia, Ngân hàng PVNN chỉ cho vay bình quân từ 1-7 triệu đồng/hộ thì hiện nay cho vay tối đa tại Ngân hàng CSXH đã tới 50 triệu đồng/hộ...

Xin cảm ơn ông!

  Tính đến hết tháng 7.2015, tổng nguồn vốn của Ngân hàng CSXH đạt gần 143.000 tỷ đồng, tổng dư nợ đạt 135.000 tỷ đồng, tăng 19 lần so với thời điểm thành lập năm 2002.   

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem