Nghề câu lươn biển: Mới mẻ và mạo hiểm

Thứ tư, ngày 15/02/2017 14:05 PM (GMT+7)
Không chọn nghề câu mực, câu cá ngừ đại dương hay khai thác hải sản truyền thống, ngư dân Thái Vinh Ngộ (SN 1982, trú phường Thạc Gián, quận Thanh Khê) chọn nghề câu lươn biển đầy mới mẻ và mạo hiểm.
Bình luận 0

img

Dám nghĩ, dám làm, ngư dân Thái Vinh Ngộ đã đầu tư làm giàu từ biển bằng nghề câu lươn.

Hơn 10 năm nay, anh Thái Vinh Ngộ không đi đánh bắt mà chỉ chuyên thu mua hải sản để xuất khẩu. Tuy nhiên, trong thời gian giao hàng, bạn hàng tại các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc hỏi tại sao lươn biển có giá trị kinh tế cao mà ngư dân Việt Nam không đánh bắt.

Từ đó, Ngộ suy nghĩ việc đầu tư để đánh bắt lươn biển. Ngộ bắt đầu nghiên cứu, tìm hiểu thì biết nguyên nhân không phải do ngư dân Việt Nam không đánh bắt mà vì đánh bắt không hiệu quả, bởi nếu không có kỹ thuật cấp đông thì lươn biển rất dễ hư hỏng. Đặc biệt, lươn biển nuôi sống mới có giá trị kinh tế cao.

Từ thực tế đó, Ngộ sang Nhật Bản, Hàn Quốc để tìm tòi, học hỏi phương thức đánh bắt và cách để nuôi sống lươn biển. Vốn thông minh, lại đam mê nghề biển nên Ngộ học rất nhanh. Nắm được kỹ thuật, Ngộ đầu tư hơn 12 tỷ đồng để đóng tàu câu lươn lớn, có các hồ để nuôi lươn trên tàu; đồng thời đầu tư công nghệ từ Nhật Bản, Hàn Quốc.

“Khi đánh bắt lên, tôi cho lươn vào hồ rồi thử nghiệm bằng việc điều chỉnh độ muối, oxy, nhiệt độ phù hợp. Đặc biệt, với công nghệ nuôi mới, khi lươn được câu lên cho vào hồ nuôi, nó sẽ ngủ li bì. Về đất liền, thay nước biển, nó sẽ tỉnh lại. Từ khi học công nghệ của nước ngoài, việc đánh bắt lươn và nuôi lươn sống cao hơn 90%”, anh Ngộ chia sẻ.

Trong 3 tháng qua, tàu câu lươn có công suất 1.370CV cùng 10 lao động đã đi trên 5 chuyến câu lươn biển, mỗi lao động thu nhập hơn 10 triệu đồng/chuyến. Riêng anh Thái Vinh Ngộ hiện chưa đặt nặng vấn đề lợi nhuận cá nhân, bởi theo anh, trước hết làm sao để tạo uy tín với khách hàng, tìm thị trường ổn định cho lươn biển, sau đó mới tính đến chuyện đầu tư đánh bắt lâu dài.

“Tôi thường xuyên đến các nước tiêu thụ lươn để nghiên cứu giá cả, chất lượng lươn của từng nước và tôi thấy chất lượng lươn tại ngư trường Việt Nam tốt nhất”, Ngộ nói.

Giữa tháng 12-2016, biển động nên tàu của Ngộ ra khơi chỉ vài ngày, khai thác 2 tấn lươn biển. Mới trở về, khách hàng yêu cầu nhập ngay. “Thường đi biển về, tôi nuôi lươn 7-10 ngày mới vận chuyển bằng máy bay xuất hàng cho đối tác. Tuy nhiên, lần này do lươn khan hiếm nên khách yêu cầu nhập hàng ngay”, anh Ngộ vui mừng kể.

Anh còn cho biết những dự định trong tương lai: “Chi phí vận chuyển hiện nay quá cao nên lãi ít. Thời gian đến, tôi sẽ đầu tư xe container để vận chuyển bằng đường bộ qua các thị trường; bên cạnh đó sẽ đầu tư thêm một tàu hậu cần chuyên vận chuyển và nuôi lươn sống. Phải làm theo một mô hình khép kín mới mang lại hiệu quả, sản phẩm cung cấp kịp thời cho thị trường các nước khó tính”.  

Ngọc Phú (Báo Đà Nẵng)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem