Nghịch lý: Giữa Thủ đô hàng nghìn hộ dân vẫn khát nước sạch

Hải Đăng Thứ năm, ngày 06/09/2018 18:30 PM (GMT+7)
Theo ghi nhận của phóng viên Dân Việt, trong 22 xã, thị trấn của huyện Gia Lâm (Hà Nội), hiện còn 4 xã “trắng” nước sạch gồm xã Lệ Chi, Kim Sơn, Văn Đức, Trung Mầu và một số xã mới “phủ sóng” được ít hộ dân dùng nước sạch, trong khi tiến độ một số dự án cấp nước đang rất chậm.
Bình luận 0

Dự án chậm, dân "thờ ơ"

Mặc dù Nhà nước đầu tư gần 100 tỷ đồng để xây dựng trạm cấp nước sạch cho người dân 2 xã Ninh Hiệp và Kim Lan (huyện Gia Lâm), nhưng nghịch lý đang xảy ra ở đây là người dân không mặn mà với việc sử dụng nguồn nước của trạm.

img

img

Hàng nghìn hộ dân ở thôn Linh Quy, xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm (Hà Nội) đang phải sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm trầm trọng.  Ảnh: Hải Đăng

"Nếu không xử lý tốt các vấn đề nảy sinh, có thể Gia Lâm dù đã “bao phủ” trên 70% người dân được dùng nước sạch nhưng có khi năm 2020 khó đạt 100% theo yêu cầu”.

Ông Nguyễn Nguyên Quân - Trưởng Ban đô thị HĐND
TP.Hà Nội

Tìm hiểu của chúng tôi, từ năm 2003, TP.Hà Nội đã có chủ trương đầu tư, xây dựng trạm cấp nước sạch ở hai xã Ninh Hiệp và Kim Lan nhằm cung cấp nguồn nước đảm bảo cho từng hộ dân. Tuy nhiên, trong suốt thời gian dài, hai dự án “đắp chiếu”, nhiều hạng mục bị bỏ hoang, xuống cấp trầm trọng.

Ngày 5.4.2017, TP.Hà Nội chấp thuận cho Công ty CP sản xuất và Thương mại Ngọc Hải làm chủ đầu tư hai dự án: Tiếp nhận, cải tạo, nâng cấp trạm cấp nước sạch xã Ninh Hiệp (tổng vốn đầu tư hơn 47,2 tỷ đồng) và tiếp nhận, đầu tư, nâng cấp, mở rộng hệ thống cấp nước sạch xã Kim Lan (tổng vốn đầu tư 34,688 tỷ đồng).

Người dân nơi đây e ngại sử dụng nước ở trạm này vì quá trình nâng cấp, cải tạo không được đồng bộ, ống bơm, ống dẫn nước nhiều chỗ bị han gỉ. Ông Trần Văn Hải ở xã Kim Lan cho biết: “Chúng tôi đã hết kiên nhẫn chờ nước sạch, tự khoan giếng và công nghệ xử lý nước để dùng".

Ông Nguyễn Văn Học - Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm cho biết, tại huyện có 18/22 xã, thị trấn đã được cấp nước sạch, 189.786 người dân được dùng nước sạch, chiếm 70,1%. Hệ thống nước sạch gồm 2 công trình cấp nước tập trung từ hệ thống cấp nước thành phố và 5 công trình tập trung từ nguồn vốn mục tiêu quốc gia nước sạch-vệ sinh môi trường nông thôn, chương trình 134, 135… Trong 5 công trình này, 2 trạm tại Bát Tràng đã hoạt động ổn định, còn 3 dự án tại Ninh Hiệp, Phù Đổng, Kim Lan đang chậm tiến độ.

Đó là dự án cấp nước sạch xã Ninh Hiệp công suất 3.300 m3/ngày đêm do Công ty CP sản xuất và thương mại Ngọc Hải làm chủ đầu tư, theo tiến độ  sẽ hoàn thành tháng 12.2016 nhưng đến nay mới khôi phục xong trạm cấp nước và triển khai 80% đường ống phân phối, dịch vụ, cấp nước cho 1.300/4.100 hộ của xã (32%).

Dự án cấp nước xã Kim Lan công suất 1.500m3/ngày đêm cũng do Công ty CP sản xuất và thương mại Ngọc Hải làm chủ đầu tư, theo tiến độ tháng 12.2017 hoàn thành nhưng nay mới 483 hộ được cấp nước (31%).

Dự án cấp nước sạch xã Phù Đổng công suất 1.880m3/ngày đêm do Công ty TNHH nước sạch Hùng Thành Phù Đổng làm chủ đầu tư, theo tiến độ năm 2015 hoàn thành nhưng hiện mới khôi phục xong trạm cấp nước, triển khai 80% đường ống và cấp cho 1.600 hộ (44%).

Đề nghị thay chủ đầu tư

Ông Học cho hay, từ năm 2017, UBND huyện đã thành lập tổ công tác trực tiếp giải quyết thủ tục triển khai các dự án nước sạch nông thôn; thường xuyên đôn đốc chủ đầu tư đẩy tiến độ; tăng tuyên truyền, chỉ đạo UBND 3 xã Ninh Hiệp, Phù Đổng, Kim Lan phối hợp với đơn vị cấp nước vận động từng gia đình dùng nước sạch...

Dù vậy, các dự án tại 3 xã đang rất chậm nên đề nghị HĐND thành phố kiến nghị UBND thành phố xem xét thay thế chủ đầu tư. Tháng 12.2016 và 7.2017, UBND huyện đã có văn bản gửi thành phố, Sở Xây dựng xem xét thay thế Công ty CP sản xuất và thương mại Ngọc Hải.

Tại buổi làm việc với UBND huyện Gia Lâm và các xã liên quan ngày 22.8, ông Nguyễn Nguyên Quân - Trưởng Ban Đô thị HĐND TP.Hà Nội cho rằng, yêu cầu đặt ra là các trạm cấp nước này phải được kết nối với hệ thống tập trung của thành phố. Sở Xây dựng cần tính toán, đề xuất giải pháp với thành phố. 

Đặc biệt, tỉ lệ người dân được dùng nước sạch từ các trạm do doanh nghiệp tiếp quản còn tương đối thấp, do ý thức người dân nhưng cũng do họ chưa thực sự tin tưởng chất lượng nước, đòi hỏi các chủ đầu tư cần quyết liệt thực hiện chủ trương của thành phố về lắp đặt công nghệ lọc, đẩy nhanh tiến độ dự án...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem