Người dân Đồng Lư khá lên nhờ trồng mía

Thứ sáu, ngày 25/10/2013 11:45 AM (GMT+7)
Mỗi sào cho thu nhập từ 6-7 triệu đồng, mỗi hộ gia đình sau mỗi năm cũng có từ 30 - 35 triệu đồng. Đó là nguồn thu nhập không nhỏ của bà con Hợp tác xã (HTX) Đồng Lư (Đồng Quang, Quốc Oai) hiện nay.
Bình luận 0
Lãi 7-8 triệu đồng/sào

Những ngày này trên cánh đồng HTX Đồng Lư, người dân đang tấp nập thu hoạch mía. Anh Bùi Văn Hà (32 tuổi) trú tại xóm 2, thôn Đồng Lư đang thu hoạch mía trên thửa ruộng nhà mình hồ hởi cho biết: “Mía năm nay được mùa, so với các năm trước giá năm nay cũng khá hơn. Có người về tận ruộng thu mua từ 5.000-7.000 một cây, hồi đầu mùa giá mía cây còn cao hơn. Trừ chi phí mỗi sào của gia đình tôi cũng được 7-8 triệu đồng”.

Anh Bùi Văn Hà bên ruộng mía nhà mình.
Anh Bùi Văn Hà bên ruộng mía nhà mình.

Cánh đồng mía Đồng Lư được chuyển đổi từ lúa 2 vụ cách đây đã 5-6 năm. Trước đây trồng lúa nhưng cho hiệu quả kinh tế thấp nên HTX Đồng Lư đã xin cấp trên cho chuyển đổi toàn bộ diện tích sang trồng mía và các loại cây hoa màu khác cho hiệu quả cao hơn. Đồng thời tích cực tuyên truyền người dân mạnh dạn chuyển đổi. Nhờ được sự giúp đỡ về kỹ thuật và giống từ Trung tâm Khuyến nông huyện Quốc Oai mà nhiều hộ dân đã mạnh dạn trồng thử nghiệm.

Trên 90% hộ xã viên trồng mía

Ban đầu, do chưa có kinh nghiệm và nhất là đầu ra chưa ổn định nên vụ mía đầu tiên đã không đem lại kết quả như mong muốn. Không nản, HTX Đồng Lư tiếp tục vận động người dân, kèm theo việc tận tình hướng dẫn kỹ thuật cùng với việc đúc rút kinh nghiệm từ vụ trước. Bắt đầu từ việc đưa giống mía F156 nguồn gốc Đài Loan có đặc điểm sinh trưởng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở địa phương.

"Đến nay có thể khẳng định cây mía đã trở thành cây trồng chính yếu và đem lại hiệu quả kinh tế giúp cho nhiều hộ dân có thu nhập khá, ổn định cuộc sống gia đình”.

Ông Phùng Văn Hòa- Chủ tịch Hội ND xã Đồng Quang


Giống mía này nảy mầm đẻ nhánh sớm, nhảy bụi trung bình, ít đổ ngã, khả năng để gốc trung bình, thích ứng rộng, kháng bệnh than, tỷ lệ đường khá, thân cứng, mía chín trung bình muộn...

Đặc tính của cây mía là cây thu hoạch hàng năm, nhưng để lưu gốc nhiều năm. Nếu chăm sóc bón phân tốt năng suất vụ gốc thường tăng hơn so với vụ tơ. Thời gian chăm sóc vụ gốc sớm hơn, khẩn trương hơn, thu hoạch sớm hơn vụ tơ.

Ngoài ra, kỹ thuật canh tác mía dù không phức tạp nhưng cần phải được trang bị đầy đủ cho bà con. Sau khi thu hoạch không quá 3 ngày, phải đốt sạch hoặc dọn lá mía ra khỏi ruộng, dùng máy, trâu bò, cuốc cày xả hoặc cuốc hai bên hàng mía làm đứt lớp rễ già. Dùng toàn bộ phân chuồng, phân lân, 1/3 lượng đạm và 1/2 lượng kali để bón lót. Bón thúc lần 1, lần 2 và bón vá áo.

Căn cứ vào số lá mía như vụ tơ để bón nhưng lượng phân tăng 20-25% so với vụ tơ. Vụ mía thứ 2 bà con đã trúng lớn khi năng suất và hiệu quả kinh tế gấp đôi thậm trí gấp 3 so với cấy lúa và các loại cây trồng khác. Đặc biệt nguồn ra là thị trường ép nước mía TP.Hà Nội luôn đảm bảo. Từ đó đến nay đã qua 5 năm từ diện tích ban đầu chỉ khoảng trên 5ha với khoảng 10% hộ tham gia thì đến nay đã có trên 50ha mía cùng với trên 90% hộ xã viên tham gia.

Theo ông Phùng Văn Hòa- Chủ tịch Hội Nông dân xã Đồng Quang cho biết: “Với diện tích mía hiện nay, bà con xã viên ở Đồng Lư đã có thu nhập ổn định. Địa phương luôn xác định hướng phát triển kinh tế dựa trên những thế mạnh và nhất là cây mía. Đến nay có thể khẳng định cây mía đã trở thành cây trồng chính yếu và đem lại hiệu quả kinh tế giúp cho nhiều hộ dân có thu nhập khá, ổn định cuộc sống gia đình”.
Doãn Kiên (Doãn Kiên)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem