Người dân TPHCM không có thịt sạch để ăn vì doanh nghiệp bị... hành

Thứ ba, ngày 19/12/2017 19:03 PM (GMT+7)
Viện Pasteur TP.HCM vừa công bố 150 mẫu thịt tươi sống các loại (2 mẫu thịt vịt, 58 mẫu thịt gà, 90 mẫu thịt heo) đều có vi khuẩn E. coli. Ngoài ra, có 94/147 mẫu thuỷ sản tươi sống (7 mẫu chem chép, 26 mẫu hàu, 15 mẫu nghêu và 99 mẫu sò các lọại) được kiểm nghiệm có vi khuẩn này, tỷ lệ nhiễm gần 64%.
Bình luận 0

Các mẫu thịt và thuỷ sản được lấy tại một số chợ ở Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai và TP.HCM. Nguyên nhân nhiễm khuẩn, xuất phát từ điều kiện vệ sinh còn kém, từ các lò giết mổ đến các nơi bày bán chế biến thực phẩm…

img

Sáu nhà máy giết mổ tập trung được TP.HCM quy hoạch, thời hạn hoạt động cuối năm 2017 xem như đã phá sản.

Thịt nhiễm vi sinh, vi khuẩn E. coli là chuyện không mới. Tại TP.HCM, cơ quan chức năng cũng đang có gắng kiểm soát vấn đề này, từ năm 2005 đã ban hành đề án quy hoạch giết mổ tập trung, nhưng đến nay, sau ba lần điều chỉnh, diện mạo nhà máy mới vẫn chưa ra đời.

Điều đáng nói là nhiều năm nay, người tiêu dùng đã quá bức xúc, ngán ngẩm với thực phẩm bẩn, thiếu kiểm soát nên luôn mong mỏi được ăn thịt sạch. Còn doanh nghiệp trong đề án xây dựng nhà máy giết mổ công nghiệp lại luôn gặp khó khăn trong giải quyết các thủ tục xây dựng nhà máy mới. Thành ra, sáu nhà máy giết mổ tập trung được TP.HCM quy hoạch, thời hạn hoạt động cuối năm 2017 xem như đã phá sản. Nguyên nhân chính vẫn là các cơ quan chức năng “không có cùng nỗi bức xúc” với người dân.

Hồ sơ xây dựng nhà máy đi đến cơ quan nào cũng bị hành, bị ngâm cho đến “mục nát” dù trước đó, UBND TP.HCM đã giao cho sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn làm đầu tàu đốc thúc để đẩy nhanh tiến độ xây nhà máy. Sở Nông nghiệp cũng lập hẳn ra một tổ công tác có tất cả đại diện sở ngành (tài nguyên và môi trường, công thương, quy hoạch – kiến trúc, giao thông, phòng cháy chữa cháy…) để theo dõi. Nhưng định kỳ hàng tháng, tổ chỉ tổ chức họp, yêu cầu doanh nghiệp báo cáo tiến độ… rồi để đó.

Các doanh nghiệp phản ánh thời gian qua họ không nhận được sự quan tâm, lo lắng, hỗ trợ giúp cho hồ sơ “chạy” nhanh hơn từ các sở, ngành. Tình trạng này, đã dẫn đến những câu chuyện bi hài, dở khóc dở cười là có doanh nghiệp mất mười năm lo thủ tục, hồ sơ xây nhà máy chưa xong. Có doanh nghiệp phải làm đi làm lại hai lần đánh giá tác động môi trường. Có doanh nghiệp khác, như dự án của tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn quy hoạch cách đây năm sáu năm chưa có dân cư, nhưng do “vướng” thủ tục quá lâu, xây nhà máy không kịp, nay dân cư tập trung đến ở dày đặc, nên đã bị UBND huyện Củ Chi đề nghị di dời đi nơi khác…

Nói tóm lại, với tiến độ “hành” thủ tục như hiện nay, sáu nhà máy giết mổ công nghiệp ở TP.HCM chưa biết khi nào hoàn thành. Tương lai gần, người tiêu dùng vẫn phải bấm bụng ăn thực phẩm ở nơi giết mổ thô sơ, vệ sinh không đạt, nguy cơ lây nhiễm khuẩn cao như công bố của viện Pasteur.

Bảo Ngọc (Thế Giới Tiếp Thị)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem