Người Xtiêng nuôi trâu hàng hóa

Thứ năm, ngày 17/10/2013 06:52 AM (GMT+7)
Đến với vùng khó khăn nơi đồng bào Xtiêng xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng (Bình Phước) sinh sống vào lúc hoàng hôn, chúng tôi ngỡ ngàng khi thấy hàng đàn trâu to khỏe, no nê đang chậm rãi trở về bản. Đây là nét chấm phá tươi mới giữa vùng rừng núi Cát Tiên huyền bí.
Bình luận 0
Nuôi trâu để bán

Theo anh Điểu Toán (37 tuổi), người Xtiêng ở xã Đồng Nai, do địa hình và điều kiện sống nên con trâu ở đây rất quan trọng với những người Xtiêng. Từ những công việc như vỡ đất, chở hàng hóa cho tới làm nương rẫy, trâu đều trợ giúp con người rất nhiều. Nhưng hiện nay, đa phần người Xtiêng trong xã nuôi trâu không phải để phục vụ sản xuất, vì những công việc này đa phần đã được cơ giới hóa. “Bà con nuôi trâu chủ yếu để bán cho các thương lái và lấy phân trâu làm phân bón. Cũng từ lợi nhuận của nghề nuôi trâu, và sau nữa là con bò đã đem lại những thay đổi tích cực cho cuộc sống của cộng đồng người Xtiêng nơi đây”- anh Toán cho hay.

Ông Điểu An cùng đàn trâu của gia đình.
Ông Điểu An cùng đàn trâu của gia đình.

Ở vùng rừng núi này không chỉ có gia đình anh Toán, mà hầu như nhà nào cũng nuôi dăm con trâu, bò. Với họ, chúng chính là tài sản lớn nhất của gia đình, là nguồn thu nhập để nuôi sống mọi người. Là một trong những người có thâm niên nuôi trâu đã mấy chục năm, ông Điểu An (64 tuổi) cho biết: “Không biết từ bao giờ, con trâu đã là loài vật nuôi thân thuộc của người Xtiêng chúng tôi, bởi ở vùng rừng núi này, nó là loài vật nuôi thích hợp nhất”. Được biết nguyên do quanh khu vực này là vùng đệm của Vườn quốc gia Cát Tiên với những cánh rừng núi hoang vu có rất nhiều loài cây, cỏ thích hợp cho việc nuôi trâu, bò. Ở đây, chỉ cần dẫn đàn trâu ra đến các trảng cỏ, bàu nước cạn là chúng có thể ăn no nê từ sáng tới tối. Vì vậy chúng rất mau lớn mà lại không ảnh hưởng đến hệ sinh thái rừng cũng như tài nguyên quý báu của Vườn quốc gia.

Có nguồn tiêu thụ

Theo lời ông An, mỗi con trâu nuôi từ bé cho tới lúc bán được mất khoảng 1,5-2 năm. Giá mỗi con trâu trưởng thành thường ở mức 10-12 triệu đồng nếu là trâu đực, riêng trâu cái, có thể là từ 12-15 triệu đồng/con. Với đàn trâu 11 con (có 3 con cái) hiện nay, mỗi năm, gia đình ông thu 50 triệu đồng tiền bán trâu là chuyện bình thường. Ngoài ra, nếu trâu cái sinh con (nghé) mà không nuôi, có thể bán lại cho hộ khác.

Hiện nay nhiều hộ trong xã có đàn trâu lên đến hàng trăm con, thuê hàng chục công nhân để chăn thả mỗi ngày.


Còn theo ông Nguyễn Văn Lâm, cán bộ nông nghiệp xã Đồng Nai thì với địa hình chủ yếu là rừng núi hoang vu, thuộc vùng quản lý đặc biệt, nên khu vực ven vùng Cát Tiên này rất phù hợp để chăn thả đàn gia súc, đặc biệt là trâu, bò. Chúng có thể sinh sống tốt ở dưới vùng rừng núi này mà không ảnh hưởng đến hệ sinh thái rừng và những đồng cỏ mênh mông nơi đây.

Nguồn tiêu thụ trâu, bò của bà con là bán cho các thương lái dưới xuôi giết mổ lấy thịt hoặc bán qua biên giới Campuchia để nông dân nước bạn sử dụng làm sức kéo cho sản xuất, vì bên đó kỹ thuật canh tác lạc hậu hơn ta. Chính vì thế mà bao năm qua, nghề nuôi trâu, bò đã trở thành nghề kiếm tiền chính của bà con Xtiêng xã Đồng Nai.

Đoàn Xá (Đoàn Xá)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem