Nhà nông liên kết chống ép giá

Thứ ba, ngày 15/06/2010 07:45 AM (GMT+7)
(NTNN) - Đây là mô hình sản xuất-tiêu thụ đang được Nông dân Khánh Hòa rất hưởng ứng, để tạo thế chủ động và tăng thu nhập.
Bình luận 0
img
Trại gà của chị Nguyễn Thị Thanh Loan, thành viên Tổ liên kết Diên Sơn. Mai Khuê

Bắt tay nhau làm giàu

Xã Diên Khánh dẫn đầu phong trào nuôi gà thịt công nghiệp ở Khánh Hòa với 13 trang trại nuôi gà, có quy mô từ 5.000 – 10.000 con/trại. Hầu hết các trang trại đều gặp khó khăn về đầu ra, nhất là khi tất cả các trang trại cùng thả gà giống vào một thời điểm. Điều này dẫn đến hiện tượng gà thịt dư thừa, bị tư thương ép giá lúc đồng loạt thu hoạch. Người nuôi lâm vào tình thế càng giữ lại càng lỗ (tốn chi phí thức ăn) nên thi nhau bán bất kể lời lãi.

Nhưng hơn 1 năm nay, hiện tượng này không còn xảy ra đối với Tổ liên kết chăn nuôi – tiêu thụ gà công nghiệp Diên Sơn do anh Đặng Ngọc Sơn, thôn Đảnh Thạnh, xã Diên Sơn làm tổ trưởng.

Là một chủ trang trại kinh nghiệm lâu năm trong nghề, có đàn gà 8.000 con, anh Sơn nhiều lần “lâm nạn” với chuyện gà lớn chật chuồng mà chẳng ai thèm mua. Năm 2009, anh Sơn bàn với các chủ trại lân cận xây dựng một Tổ liên kết gồm 8 thành viên. Tổ đã lập hợp đồng liên kết giữa các tổ viên, họp bầu tổ trưởng, lên lịch sinh hoạt, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, và đặc biệt là xếp lịch cụ thể cho sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Mỗi thành viên đóng góp 5 triệu đồng, tổng số tiền vốn 40 triệu đồng này được luân chuyển cho các thành viên trong tổ vay theo lịch thả gà giống và được trả lại tổ sau khi xuất hết gà thương phẩm.

Lịch nhập gà giống vào từng trại được tổ hoạch định theo thứ tự, trại này nhập giống cách trại kia 7–10 ngày, tùy theo tình hình thị trường, tránh tình trạng “ứ” hàng. Mỗi thành viên đóng góp 5 triệu đồng, tổng số tiền vốn 40 triệu đồng này được luân chuyển cho các thành viên trong tổ vay theo lịch thả gà giống và được trả lại tổ sau khi xuất hết gà thương phẩm.

Việc tìm nguồn giống gà, thức ăn bảo đảm chất lượng và sạch bệnh được các thành viên thống nhất giao cho tổ đảm nhận. Các trại đều phải nhập gà giống từ nguồn này nhằm tránh việc lây lan bệnh từ con giống cho các trại thành viên khác. Tổ chia ra làm hai nhóm và ký kết với 2 đại lý cung cấp thức ăn, con giống và tiêu thụ gà thương phẩm, tránh chuyện độc quyền sinh ra ép giá. Ngoài ra, tổ còn giao cho một thành viên làm “chuyên gia lướt mạng” kiểm tra thông tin giá cả để thương lượng với các đại lý…

Chống ép giá

Sau hơn 1 năm hoạt động, điều hành sản xuất có trật tự, khoa học và đoàn kết, tổ cung cấp cho thị trường hàng trăm tấn gà hơi, lợi nhuận bình quân 70 triệu đồng/trại/năm. Các tổ viên an tâm sản xuất vì đã chấm dứt hẳn tình trạng ép giá, phá giá gây thua lỗ như trước đây.

Theo ông Nguyễn Lạc-Chủ tịch Hội ND tỉnh Khánh Hòa, mô hình tổ liên kết nói trên là mô hình do Hội triển khai để thực hiện chủ trương tiêu thụ nông sản cho ND theo hợp đồng. Diên Sơn là đơn vị đi đầu và có thể thành công, trở thành một mô hình mẫu cho phòng trào liên kết sản xuất - tiêu thụ trong nông dân.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đang hình thành nhiều tổ liên kết khác, hoạt động cũng rất hiệu quả, như Tổ Ốc hương giống Vĩnh Hòa (Nha Trang), hàng năm sản xuất và tiêu thụ hàng triệu con giống cho thu nhập trên 100 triệu/thành viên; Tổ Rau muống và cỏ voi Ninh Phụng (huyện Ninh Hòa), sản phẩm có sản lượng lớn, ổn định được Công ty Đà điểu - Cá sấu Ninh Hòa bao tiêu...

Mô hình tổ này đang được Hội ND nhân rộng ở lĩnh vực đánh bắt trên biển, và đang phát huy hiệu quả.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem