Nhà nông vùng lũ “xé rào” làm lúa vụ 3

Trọng Bình Thứ bảy, ngày 23/08/2014 16:58 PM (GMT+7)
Tại các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, bất chấp khuyến cáo của chính quyền địa phương, nhiều nông dân nằm trong khu vực được cảnh báo tiềm ẩn rủi ro do ảnh hưởng của nước lũ dâng trào, vẫn lén lút “xé rào” xuống giống vụ mùa thu đông (vụ 3). 
Bình luận 0

Thu lúa không kịp chạy lũ

Ông Nguyễn Hoàng Nhung - Chủ tịch UBND huyện Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Xã có hơn 750ha đất sản xuất, nằm trong tuyến đê bao tạm thời (đê bao lửng), không bảo đảm an toàn khi có lũ diễn biến bất thường. Xã đã khuyến cáo không sản xuất lúa thu đông nhưng do chủ quan, nhiều nông dân vẫn xuống giống”. Bên cạnh đó, theo ông Nhung, ngoài 77,8ha lúa đang giai đoạn sắp thu hoạch bị mất trắng, còn hơn 60,8ha chỉ mới chín được hơn nửa bông đang thu hoạch chạy lũ. “Do không nằm trong kế hoạch sản xuất nên diện tích lúa bị thiệt hại này rất khó tính chuyện hỗ trợ. Tuy nhiên chúng tôi cũng đang dốc sức cùng bà con, bằng nhiều biện pháp cứu lúa, thu hoạch chạy lũ” – ông Nhung nói.

Cũng vì nông dân cố tình trồng lúa vào vùng lũ như vậy, nên Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đồng Tháp đã phải huy động cả ngàn lượt người cùng hàng hơn 32 máy gặt đập liên hợp để tiếp sức nông dân thu hoạch lúa chạy lũ tại Hồng Ngự. Còn tại An Giang, hàng trăm ha lúa (cũng do nông dân chủ quan, bất chấp khuyến cáo để làm), đang được địa phương gấp rút bơm nước ra cho lúa trổ bông. Bên cạnh đó, chính quyền vận động bà con nông dân khẩn trương thu hoạch hàng ngàn ha lúa hè thu muộn có nguy cơ “nước chụp”. Theo thống kê của Sở NNPTNT tỉnh An Giang, tính đến ngày 14.8, toàn tỉnh đã thu hoạch được gần 168.000ha lúa hè thu, đạt hơn 75% diện tích xuống giống. So với cùng kỳ năm 2013, diện tích thu hoạch chậm hơn khoảng 34.000ha.

Ông Phạm Văn Lê - Chánh văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh An Giang thông tin: “Chúng tôi đã khẩn trương triển khai các phương án; thành lập ban điều hành, tổ chức kiểm tra, thống kê khoanh vùng các khu vực xung yếu. Các địa phương có sản xuất vụ thu đông đã khẩn trương lắp đặt trạm bơm điện để kịp thời bơm tiêu chống úng cho các tiểu vùng sản xuất (vụ thu đông), đặc biệt là gia cố đê bao, cống bọng dưới đê; ở những nơi xung yếu có dòng nước chảy xiết thì tập kết cừ tràm, lưới B40, bao cát, sẵn sàng để ứng phó kịp thời”.

Hạn chế sản xuất lúa vụ 3

Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Khai thác thuỷ lợi An Giang cho biết: “Do mực nước lũ thượng nguồn dâng cao, áp lực lớn nên 2 đập tràn Tha La và Trà Sư (có vai trò điều tiết nước lũ cho vùng ĐBSCL) phải mở cửa xả sớm hơn nhiều so mọi năm. Do vậy, ngay cả những khu vực trung lưu như vùng Tứ Giác Long Xuyên cũng có mực nước cao, vượt báo động 1 sớm hơn mọi năm. An Giang lại có diện tích lúa hè thu muộn khá lớn. Vì thế, chúng tôi đã khuyến cáo hạn chế sản xuất lúa vụ thu đông”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Thanh Hùng đã yêu cầu các huyện rà soát “đóng khung” diện tích sản xuất vụ thu đông không nằm trong kế hoạch sản xuất (do nông dân bất chấp khuyến cáo, tự phát làm). Ông Hùng cũng yêu cầu, kiên quyết không để tiếp tục xuống giống vụ thu đông ngoài vùng đê bao an toàn. Địa phương nào để xảy ra tình trạng này thì tự chịu trách nhiệm nếu bị thiệt hại.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem