Nhân rộng mô hình chi hội bám biển

Hoàng Công Thứ tư, ngày 17/12/2014 06:45 AM (GMT+7)
Đây là ý kiến đề xuất được rất nhiều đại biểu đồng tình tại hội thảo “Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) tăng cường công tác vận động, hướng dẫn, hỗ trợ ngư dân phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền biển đảo”, tổ chức tại TP.Phan Rang-Tháp Chàm (Ninh Thuận) ngày 16.12.
Bình luận 0

“Nên hỗ trợ cả trường hợp vỏ tàu mới, dùng máy cũ”

Tham dự hội thảo, từ góc độ ngư dân, ông Bùi Thanh Ninh (xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Đinh) - chủ một đội tàu 16 chiếc với tổng công suất trên 6.000CV, cho rằng: Các biện pháp bảo vệ ngư dân trên các vùng biển giáp ranh, chồng lấn vẫn còn chưa hiệu quả. Là người thường xuyên đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa, tôi thấy hiện nay đội tàu đánh cá của nước bạn bao giờ cũng có tàu bảo vệ đi kèm, vì thế nên tàu cá của ta thường phải bỏ chạy mỗi khi xảy ra trường hợp bị tranh giành ngư trường.

img
TS Nguyễn Duy Lượng (thứ 3 từ phải) trao đổi với các đại biểu là ngư dân về việc bám biển bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Ông Ninh kiến nghị, Chính phủ cần sửa đổi Nghị định 67 (về một số chính sách phát triển thủy sản, ban hành ngày 7.7.2014) cho sát với tình hình thực tế của ngư dân, chứ như hiện nay, ngành ngân hàng chỉ hỗ trợ cho vay trong trường hợp ngư dân phải mua máy mới khi cải hoán là điều không thực tế, vì như thế sẽ đẩy chi phí đóng mới tàu lên rất cao. Trong khi, ngư dân vẫn có thể sử dụng máy cũ còn hoạt động tốt để giảm chi phí thì không được ngành ngân hàng chấp nhận.

 

Đồng tình với ý kiến của ngư dân Bùi Thanh Ninh, bà Lê Thị Kim Mai - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bình Định nhấn mạnh thêm: Để ngư dân an tâm bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thì các ngành cần áp dụng Nghị định 67 của Chính phủ đúng với tình hình thực tế của ngư dân hơn. Ngư dân không cần quy định pháp lý chung chung, mà cần rất cụ thể, sát với cuộc sống...

Vấn đề ông Ninh, bà Mai nêu ra nhận được sự đồng thuận của nhiều đại biểu khác tại hội thảo.

Tăng cường bảo vệ an ninh cho ngư dân

Tham gia ý kiến tại hội thảo, ông Lê Văn Tính (hội viên Hội Nông dân tỉnh Khánh Hòa, chủ của 2 con tàu với tổng công suất 1.700CV hành nghề lưới chụp, chuyên đánh bắt tại vùng biển Trường Sa) cũng nêu quan ngại về an ninh trên biển: Trong quá trình đánh bắt tại những vùng biển chung, trong khi tàu cá của nước bạn luôn có những tàu giám hộ đi kèm, còn tàu cá của ngư dân Việt Nam vừa nhỏ lại vừa ít có lực lượng bảo vệ đi kèm, nên mỗi khi xảy ra sự cố tranh giành ngư trường, tàu cá của ngư dân ta thường bị thua thiệt. Vì vậy, cần có biện pháp bảo vệ ngư dân hữu hiệu hơn nữa để ngư dân an lòng bám biển.

Về tổ chức dịch vụ nghề cá trên biển, ông Tính kiến nghị thêm: “Nhà nước cần thành lập các đội tàu dịch vụ hậu cần, tổ chức thu mua sản phẩm trên biển một cách thường xuyên, chứ như tình trạng hiện nay thỉnh thoảng mới chạy ra thu mua thì rất khó cho ngư dân. Vì mỗi lần chúng tôi cho tàu chạy về đất liền để bán sản phẩm rất tốn kém”. Ông Tính cho biết thêm, đánh bắt hải sản tại Trường Sa trong một thời gian dài, đội tàu của ông chỉ bán được một lần duy nhất cho đội tàu dịch vụ mà thôi. “Ngư dân chúng tôi cần những hành động thiết thực để an tâm bám biển chứ không chỉ là những lý thuyết suông” - ông Lê Văn Tính nói.

Trao đổi tại hội thảo về khả năng tham gia bảo vệ ngư dân trên biển, Đại tá Nguyễn Nghiêm Long - Phó Chính ủy, Bộ tư lệnh Cảnh sát biển Vùng 3 cho rằng: “Lực lượng cảnh sát biển ngày nay đã tăng cường khả năng tác chiến, thường xuyên tuần tra để giữ vững và ổn định các vùng biển, thường xuyên kiểm tra, kiểm soát các vùng biển giáp ranh, hỗ trợ ngư dân để bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. Cảnh sát biển cũng đã ký kết quan hệ song phương và đa phương với các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc, Philippines, Campuchia, Malaysia, Singapore, Thái Lan. “Vì thế, bà con ngư dân cứ an tâm bám biển. Chúng tôi luôn đồng hành cùng bà con ngư dân trong công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo” - ông Long nói.

Trao đổi với phóng viên về những vấn đề nóng đặt ra tại hội thảo, TS Nguyễn Duy Lượng- Phó Chủ tịch Thường trực T.Ư Hội NDVN, nhấn mạnh: Đảng, Nhà nước đã có chủ trương chính sách phát triển kinh tế biển, đã dành những gói hỗ trợ rất thiết thực cho ngư dân phát triển kinh tế biển, hỗ trợ ngư dân đóng mới những con tàu hiện đại vươn khơi. Nhưng để làm chủ hiệu quả những con tàu hiện đại đó, cần có con người mới, những thuyền trưởng, những thủy thủ hiểu biết rõ luật pháp, những lao động giỏi nghề biển. Trong khi thực tế, phần lớn ngư dân đi biển hiện nay vẫn học nghề theo phương pháp “cha truyền con nối”, trao truyền kinh nghiệm, trình độ chưa cao. Các cấp hội cần chú trọng công tác hỗ trợ dạy nghề, nâng cao kiến thức cho ngư dân.

Ông Nguyễn Duy Lượng cũng lưu ý các cấp hội, trên cơ sở những mô hình chi tổ hội nông dân là ngư dân đã có ở các địa phương, cần tiếp tục nghiên cứu các mô hình tổ chức chi hội đoàn kết bám biển để nhân rộng mô hình hay, thậm chí đề xuất những mô hình chi hội mới, phù hợp với điều kiện trên mỗi con tàu đi biển dài ngày, hoặc điều kiện lao động trên mỗi vùng biển, để liên kết hỗ trợ hội viên hiệu quả, thiết thực hơn nữa.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội NDVN Nguyễn Duy Lượng: Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân như vay vốn tín dụng lãi suất thấp để đóng mới tàu cá đánh bắt xa bờ, hỗ trợ chi phí nhiên liệu, hỗ trợ bảo hiểm… Đảng, Nhà nước ta cũng đã khẳng định: Ngư dân là lực lượng quan trọng để thực hiện thắng lợi các mục tiêu của chiến lược phát triển kinh tế biển. Vì vậy, các cấp Hội ND cần đánh giá đúng những khó khăn, trở ngại trong hoạt động sản xuất, khai thác thủy hải sản, qua đó có những đề xuất thiết thực để hoàn thiện các chính sách nhằm hỗ trợ ngư dân hiệu quả hơn nữa.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem