Nhẫn tâm lừa bắt chim yến giết thịt, bán cho quán nhậu giá bèo

Nguyên Vỹ Thứ bảy, ngày 02/11/2019 16:14 PM (GMT+7)
Dùng phương thức phát ra âm thanh giả tiếng chim yến cầu cứu, các đối tượng đặt bẫy đã bắt toàn bộ đàn yến kéo đến giải cứu, rồi bán vào các nhà hàng, quán nhậu dưới cái tên... chim sẻ.
Bình luận 0

Đây là thông tin gây sửng sốt cho rất nhiều người có mặt tại hội nghị góp ý dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi do Bộ NNPTNT tổ chức tại TP.HCM ngày 2/11.

img

Nghề nuôi chim yến mang lại giá trị kinh tế hàng triệu đồng mỗi năm

Bà Lý Hứa Thị Lan Phương – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Yến sào Việt Nam đánh giá đây là hành vi nhẫn tâm, không chỉ gây hại cho đàn chim yến, đánh lừa người tiêu dùng mà còn gây tổn thất nghiêm trọng cho kinh tế.

Chim yến là động vật sống bầy đàn. Theo bản năng, khi bị tấn công, chim yến sẽ phát ra tiếng kêu cứu. Cả đàn chim yến nghe thấy sẽ kéo đến giải vây. Các đối tượng xấu lợi dụng đặc tính này để giăng bẫy, bắt nguyên cả đàn chim.

Chim yến bị bắt không chỉ bán cho nhu cầu phóng sinh mà nghiêm trọng hơn là bán cho các nhà hàng, quán nhậu để giết thịt làm thực phẩm. Thịt chim yến trong thực đơn hay trên bàn ăn lại được mạo danh sang tên gọi khác là chim sẻ và người dùng không thể biết.

img

Chim yến đang bị đặt trong tình trạng cầu cứu vì hành vi đánh bắt, giết thịt

Theo tính toán của bà Phương, một cặp chim yến sẽ cho 3 tổ yến mỗi năm. Giá tổ yến hiện nay khoảng 20.000 đồng/gram. Như thế, mỗi cặp chim yến bị bắt sẽ thiệt hại khoảng 6 triệu đồng mỗi năm. Các đối tượng đánh bắt sẽ bán lại với giá từ 2.000 – 5.000 đồng/con.

Vấn nạn đã diễn ra hơn một năm nay, phổ biến ở tỉnh Bình Thuận và đang lan ra các địa phương khác. Hành vi này gây bức xúc lớn trong cộng đồng người nuôi yến vì số lượng đàn hao hụt, gây tổn hại nghiêm trọng đến lợi ích kinh tế mà ngành nuôi yến tạo ra.

Ngành chăn nuôi chưa có chế tài xử phạt hành vi này. Hiện tại, Hiệp hội Yến sào Việt nam đã thành lập một tiểu ban giải cứu chim yến. Tuy nhiên cách thức hoạt động vẫn phát hiện sớm hành vi và tuyên truyền để hạn chế.

img

Người nuôi yến tại Bình Thuận và các tỉnh lân cận rất bất bình khi số lượng chim yến ngày càng giảm sút

Ông Đỗ Nguyễn Thy Linh, một người nuôi nhà yến tại Bình Thuận cho biết, người nuôi yến tại Bình Thuận và các tỉnh lân cận rất bất bình khi số lượng chim yến ngày càng giảm sút. Nguyên nhân chính được cho là do nhóm người săn bắt yến làm thực phẩm và bán dưới nhiều hình thức khác.

“Một số người cho rằng tổ yến có giá trị dinh dưỡng cao thì thịt chim yến cũng là thức ăn bổ dưỡng. Điều này hoàn toàn sai”, ông Linh nói.

Đồng tình, bà Phương khẳng định thịt chim yến không khác biệt mấy về dinh dưỡng so với thịt chim sẻ. Trong khi mỗi con yến mang lại giá trị kinh tế hàng triệu đồng mỗi năm, thì các đầu mối mua lại mỗi con với giá vài nghìn đồng, bán cho các quán nhậu hay các điểm làm chim phóng sinh.

img

Chim yến bị bắt đem bán phóng sinh, hoặc xẻ thịt làm thực phẩm. Ảnh Thành Long

Thành công trong ấp nở và nuôi nhân tạo chim yến đã thúc đẩy nghề nuôi chim yến phát triển trong nước, tạo việc làm cho lao động địa phương. Chim yến lại là loài sống di cư. Hành vi đánh bắt không chỉ gây hại cho đàn yến Việt Nam mà cả yến từ các nước khác bay sang.  

Bà Phương đề nghị cần có chế tài xử phạt hành vi dẫn dụ, đánh bắt chim yến trái phép trong Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi. “Mức xử phạt hành chính cần được áp dụng ở khung hình phạt cao nhất để răn đe và sớm ngăn chặn”, bà Phương nói.

img

Ngành chức năng cần sớm vào cuộc xử lý sai phạm để bảo vệ đàn yến và lợi ích kinh tế cho người nuôi, khai thác yến sào

Lần đầu tiên biết đến thông tin này, ông Nguyễn Xuân Dương – Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) không khỏi giật mình. Theo ông Dương, yến sào ở Việt Nam được đánh giá có chất lượng và nguồn định dưỡng tốt nhất so với các nước trong khu vực như Indonesia hay Malaysia.

Hình thức bắt, nhốt, làm thực phẩm bằng chim yến sẽ gây thiệt hại lớn cho người nuôi yến, chủ nhà yến và nhiều lao động địa phương đang sống và thu nhập bằng nghề này. Ông Dương đề nghị Hiệp hội Yến sào Việt Nam cần sớm gửi văn bản đề nghị lên Cục Chăn nuôi và Bộ NN&PTNT để có căn cứ và định hướng xử lý, bảo vệ loài chim yến và lợi ích kinh tế cho người nuôi.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem