Nhiều hộ nông dân bị bỏ rơi

Thứ sáu, ngày 03/08/2012 10:07 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Mức sống ở khu vực nông thôn có tăng lên, nhưng nhiều hộ gia đình lại thực sự nghèo đi, phúc lợi xã hội giảm xuống và không được hưởng lợi tương ứng từ tăng trưởng kinh tế.
Bình luận 0

Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương và các nhà khoa học Việt Nam, quốc tế vừa công bố một số kết quả điều tra sâu về kinh tế hộ gia đình nông thôn Việt Nam, được thực hiện với sự hỗ trợ của Chính phủ Đan Mạch. Báo cáo được thực hiện với gần 3.000 hộ gia đình nông thôn tại 12 tỉnh của Việt Nam.

img
Cơ sở may của gia đình anh Lê Sỹ Tú (Đông Hưng, Thái Bình) tạo việc làm cho hơn 100 lao động địa phương.

Khó vay vốn, khó tiết kiệm

Theo ông Lưu Đức Khải - Trưởng ban Chính sách Phát triển nông nghiệp nông thôn (CIEM) cho biết: “Các kết quả này chỉ ra rằng tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam đã làm cho nhiều hộ gia đình nông thôn có cuộc sống tốt hơn nhưng cũng còn nhiều hộ khác chưa cải thiện được mức sống, trong số đó có những hộ thực sự nghèo đi”.

Báo cáo đã dựa trên kết quả điều tra các hộ gia đình nông thôn thuộc 12 tỉnh, bao gồm; Hà Tây cũ, Khánh Hòa, Nghệ An, Lâm Đồng, Đăk Lăk, Đăk Nông, Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu, Phú Thọ, Quảng Nam, Long An. Qua khảo sát tại 12 tỉnh cho thấy, thị trường tài chính chưa phát triển tại vùng nông thôn và việc thiếu thông tin về tiết kiệm chính thức dẫn đến hộ gia đình nông thôn phải lựa chọn hình thức tiết kiệm không chính thức và không an toàn.

Báo cáo chỉ ra thực tế, phần đông các hộ nông thôn đều chưa tiếp cận được những chính sách tiết kiệm ưu việt như các hộ gia đình ở đô thị. Do vậy, kết quả khảo sát cũng cho thấy thực tế phần lớn tác động đối với việc tiết kiệm của hộ gia đình thường đến từ tiết kiệm không chính thức thông qua các nhóm tiết kiệm hoặc những người cho vay lãi chứ không phải gửi tiền vào ngân hàng.

Phúc lợi chưa công bằng

Những thay đổi thể hiện sự biến động phúc lợi được nhóm nghiên cứu chứng minh dưới 3 yếu tố: Chi tiêu cho thực phẩm, thu nhập và tài sản. Ở góc độ chi tiêu cho thực phẩm, kết quả khảo sát đã phát hiện những điều “lý thú”. Hai tỉnh Lai Châu và Điện Biên có mức chi tiêu cho thực phẩm rất thấp, và Lào Cai là tỉnh có chỉ số chi tiêu thấp nhất trong số 12 tỉnh được khảo sát. Nguyên nhân phúc lợi xã hội giảm đi thường được giải thích bởi sự cách biệt: Xa các thành phố lớn, xa đường giao thông và các trung tâm hành chính.

"Nguyên nhân phúc lợi xã hội giảm đi thường được giải thích bởi sự cách biệt: Xa các thành phố lớn, xa đường giao thông và các trung tâm hành chính."

Khảo sát về thu nhập của hộ gia đình từ sản xuất nông nghiệp, tiền lương và các thu nhập khác cũng cho thấy có sự phân hóa rõ rệt. Trong khi một số tỉnh như Lào Cai, Lai Châu, Đăk Lăc, Đăk Nông hơn một nửa thu nhập đến từ sản xuất nông nghiệp, thì một số tỉnh khác như Nghệ An, Quảng Nam, Phú Thọ,… thu nhập từ các hoạt động phi nông nghiệp lại là nguồn thu nhập chính.

Tăng trưởng kinh tế đem lại những lợi ích tích cực thông qua việc tăng chi tiêu về thực phẩm, tăng số lượng tài sản… Tuy nhiên, quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ sản xuất nông nghiệp sang các hoạt động tạo thu nhập được đa dạng hóa và hiện đại vẫn chưa hoàn thành, và có một số nhóm ở khu vực nông thôn không được hưởng lợi ích tương ứng với mức tăng trưởng kinh tế.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem