Nông nghiệp cần nhiều gói cứu trợ

Chủ nhật, ngày 01/07/2012 12:40 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Hầu hết các mặt hàng nông sản, thực phẩm, thủy sản tại thời điểm này đều bị giảm giá tới 50-60%, song vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi. Theo nhận định, với đà giảm giá này, có thể khiến cho sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân rơi vào khủng hoảng, thậm chí tê liệt.
Bình luận 0

Sản xuất có thể bị tê liệt

Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, trong 6 tháng đầu năm, sản xuất nông nghiệp được mùa trên nhiều lĩnh vực như lúa gạo đạt 20,62 triệu tấn, tăng 486.300 tấn so với vụ đông xuân 2011; tổng sản lượng thịt hơi đạt khoảng 2,6 triệu tấn, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2011...

img
Nông dân ở ĐBSCL đang gặp khó do dịch bệnh tôm hoành hành.

Tuy nhiên, theo đánh giá tại thời điểm này, giá cả hầu hết các mặt hàng nông sản, thực phẩm, thủy sản đều giảm giá nghiêm trọng tới 50-60%. Như lúa tại đồng bằng sông Cửu Long giảm từ 7.000 đồng/kg xuống còn 5.200-5.300 đồng/kg; sắn giảm từ 2.500 đồng/kg xuống còn 1.000 đồng/kg. Cá tra cũng giảm giá tới 40%, hiện chỉ còn 20.000-24.000 đồng/kg (mức lỗ đối với người nuôi cá), đặc biệt tôm hùm giảm giá từ 2,5 triệu đồng/kg xuống chỉ còn 900.000 đồng/kg. Lợn hơi cũng là mặt hàng giảm giá nhanh nhất từ 70.000 đồng/kg xuống còn 35.000 đồng/kg.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát xót xa cho rằng: "Mặc dù sản lượng tăng, nhưng giá lại xuống rất mạnh, điều này sẽ triệt tiêu nỗ lực sản xuất của nông dân. Do đó, nhiệm vụ cấp bách của ngành nông nghiệp bây giờ là phải xử lý thị trường, không chỉ đơn thuần ở là giải quyết việc thu mua, tiêu thụ xuất- nhập khẩu, mà cần phải tính đến phương án điều chỉnh lại cơ cấu sản xuất, cơ cấu chất lượng, các loại sản phẩm".

Hàng loạt sản phẩm bí đầu ra

Bộ NNPTNT nhìn nhận đang diễn ra hiện tượng, người nuôi cá thì treo ao, người nuôi lợn thì bỏ chuồng, người nuôi tôm bỏ lồng... Chính vì thế, nếu không có các chính sách hỗ trợ cho sản xuất sẽ dẫn đến đình đốn sản xuất, khan hiếm lương thực, thực phẩm trong những tháng cuối năm nay.

Ông Nguyễn Thanh Sơn - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết: "Khó khăn lớn nhất hiện nay là vấn đề đầu ra cho thịt lợn, gia cầm, bởi hầu hết các mặt hàng khác đang ở mức rất thấp, gây khó khăn cho ngành chăn nuôi. Trong khi sản phẩm không tiêu thụ được, các chủ trang trại đang phải đối mặt với khoản nợ ngân hàng, nên rất khó đẩy mạnh phát triển".

"Trong vụ lúa thu đông tới, chúng ta cần phải giảm diện tích lúa để chuyển sang một số cây trồng khác, đồng thời thay thế các giống lúa năng suất cao bằng giống chất lượng cao".

Theo tính toán của Cục Chăn nuôi, nhu cầu vốn để phát triển chăn nuôi của các trang trại hiện đang cần khoảng 6.000 tỷ đồng. "Cần có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp vốn để sản xuất và hỗ trợ doanh nghiệp trữ đông để tránh tình trạng thiếu thực phẩm vào những tháng cuối năm" - ông Sơn thông báo.

Ông Sơn cũng đề nghị, Nhà nước cần sớm ban hành 2 chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi trang trại và hỗ trợ chăn nuôi an toàn, đồng thời thành lập phòng kinh tế và thống kê để tham mưu cho bộ về lĩnh vực chăn nuôi.

Còn theo ông Phạm Anh Tuấn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản, ngành tôm xảy ra dịch bệnh nghiêm trọng trên địa bàn cả nước. Tính đến nay, diện tích thiệt hại đã lên tới 39.000ha với tổng giá trị thiệt hại khoảng 5.500 tỷ đồng. Do đó, ông Tuấn đề xuất: "Bộ NNPTNT cần có đề xuất lên Chính phủ hỗ trợ người nuôi trồng thuỷ sản một chính sách riêng, hiện chính sách hỗ trợ vẫn áp dụng chung với các lĩnh vực nông nghiệp khác là không hợp lý".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem