Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có những cơ hội phát triển to lớn

Phương Đông (thực hiện) Thứ năm, ngày 07/02/2019 14:00 PM (GMT+7)
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng (ảnh) trao đổi với phóng viên Báo NTNN về những cơ hội to lớn trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, hỗ trợ nông dân…
Bình luận 0

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng nhận định, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; sự quyết định chiến lược đúng đắn của Quốc hội; sự điều hành quyết liệt của Chính phủ; sự vận dụng sáng tạo và hiệu quả của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể, năm 2018, nhân dân Việt Nam đã đạt được những kết quả mĩ mãn về phát triển kinh tế xã hội; tăng cường tiềm lực quốc phòng an ninh, xây dựng hệ thống chính trị, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại và kết nối quan hệ quốc tế.

Năm 2018 Việt Nam đã đạt được những kết quả ấn tượng trong phát triển kinh tế-xã hội. Kinh tế có bước tăng trưởng cao đạt hơn 7, 08%, cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây; nông nghiệp có bước phát triển từ 2,9% (2017) lên 3,76%, đóng góp 8,7% vào mức tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt mức kỷ lục với 40 tỷ USD và xuất siêu hơn 7 tỷ USD. Cả nước có 42,4% số xã và 61 huyện vượt chỉ tiêu Chính phủ giao về xây dựng nông thôn mới...

img

 Đồng chí Thào Xuân Sùng -  Chủ tịch T.Ư Hội NDVN thăm, tặng quà Tết Mậu Tuất 2018 cho nông dân huyện Thông Nông (Cao Bằng). ảnh Trần Quang

- Thưa ông, dấu ấn của nông dân thể hiện như thế nào trong những kết quả phát triển ấn tượng của nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới như ông vừa nêu?

Dấu ấn, đóng góp của nông dân đối với kết quả phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới trong năm 2018 là rất rõ, rất quan trọng.

Phát triển nông nghiệp của Việt Nam trong năm qua đạt được những kết quả ấn tượng bởi tiến độ thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp. Tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp thực ra là chuyển đổi, tổ chức lại sản xuất ở các ngành, hàng đáp ứng với nhu cầu, yêu cầu của thị trường tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Trong năm 2018, các ngành, hàng nông nghiệp được sản xuất, lưu thông, phân phối và tiêu thụ theo chuỗi đã rõ ràng hơn, sắc nét hơn.

Điển hình là ngành, hàng rau, củ quả, thủy sản. Trong năm 2018, cả nước hình thành được 1.096 chuỗi cho hơn 1.400 sản phẩm nông nghiệp. Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm, giai đoạn 2018-2020 cũng được nhiều tỉnh, thành phố triển khai tích cực...

Người trực tiếp thực hiện những nội dung, công việc cụ thể để tái cơ cấu nông nghiệp và chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm chính là nông dân. Cùng với doanh nghiệp, nông dân chính là người trực tiếp sản xuất… đóng góp quan trọng vào tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam năm 2018.

Kết quả phát triển nông nghiệp năm 2018 cũng phản ánh sự năng động, sáng tạo của doanh nghiệp và nông dân trong việc đầu tư, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tiếp tục được đầu tư, mở rộng và ngày càng xuất hiện nhiều ở các địa phương, nhất là ở những vùng trọng điểm…

Qua đây có thể khẳng định, môi trường, chính sách phát triển nông nghiệp năm tiếp tục được cải thiện theo hướng tạo cơ chế khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân chủ động, năng động trong sản xuất, kinh doanh.

img

  Đồng chí Thào Xuân Sùng (phải) trao đổi kinh nghiệm trồng na với nông dân huyện Chi Lăng (Lạng Sơn), tháng 7.2018. ảnh Trần Quang

-Với vai trò, nhiệm vụ của mình, Hội Nông dân Việt Nam đã có những giải pháp, hoạt động gì hỗ trợ hội viên, nông dân thực hiện chủ trương, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn trong năm 2018, thưa Chủ tịch?

Căn cứ vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình, trong năm 2018, Hội Nông dân Việt Nam tiếp tục cụ thể hóa chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, trong đó trọng tâm là thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội X, XI và XII của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Sự tham gia của Hội Nông dân Việt Nam đối với phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong năm qua còn thể hiện ở năng lực tham mưu, năng lực phối hợp.

Để cụ thể hóa nội dung các Nghị quyết của Đảng, Hội tiếp tục tham mưu với Ban Bí thư, T.Ư Đảng trong việc thực hiện có hiệu quả Kết luận số 61/KL-TW ngày 3.12.2009 của Ban Bí thư về Đề án “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010-2020”.

Phối hợp với Chính phủ, các bộ, ngành, tổ chức đoàn thể T.Ư và các địa phương trong việc thực hiện Quyết định số 673/QĐ-TTg ngày 10.5.2011 của Thủ tướng Chính phủ “Về việc Hội Nông dân Việt Nam trực tiếp thực hiện và phối hợp thực hiện một số chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nông thôn giai đoạn 2011-2020”.

Trong năm 2018, Hội Nông dân Việt Nam các cấp cũng tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ hội viên, nông dân phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập. Hội đã thực hiện hiệu quả hoạt động ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam giúp hơn 3,4 triệu hộ hội viên, nông dân vay vốn với tổng dư nợ tại 2 ngân hàng này lên tới hơn 144.200 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân do Hội Nông dân các cấp chủ trì xây dựng, phát triển trong năm 2018 cũng tăng trưởng khá tốt, đạt mức hơn 2.909 tỷ đồng, giúp xây dựng được hơn 15.529 mô hình liên kết sản xuất…

Năng lực phối hợp và các hoạt độ tư vấn, dịch vụ, hỗ trợ, dạy nghề của Hội Nông dân các cấp đã tác động tích cực đến 3 phong trào thi đua của Hội.

- Mặc dù năm qua là một năm thành công với nhiều kết quả ấn tượng, nhưng nông nghiệp, nông dân, nông thôn 

Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục rà soát các chính sách liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn để tham mưu với Đảng, Nhà nước xây dựng mới, sửa đổi, bổ sung các luật liên quan”.
đồng chí Thào Xuân sùng

được đánh giá là vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và còn không ít hạn chế. Vậy để lĩnh vực này phát triển mạnh mẽ, bền vững hơn, theo ông cần phải làm gì?

Kinh nghiệm hơn 30 năm đất nước tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện đất nước cho thấy, yếu tố số 1 thúc đẩy sáng tạo, động lực cho phát triển không phải là nguồn lực (tiền) mà là chính sách. Thành tựu hơn 30 năm đổi mới của chúng ta cũng là bắt đầu từ đổi mới tư duy về chính sách, xây dựng, ban hành chính sách.

Chính sách tốt sẽ huy động được nguồn lực tốt. Có khuôn khổ pháp lý tốt, thủ tục thông thoáng sẽ khuyến khích doanh nghiệp, nông dân năng động, sáng tạo và tự bản thân doanh nghiệp, nông dân sẽ nghĩ ra cách, xây dựng được phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Thế nên nói doanh nghiệp, người dân cần ở nhà nước cái đầu tiên là chính sách chứ không phải là nguồn lực hỗ trợ.

Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục rà soát các chính sách liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn như đất đai, vốn tín dụng, chuyển giao công nghệ, phát triển thị trường… để tham mưu với Đảng về xây dựng chủ trương, đề xuất Quốc hội xây dựng mới, sửa đổi, bổ sung các luật liên quan đến lĩnh vực này.

Những đề xuất, khuyến nghị về chính sách liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã được Hội Nông dân Việt Nam tích cực thực hiện trong năm 2018 thông qua việc góp ý các dự thảo chính sách, dự thảo các luật; tổ chức hội thảo chuyên đề, hội nghị sơ, tổng kết của Đảng, Chính phủ và các bộ, ngành; tổ chức Diễn đàn nông dân quốc gia lần thứ III; đặc biệt là cuộc Thủ tướng đối thoại với nông dân hồi tháng 5.2018 tại Hải Dương…

- Tại Đại hội VII Hội Nông dân Việt Nam, Chủ tịch có nêu mục tiêu phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh. Vậy, trong những năm tới, Hội có giải pháp gì để góp phần hướng đến mục tiêu này?

Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VII, nhiệm kỳ 2018-2023 diễn ra từ ngày 11.12 đến 13.12.2018 đã thành công tốt đẹp. Tại Đại hội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng, nêu bật, khẳng định vai trò, đóng góp to lớn của nông dân, Hội Nông dân Việt Nam trong các thời kỳ cách mạng. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã gợi ý và yêu cầu Hội Nông dân Việt Nam tập trung vào 4 vấn đề liên quan đến phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam.

Những giải pháp được Hội Nông dân Việt Nam đẩy mạnh thực hiện trong nhưng năm tới là nâng cao hiệu quả công tác tham mưu với Đảng; năng lực phối hợp với Chính phủ, các bộ, ban, ngành và địa phương trong việc xây dựng, tổ chức thực hiện các chính sách liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, hỗ trợ hội viên, nông dân kiên kết sản xuất, phát triển kinh tế tập thể gắn với chuỗi giá trị sản phẩm.

Hoạt động tư vấn, dịch vụ, hỗ trợ và dạy nghề cho hội viên, nông dân phải được nâng cao hiệu quả hơn nữa; tập trung vào phát triển, tăng trưởng bền vững nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân và vốn ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng NNPTNT.

Một trong những giải pháp được Hội Nông dân Việt Nam xác định là quan trọng-đó là tăng cường hợp tác quốc tế. Trong những năm tới, Hội Nông dân Việt Nam sẽ tiếp tục làm sâu sắc thêm mối quan hệ đối tác với các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp đến từ các nền kinh tế nông nghiệp phát triển như Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Xin cảm ơn Chủ tịch! 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem