Nữ thạc sỹ bỏ việc nghiên cứu về rốn phèn trồng hoa lan làm giàu

Nguyên Vỹ Thứ sáu, ngày 20/09/2019 19:10 PM (GMT+7)
Từ bỏ công việc trong viện nghiên cứu, thạc sỹ Trần Thị Ngọc Thảo mạo hiểm về vùng đất nghèo xã Đa Phước (huyện Bình Chánh, TP.HCM) để theo đuổi đam mê với cây lan Dendrobium. Đến nay, vườn lan của chị không chỉ là địa chỉ tin cậy để bà con nông dân trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật, mà còn là nơi hỗ trợ tích cực cho hội viên nông dân nghèo nâng cao thu nhập, xây dựng nông thôn mới (NTM).
Bình luận 0

Bỏ phố về với đất phèn

Chị Thảo kể bản thân vốn là thạc sĩ sinh học, có thâm niên 15 năm nghiên cứu trong Viện Nghiên cứu dầu thực vật. Cơ duyên đến với cây lan bắt nguồn từ chuyên ngành cấy mô mà chị theo đuổi từ khi học đại học cho đến khi về làm việc ở viện.

“Lúc này, tôi chủ yếu cấy mô cây dừa, cây tinh dầu, hương liệu…hời gian rảnh, tôi tập cấy mô hoa lan. Dần dần, tôi biết được đặc tính sinh trưởng và cách chăm sóc rồi đam mê lan từ lúc nào không biết” - chị Thảo kể.

Trong những chuyến công tác ở nước ngoài, chị đặc biệt ấn tượng với mô hình trồng hoa lan Dendrobium bằng công nghệ cao ở Thái Lan. Niềm đam mê phát triển mô hình hoa lan ở trong nước càng lúc càng cháy bỏng.

img

 Để nhân rộng và duy trì hiệu quả các mô hình trồng lan, chị Thảo hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho các vườn khác trong và ngoài xã.  Ảnh: Minh Anh

Năm 2019, chính quyền địa phương đã phối hợp với các vườn lan trên địa bàn xã, trong đó có vườn lan Sơn Hà, thành lập mới hợp tác xã hoa lan Đa Phước, gồm 7 thành viên. Sự ra đời của hợp tác xã này đã góp phần cùng địa phương hoàn thành nâng chất tiêu chí 13 về hình thức tổ chức sản xuất trong trong xây dựng NTM ở địa phương.

Cũng trong thời gian này, từ năm 2011, thành phố phát động mạnh mẽ phong trào toàn dân xây dựng NTM. Cùng với đó là nhiều chính sách về khuyến khích nông dân chuyển đổi cây trồng vật nuôi theo hướng nông nghiệp đô thị được đẩy mạnh.

Xã Đa Phước bấy giờ là một trong những xã nghèo của huyện Bình Chánh, nông dân sống chủ yếu bằng nghề thuần nông. Chị Thảo cho rằng, đối với vùng đất nhiễm phèn như xã Đa Phước, trồng cây lan Dendrobium là phù hợp nhất. Cây lan không phụ thuộc vào điều kiện thổ nhưỡng vì được đặt trên giàn cao và có hệ thống tưới phun tự động.

Năm 2012 là thời điểm bước ngoặt của gia đình chị Thảo, khi vợ chồng chị quyết định chuyển về xã Đa Phước sinh sống và đầu tư trồng lan tại đây.

Cùng hội viên làm giàu

Với tinh thần chịu khó, cùng sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, bước đầu, gia đình chị Thảo chuyển đổi 1.800m2 đất trồng lúa sang đất nông nghiệp khác với lượng giống 10.000 cây. Sau thời gian theo dõi, chăm sóc, cây lan Dendrobium sinh trưởng, phát triển tốt và cho thu nhập ổn định. Đến năm 2014, chị quyết định mở rộng diện tích lên 6.000m2 với khoảng 100.000 cây giống.

Nhận thấy nhu cầu về hoa lan Dendrobium rất lớn, nhất là vào các dịp lễ tết, vợ chồng chị tiếp tục mở rộng diện tích lên 12.000m2 vào năm 2016. Đến nay, vườn lan của gia đình chị đã có thể cung cấp ra thị trường khoảng 20.000 cành hoa và hơn 200.000 cây lan mỗi năm với hơn 40 màu các loại.

Hiện nay, sản phẩm hoa lan tại vườn hoa Sơn Hà của chị được phân phối cho hầu hết các tỉnh trong khu vực và cả thị trường phía Bắc. Mỗi ngày, vườn lan của chị bán ra thị trường khoảng 500 - 1.000 cây lan với giá trung bình 30.000 - 31.000 đồng/cây, cho thu nhập bình quân mỗi năm 80 triệu đồng/1.000m2.

Ông Hà Tấn Lộc - Bí thư xã Đa Phước cho biết, vườn lan Sơn Hà còn đang giải quyết việc làm cho 12 - 15 lao động với mức thu nhập mỗi tháng từ 4 - 6 triệu đồng. Mô hình này không chỉ góp phần nâng cao thu nhập và tạo công ăn việc làm ổn định cho một số lao động nông thôn, mà còn giúp người dân đổi mới cách làm nông nghiệp, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế và sự phát triển của địa phương.

Theo ông Nguyễn Thanh Bạch - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bình Chánh, số hộ trồng hoa lan trên địa bàn xã Đa Phước tăng lên theo từng năm. Từ 2 - 3 hộ trong những năm 2013 - 2014, đến nay đã phát triển trên 7 hộ với quy mô và diện tích các vườn lan trên địa bàn xã luôn tăng.

Ông Nguyễn Thanh Bạch cho biết, trong quá trình xây dựng NTM nhiều năm qua, trên địa bàn đã xuất hiện mô hình chuyển đổi cho hiệu quả kinh tế cao, trong đó có nhiều mô hình trồng lan thu lãi 700 - 800 triệu/năm. Điển hình như chị Thảo hiện vừa là Ủy viên thường vụ Hội Nông dân xã Đa Phước, vừa là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương với mô hình trồng và kinh doanh hoa lan.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem