Nữ thủ lĩnh nơi núi rừng

Khải Huyền Thứ năm, ngày 12/05/2016 19:00 PM (GMT+7)
Với quyết tâm học cách trồng trọt, chăn nuôi có khoa học, người phụ nữ Thái tên Vi Thị Thanh đã thay đổi hoàn toàn cuộc sống của bản thân và gia đình. Trước đây, chị từng là người tha phương cầu thực, phải chật vật kiếm ăn từng bữa.
Bình luận 0

2 lần chuyển nhà, 2 cuộc đời mới

Từ thị xã Gia Nghĩa, đoàn chúng tôi quanh co uốn lượn theo sườn núi thêm gần một tiếng đồng hồ, đến thăm chị Vi Thị Thanh (ở thôn 4, xã Đăk R’Măng, huyện Đăk G’Long, tỉnh Đăk Nông). Là người Thái, gốc ở Thanh Hóa, gia đình cùng cực, khó khăn chồng chất, chị cùng chồng chuyển vào Bình Phước tìm kế sinh nhai. Không hợp đất, hợp người, dù rất cố gắng nhưng cuộc sống của chị Thanh và gia đình cũng không khá hơn là mấy.

Đến năm 2007, chị Thanh một lần nữa chuyển nhà, lên vùng cao Đăk G’Long. Hai lần chuyển nhà là hai lần chị phải làm lại từ đầu. Lạ nước, lạ cái, lại không có bà con thân thuộc, vợ chồng gom góp mua được gần 3ha đất để canh tác. Đất dốc và rất xấu, chị Thanh vật vã phát lồ ô rồi trồng mì (sắn) nhưng thu lại chẳng bao nhiêu. Mỗi lần thu hoạch mì phải gùi từng gùi từ trên dốc xuống, đứt cả hơi. Có lúc thu hoạch xong lại chẳng biết bán cho ai…

img

 Chị Vi Thị Thanh (phải) hướng dẫn thành viên trong tổ trị bệnh rệp sáp trên cây cà phê. Ảnh: K.H

Đến khi trồng cà phê, chị Thanh cũng chỉ biết trồng “chay”, như kiểu chị giải thích: “Mình cuốc hố xuống, cho cây xuống rồi cho nó tự lên”. Vì trồng “chay” nên năng suất rất thấp, chỉ 1 – 2 tấn/ha.

Đến năm 2012, khi Dự án “Nâng cao vị thế và tiếng nói của người dân tộc thiểu số tại huyện Đăk G’Long” do Oxfam, Trung tâm Nâng cao năng lực cộng đồng (CECEM) và chính quyền địa phương phối hợp thực hiện. Chị Thanh lân la hỏi thăm, rồi tham dự các buổi họp về việc thành lập tổ, nhóm hợp tác, học phát triển kinh tế tập thể…

“Ban đầu là được đi tập huấn kỹ thuật trồng cà phê, học ghép cành, chiết nhánh, học tính toán đầu tư cho có lợi… Trước đây, nhà chỉ trồng cà phê “chay” nhưng bây giờ biết kỹ thuật rồi, phải cung cấp đủ dinh dưỡng cho cây, phòng bệnh trị bệnh… nên được hơn 4 tấn/ha”- chị Thanh kể lại.

“Cây trồng cũng như con người, không được để nó suy dinh dưỡng. Bây giờ mỗi lần trồng cây mới, không có tiền cũng phải vay mượn để bón lót cho cây, xử lý mầm bệnh bằng cách rắc vôi bột, bón thêm phân chuồng…”- chị Thanh chia sẻ.

Từ năm 2012 đến nay, chỉ sau hơn 3 năm quyết tâm thay đổi cuộc sống, tích cực tham gia các nhóm tập huấn về kỹ thuật trồng cà phê cũng như đi tham quan các mô hình cà phê bền vững trong khu vực, chị Thanh đã thực sự làm chủ được cuộc sống. Chị còn trồng xen cây bơ, sầu riêng, tiêu để tạo tán râm cho vườn cà phê, đồng thời cải thiện thêm thu nhập.

“Mình cũng không sợ bệnh hại cây cà phê nữa, vì đã biết cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật chính xác, với hàm lượng hợp lý, biết cách hái cà phê đủ độ chín để tăng thêm sản lượng… Những việc này trước đây 3 năm mình không hề biết…”- chị Thanh bẽn lẽn.

Nữ thủ lĩnh nơi núi rừng

Từng bước thoát nghèo nhờ nắm vững kiến thức nông nghiệp, lại thêm sự động viên của Hội Nông dân huyện Đăk G’Long, chị Thanh đứng ra làm Nhóm trưởng nhóm Bình Phú, nay là Tổ hợp tác Bình Phú ở xã Đăk R’Măng (huyện Đăk G’Long, Đăk Nông) với 10 hộ tham gia, trong đó có 7 hộ là người Thái, Tày, M’Nông…

Một nhóm hợp tác chỉ với 20 thành viên mà có đến 14 người là dân tộc thiểu số di cư từ khắp nơi trên cả nước khiến việc hướng dẫn, điều hành không hề dễ dàng. Ấy thế mà, chị Thanh được sự ủng hộ tất cả các thành viên trong nhóm. Đầu năm 2016, cả nhóm đã cùng đặt mục tiêu tới năm 2018 sẽ có được chứng chỉ sản xuất cà phê bền vững.

Không chỉ dừng lại ở việc trồng cà phê, nuôi gà, mới đây, “chị Thanh tổ trưởng” còn mày mò tìm hiểu các mô hình kinh tế phù hợp, hướng dẫn các thành viên cùng làm giàu. Dù chưa bao giờ đi một mình xuống TP.HCM, ấy thế mà mới đây, chị đã mạnh dạn lần theo hướng dẫn của một cơ sở thu mua gà, lặn lội khăn gói xuống tận TP.HCM. Chị đi tham quan thực tế năng lực sản xuất, thu mua và thực hiện ký kết hợp tác với một cơ sở giết mổ gia cầm ở quận 12, TP.HCM, tiêu thụ gà cho cả nhóm.

img

Chị Thanh chăm sóc đàn gà thịt của gia đình.  Ảnh: K.H

Chị Thanh kể, ngoài trồng trọt, các thành viên trong nhóm cũng nuôi gà, nuôi heo để cải thiện cuộc sống. Thế nhưng, từ việc nuôi cho đến tiêu thụ đều rất bấp bênh. Bà con dân tộc thiểu số giữ thói quen lâu lâu đi bán một vài con gà, chỉ kiếm được vài chục nghìn đồng nhưng lại tốn cả ngày di chuyển. Ngoài ra, việc nuôi số lượng nhỏ, không kiểm soát dịch bệnh nên hiệu quả kinh tế không cao.

Sau chuyến đi TP.HCM của chị Thanh, lần đầu tiên cả 7 hộ nông dân tại xã Đăk R’Măng đã cùng gom gà lại với nhau, bán một lần đến gần 1.800 con, giá bán thời điểm rẻ nhất cũng được 70.000 đồng/kg. Riêng chị Thanh, hiện tại đang nuôi 500 con gà thịt. Sau 3 tháng chăm sóc, trừ các khoản chi phí đầu tư, chị cũng thu được khoản lời hơn 10 triệu đồng. Chị cũng tự đi tìm nguồn con giống tốt, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y… để cung cấp cho các thành viên trong tổ với giá thấp hơn giá thị trường.

“Sau 4 năm tham gia nhóm, giờ mình tự tin lắm! Mình có thể đàm phán giá cả với bên mua, tự tin đầu tư nuôi gà và hướng dẫn các tổ viên trong nhóm nuôi gà khỏe, mau lớn. Nhóm mình có nhiều dân tộc lắm, Thái, Tày, M’Nông, Mạ… nhưng ai cũng hòa thuận, ham học hỏi nên giờ kinh tế cũng khá hơn rồi. Quan trọng nữa là mình có kiến thức và tự tin giao tiếp bằng tiếng phổ thông!”, chị Vi Thị Thanh – Tổ trưởng Tổ hợp tác Bình Phú chia sẻ.

Ông Lê Quang Dần – Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk Glong (tỉnh Đăk Nông) nhận xét, tỉnh Đăk Nông có đến 26 cộng đồng dân tộc thiểu số cùng sinh sống, việc này gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý, phát triển kinh tế của địa phương. Nguyên nhân là do các cộng đồng khác nhau có tập quán sinh sống khác nhau, khó gắn kết, hợp tác.

Thế nhưng, chị Thanh đã làm được thành tích ngoài mong đợi. Vừa là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, chị Thanh còn là thủ lĩnh được bà con nông dân mến mộ. Nhiều hộ trong và ngoài xã đã không ngại tìm tới chị Thanh để học hỏi kinh nghiệm xử lý sâu bệnh trên cây cà phê hay học cách chăn nuôi gà giỏi.

Người giữ hồn văn hóa núi rừng

Không chỉ trồng cà phê, nuôi gà giỏi, chị Thanh còn được nhắc đến như người lưu giữ những truyền thống văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện. Cùng các thành viên trong Tổ hợp tác Bình Phú, chị Thanh tổ chức những buổi giao lưu văn hóa, văn nghệ giữa các dân tộc, tổ chức ngày hội “Chúng tôi có thể, chúng tôi tự hào” với sự tham gia của 5 tỉnh Tây Nguyên. Qua đó, cộng đồng các dân tộc thiểu số cùng giao lưu, trình diễn những điệu múa, điệu hò với trang phục truyền thống, thi nấu món ăn dân tộc… Chị Thanh cũng thường xuyên khuyến khích các gia đình dân tộc Thái, Tày, Mạ… truyền dạy các con văn hóa dân tộc mình, không để cuộc sống nơi xứ người làm mai một.

img

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem