Nước mắt trên cánh đồng... khát

Anh Thơ Thứ năm, ngày 29/08/2019 20:45 PM (GMT+7)
Nắng nóng, khô hạn kéo dài, trong khi các hồ chứa trên địa bàn hầu như đã xuống dưới mực nước chết khiến việc sản xuất lúa của nông dân nhiều địa phương ở Thừa Thiên - Huế gặp rất nhiều khó khăn, nông dân cố đô đã có một vụ hè thu thực sự nhọc nhằn.
Bình luận 0

Đất khát

Khi tôi ngỏ ý muốn “tận mục sở thị” những cánh đồng cháy khô vì 7 - 8 tháng  thiếu nước, ông Hoàng Hữu Vinh - Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp Phổ Lại, xã Phong Sơn (huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế) thở dài: “Thôi đi ra làm gì, nhìn lại xót ruột”.

img

 Ông Nguyễn Khuân, thôn Phổ Lại, xã Phong Sơn (Phong Điền, Thừa Thiên - Huế) thẫn thờ bên đám lúa cháy.  Ảnh: A.T

19.180ha diện tích gieo trồng ở Bắc Trung Bộ thiếu nước
Theo Tổng cục Thủy lợi, vụ hè thu năm 2019, diện tích gieo trồng theo kế hoạch vùng Bắc Trung Bộ là 468.398ha. Đến nay, tổng diện tích đang bị hạn hán, thiếu nước toàn khu vực là 19.180ha, trong đó, tỉnh Nghệ An có 12.387ha ; tỉnh Quảng Bình cũng có tới 2.390ha bị hạn hán, thiếu nước.
Tổng cục Thủy lợi cho biết dự báo, đến cuối mùa khô sẽ có khoảng 52.180ha diện tích tại các tỉnh khu vực này bị hạn hán, thiếu nước, trong đó tỉnh Thanh Hóa khoảng 10.000ha, Nghệ An 22.000ha, Hà Tĩnh 1.200ha, Quảng Bình 4.500ha Quảng Trị 2.900ha, Thừa Thiên - Huế 2.580ha, Bình Định 9.000ha.
Để giảm thiểu thiệt hại do ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước, bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt cho người dân, Tổng cục Thủy lợi đã có văn bản đôn đốc Sở NNPTNT các tỉnh khu vực Trung Bộ, đề nghị tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, thường xuyên kiểm kê nguồn nước cung cấp cho sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt trên địa bàn, khoanh vùng cụ thể các diện tích có nguy cơ bị hạn hán, thiếu nước, xây dựng kế hoạch cấp nước cụ thể cho từng vùng phục vụ của công trình thủy lợi…    

P.V

Nói vậy, nhưng ông Vinh vẫn lấy xe đưa chúng tôi đi ra cánh đồng trù phú bậc nhất xã Phong Sơn, hai bên đường những bàu sen cạn khô, lộ đáy đã nứt toác, từng đám lá cháy khô, chỉ còn lại mấy bông sen cố hồng rực trên bùn đất trước khi tàn lụi.

Đứng giữa đám lúa lơ thơ, bông dựng thẳng đứng, hạt thâm đen, ông Nguyễn Khuân, thôn Phổ Lại than thở: “Đã 7 - 8 tháng nay, trời không có giọt mưa nào, các hồ chứa trong vùng cũng cạn khô nên lúa không đủ nước để trổ bông, chắc hạt. Đám lúa này coi như mất trắng, có thu hoạch cũng chỉ để cho gà ăn”.

Được biết, gia đình ông Khuân có 15.000m2 lúa hè thu, khô hạn khốc liệt trong 10 năm trở lại đây khiến gần 10.000m2 mất trắng, còn lại chỉ thu hoạch được 30 - 70%. “Mọi năm, năng suất lúa nhà tôi luôn đạt 2,5 - 3 tạ/sào nhưng vụ này chỉ đạt 50 - 60kg, thương lái nhìn lúa cũng quay lưng đi luôn, không thèm trả giá” - ông Khuân nói.

Để trồng 15.000m2 lúa vụ hè thu, riêng lúa giống, ông Khuân đã phải đầu tư gần 1 tạ, chưa kể 4 tạ phân ure, 2 tạ kali, 6 tạ lân đã ném xuống ruộng với hy vọng sẽ có một vụ mùa bội thu.

Ông Hoàng Hữu Vinh cho biết, năm nào thôn Phổ Lại cũng gặp hiện tượng hạn nhưng chưa bao giờ tình trạng hạn hán lại khốc liệt như năm nay, 7 - 8 tháng trời không hề có một giọt mưa.

“HTX có 45ha diện tích lúa hè thu, trong đó có trên 28ha bị mất trắng, 12ha chỉ thu được khoảng 30 - 70%. Những năm trước, vào thời điểm này, cánh đồng của thôn vàng óng một mùa lúa chín, no ấm và trù phú vô cùng, năm nay thì chỉ còn những đám lúa phất phơ, bông không thể chắc hạt, vào mẩy do thiếu nước trầm trọng” - ông Vinh thở dài.

Tình trạng hạn hán, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất lúa vụ hè thu cũng xảy ra ở xã Phong Xuân (huyện Phong Điền). Ông Trần Văn Toàn – Phó Chủ tịch UBND xã Phong Xuân cho biết, cả xã có 390ha lúa vụ hè thu, phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nước hồ Hòa Mỹ. Nhưng năm nay ít mưa, hạn hán kéo dài, hồ cũng xuống dưới mực nước chết nên nhiều diện tích lúa của xã bị khô cháy.

“Chúng tôi đã dùng máy bơm dã chiến bơm theo lứa cho 150ha, còn 240ha thì không thể cứu vãn nổi, coi như mất trắng, diện tích còn lại chỉ thu được 30%. Chưa năm nào tôi thấy tình trạng hạn hán khốc liệt như năm nay, đã bước sang tháng 9 mà trời không có một giọt mưa, không chỉ lúa, nhiều diện tích bưởi da xanh của xã cũng bị ảnh hưởng” - ông Toàn cho biết.

Hồ trơ đáy

Hồ Hòa Mỹ (xã Phong Mỹ) có tổng dung tích thiết kế 9,6 triệu m2, đảm bảo tưới tiêu cho 2.200ha cây trồng của các địa phương trong huyện Phong Điền. Nhưng do thời tiết khắc nghiệt, lượng mưa thấp hơn trung bình nhiều năm nên hiện nay hồ gần như trơ đáy, đã có 500ha lúa bị mất trắng do nước của hồ không thể vươn tới được.

Ông Hoàng Ngọc Luyến - Trạm trưởng Trạm Hòa Mỹ (Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Thừa Thiên - Huế) thừa nhận, chưa khi nào tình trạng hạn hán lại khốc liệt như năm nay. Mọi năm vào mùa khô nước hồ có cạn nhưng vẫn đảm bảo đủ nước tưới cho cây trồng nhưng năm nay, đã nhiều tháng qua hồ cạn trơ đáy, hàng loạt địa bị ảnh hưởng, năng suất lúa giảm đáng kể.

Còn theo ông Hoàng Hữu Vinh, để cứu những cánh đồng màu mỡ ở Phổ Lại, HTX đang rất cần được đầu tư một trạm bơm treo, chủ động cung cấp nước cho toàn vùng. “Chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần nhưng vẫn chưa thấy hồi âm” - ông Vinh cho biết thêm.

Ông Đặng Văn Hòa - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở NNPTNT Thừa Thiên - Huế) cho biết, địa phương đang đau đầu vì vụ hè thu vừa qua, rất nhiều hồ chứa trên địa bàn xuống dưới mực nước chết.

“Ngay khi ngành khí tượng thủy văn dự báo năm 2019, nắng nóng, hạn hán có thể kéo dài, ngành nông nghiệp tỉnh đã chủ động chuyển đổi 3.000ha sản xuất lúa không thể chủ động được nước tưới sang các cây trồng khác nhưng do hạn hán quá khốc liệt, cả tỉnh vẫn có khoảng 2.500 - 3.000ha lúa bị ảnh hưởng nghiêm trọng hoặc mất trắng hoàn toàn” - ông Hòa nói.

Trong khi đó, ông Dương Đức Hoài Khánh - Giám đốc Công ty TNHH MTV Công ty Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Thừa Thiên - Huế lại lo lắng, nhiều hồ trên địa bàn ở dưới mực nước chết trong thời gian dài, kết cấu của đất có thể thay đổi, không còn bền vững, sắp tới vào mùa mưa lũ có thể xảy ra hiện tượng sạt lở.

“Hiện, chúng tôi đang tập trung lực lượng kiểm tra, rà soát lại tất cả các công trình hồ chứa, đập thủy điện trên địa bàn, để đảm bảo an toàn hồ chứa; nạo vét, tôn tạo bờ để chuẩn bị cho mùa mưa bão sắp đến” - ông Khánh nói.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem