Nuôi cá sạch cho thu nhập cao

Thứ bảy, ngày 04/02/2012 07:15 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Dự án phát triển nuôi các đối tượng cá truyền thống và cá hồ chứa do Trung tâm Hỗ trợ ND T.Ư Hội NDVN, Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Hỗ trợ ND, Hội ND tỉnh Thanh Hóa triển khai ở xã Thọ Nguyên, huyện Thọ Xuân đã đem lại hiệu quả cao.
Bình luận 0

Chúng tôi có mặt ở xã Thọ Nguyên (Thọ Xuân, Thanh Hóa) khi đoàn nghiệm thu của T.Ư Hội NDVN và Hội ND xã Thọ Nguyên đang nghiệm thu vụ cá đầu tiên áp dụng mô hình nuôi cá đối tượng năm 2011.

img
Ao cá của gia đình gia đình chị Lê Thị Lý.

Tuân thủ quy trình

Mô hình được triển khai tháng 6.2011, với 5 hộ tham gia, canh tác trên tổng diện tích 2ha mặt nước. Đối tượng nuôi là cá rô phi đơn tính nuôi theo quy trình VietGap cùng với các loại cá truyền thống trắm, trôi, chép, mè.

Ông Lê Bá Ngọc - Chủ tịch Hội ND xã Thọ Nguyên cho biết: Trước khi triển khai dự án, Hội ND xã đã khảo sát để chọn hộ các hộ có kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi cá tham gia mô hình. Ban Quản lý dự án cùng với Hội ND tỉnh tổ chức 2 đợt tập huấn cho ND về kỹ thuật nuôi cá, khử trùng ao, cho cá ăn, cách phòng trừ một số bệnh thường gặp của cá. Kết quả nghiệm thu, tỷ lệ cá sống đạt 80% kế hoạch, năng suất cá đạt 9,5 tấn/ha, cá có trọng lượng khoảng 600-700g/con.

Ông Nguyễn Văn Vinh- Phó Giám đốc Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Hỗ trợ ND tỉnh Thanh Hóa cho biết: Các hộ tham gia dự án phải tuân thủ đúng quy trình VietGap từ khâu chọn giống đến chăm sóc, phòng trừ bệnh; được hỗ trợ 100% giống (hơn 60.000 con cá giống các loại), 30% thức ăn (6.000kg thức ăn) và thuốc phòng chữa bệnh cho cá.

Hiệu quả cao

Là 1 trong 5 hộ tham gia dự án anh Lê Công Hải thôn Đồng Dọc (Thọ Nguyên) kể: “Gia đình tôi đăng ký nuôi trên diện tích 0,4ha, được Dự án hỗ trợ 12.000 con giống, 1.350kg thức ăn, 5kg hóa chất. Trước khi nuôi được tập huấn kỹ thuật. Điều quan trọng, thị trường tiêu thụ cá sạch rất lớn. So với mô hình cũ, nuôi cá theo mô hình mới hiệu quả hơn hẳn". Vụ cá vừa qua gia đình anh thu hoạch 3,8 tấn, trừ chi phí lãi hơn 18 triệu đồng.

"Với 0,4ha nuôi cá theo quy trình VietGAP, vụ cá đầu tiên vừa thu hoạch đã đem về cho gia đình chị Lê Thị Lý gần 20 triệu đồng. Có tiền, chị dự định vụ tới sẽ mở rộng quy mô nuôi cá theo quy trình VietGAP".

Cùng là hộ tham gia dự án, chị Lê Thị Lý, thôn Đồng Dọc chia sẻ: “Trước đây gia đình tôi nuôi cá theo phương pháp truyền thống nên năng suất thấp, cá dễ mắc bệnh, nhất là những khi thời tiết thay đổi". Với 0,4ha nuôi cá theo quy trình VietGAP, vụ cá đầu tiên vừa thu hoạch đã đem về cho gia đình chị gần 20 triệu đồng. Có tiền, chị dự định vụ tới sẽ mở rộng quy mô nuôi cá theo quy trình VietGAP.

Theo ông Vinh, trước đây nuôi cá ở Thọ Nguyên mang tính tự cung tự cấp, chưa có khả năng tạo ra ngành nghề cho nông thôn. Dự án nuôi các đối tượng cá truyền thống và cá hồ chứa đã giúp ND thay đổi cách nuôi, từ đó hình thành vùng nuôi cá sạch, từ đó giúp ND tăng thu nhập. Đây cũng chính là mục đích của dự án.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem