Nuôi nhốt những loài "thủy quái" trong lồng, thu hàng trăm triệu

Thứ hai, ngày 18/03/2019 13:10 PM (GMT+7)
Tận dụng mặt nước hồ thủy điện mênh mông, nhiều hộ dân ở huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang đã nuôi nhốt nhiều loài cá đặc sản như cá chiên, cá bỗng, cá lăng trong lồng bè. Đây là những loài cá đặc sản một thời có nhiều trên sông Lô, nhiều con to hàng chục kg và người dân gọi là "thủy quái". Giờ đây, những loài "thủy quái" này đang mang lại thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi năm cho các hộ nuôi cá.
Bình luận 0

Huyện Chiêm Hóa (tỉnh Tuyên Quang) hiện có 930 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản. Trong 6 năm trở lại đây, khi Nhà máy Thủy điện ICT Chiêm Hóa đi vào hoạt động, nhiều hộ dân tại các xã ven sông như Yên Nguyên, Yên Lập, Ngọc Hội đã tập trung phát triển chăn nuôi cá lồng với các giống cá chiên, cá lăng, cá bỗng mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

img

Ông Nguyễn Văn Vang (bên trái), thôn Hợp Long 2, xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa) kiểm tra cá chiên-1 trong những loài cá đặc sản trước khi xuất bán.

Với lợi thế phát triển chăn nuôi thủy sản, từ năm 2015, huyện đã xây dựng Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2016 - 2020, trong đó tập trung phát triển nghề nuôi cá lồng với các loài cá đặc sản như cá chiên, cá lăng, cá bỗng.

Ông Ma Phúc Khứu, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Chiêm Hóa khẳng định, nghề nuôi cá đặc sản trong lồng trên vùng lòng hồ thủy điện Chiêm Hóa là hướng đi đúng, mang lại nguồn thu nhập khá cho người dân. Toàn huyện hiện có trên 600 lồng cá, giải quyết được nhiều việc làm cho người lao động.

Xã Yên Nguyên hiện có 12 ha mặt nước để phát triển nghề nuôi cá lồng với giống cá chủ yếu là cá chiên. Toàn xã hiện có 60 lồng cá của 30 hộ dân tại thôn Hợp Long 2. Xã đã thành lập Tổ hội nghề cá lồng Hợp Long 2 và đưa cá chiên vào thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm chủ lực”.

Anh Vũ Công Đoàn, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Năm 2015, từ nguồn vốn xây dựng nông thôn mới, xã hỗ trợ cho mỗi hộ có nhu cầu nuôi cá số tiền 20 triệu đồng để làm lồng nuôi cá.

Ông Nguyễn Văn Vang, thôn Hợp Long 2, xã Yên Nguyên đã có 8 năm nuôi cá lồng. Gia đình ông hiện có 4 lồng cá chiên, mỗi năm trừ chi phí thu lãi trên 100 triệu đồng từ bán cá. Ông chia sẻ, ông được tập huấn kiến thức về nhận biết bệnh, kỹ thuật nuôi nên đàn cá không bị dịch bệnh, phát triển tốt.

Nhằm tận dụng tối đa diện tích mặt nước để phát triển thủy sản, Phòng Nông nghiệp huyện Chiêm Hóa chủ động phối hợp với Trung tâm Thủy sản tỉnh Tuyên Quang thực hiện mô hình nuôi cá ruộng gắn với chế biến mắm cá tại xã Kim Bình và Tân An, quy hoạch vùng nuôi, ươm cá giống tại các xã Minh Quang, Hòa An, Ngọc Hội...

Năm 2018, sản lượng cá giống tại các xã này đạt trên 2 triệu con, đa số là các loài cá trắm, rô phi, chép, đáp ứng tại chỗ yêu cầu về con giống cho người dân.

Xã Yên Lập có 100 ha mặt nước, những năm gần đây nghề nuôi cá lồng phát triển mạnh. Toàn xã có 90 lồng cá các loại như trắm cỏ, rô phi và cá đặc sản như cá lăng, cá bỗng, cá chiên. Chị Đỗ Thị Hằng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Yên Lập cho biết, hàng năm sản lượng cá của xã đạt gần 200 tấn, tổng thu trên 10 tỷ đồng. Hiện nay, xã đang vận động nhân dân tăng số lượng đàn, phát triển chăn nuôi thủy sản theo hướng hàng hóa.

Anh Hà Minh Giang, thôn Nà Tiệng, xã Yên Lập là một trong những người đầu tiên của xã nuôi cá tại khu vực eo ngách của lòng hồ. Năm 2015, anh đã vay 50 triệu đồng của Ngân hàng Nông nghiệp huyện đầu tư lồng nuôi cá bỗng, mỗi năm gia đình anh thu nhập trên 100 triệu đồng.

Phát triển chăn nuôi nghề cá đã tạo ra lợi thế để huyện Chiêm Hóa đa dạng các ngành nghề, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động, nâng cao đời sống nhân dân.

Lê Duy (Báo Tuyên Quang)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem