Phân bón là thức ăn của cây

Thứ ba, ngày 25/10/2011 07:54 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Phân bón có vai trò rất quan trọng với cây trồng. Nó cung cấp, bổ sung thêm các chất dinh dưỡng cần thiết cho cây phát triển mà nếu chỉ lấy từ đất thì không đủ cho cây.
Bình luận 0

Có thể nói phân bón chính là thức ăn nuôi sống cây trồng. Bón phân cân đối và hợp lý sẽ giúp tăng năng suất và chất lượng nông sản, như tăng hàm lượng chất khoáng, protein, đường và vitamin cho sản phẩm. Nhờ đó thu nhập của người trồng trọt cũng được tăng lên. Tuy nhiên, nếu thiếu chất dinh dưỡng, hoặc bón quá nhiều và không cân đối cũng có thể làm giảm năng suất và chất lượng nông sản.

Bón phân còn làm tăng độ phì nhiêu cho đất, giúp đất tốt và cân đối hơn, đặc biệt phân hữu cơ và vôi là biện pháp cải tạo đất hữu hiệu. Việc sử dụng chất phế thải trong các hoạt động đời sống của người và động vật, chất phế thải của công nghiệp để làm phân bón cũng đã góp phần hạn chế những tác nhân gây ô nhiễm môi trường.

Nhưng nếu bón phân không hợp lý, không đúng kỹ thuật có thể làm cho đất xấu đi hoặc gây ô nhiễm môi trường. Phân hữu cơ có thể tạo ra nhiều các chất CH4, CO2, NH3, NO3, còn phân vô cơ thì tạo ra nhiều đạm ở thể khí có thể làm đất trở nên độc với cây trồng và ô nhiễm không khí, nguồn nước.

Việc sử dụng phân bón còn có tác động đến các biện pháp kỹ thuật khác và ngược lại. Chẳng hạn sử dụng giống mới cần kết hợp với bón phân hợp lý và đầy đủ. Hay chế độ nước không thích hợp hoặc kỹ thuật làm đất kém có thể làm giảm từ 10 - 20% hiệu lực phân bón.

Như vậy cụ thể cây trồng cần bón những chất gì?

Cho đến nay người ta đã xác định được 92 nguyên tố hóa học có trong cây, trong đó có 13 nguyên tố được coi là thiết yếu, cần được cung cấp qua phân bón, được chia thành 3 nhóm sau:

- Nhóm dinh dưỡng đa lượng: Gồm 3 chất cây cần với số lượng nhiều là đạm (N), lân (P) và kali (K).

- Nhóm dinh dưỡng trung lượng: Gồm 3 chất cây cần với số lượng trung bình là Canxi (Ca), Magiê (Mg) và Lưu huỳnh (S).

- Nhóm dinh dưỡng vi lượng: Gồm 7 chất cây cần với lượng ít là Sắt (Fe), Kẽm (Zn), Mangan (Mn), Đồng (Cu), Bo (B), Molypden (Mo) và Clo (Cl).

Ngoài ra, một số chất như Natri (Na), Silic (Si), Coban (Co), Nhôm (Al) không phải là những chất thiết yếu nhưng là những nguyên tố có lợi cho một số cây. Natri có thể thay thế Kali đối với cây dừa. Coban có lợi cho cố định đạm ở cây họ đậu. Nhôm cần cho cây chè. Silic làm biểu bì lá lúa dày cứng hơn giúp tăng sức chống bệnh đạo ôn.

(Trung tâm Nghiên cứu Đất – Phân bón & Môi trường phía Nam)

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem