Phát triển đặc sản nông nghiệp đi đôi giữ gìn văn hóa bản địa

Trần Quang Thứ tư, ngày 27/02/2019 06:10 AM (GMT+7)
Đó là quan điểm và chia sẻ của các đại biểu trong buổi làm việc giữa đoàn công tác của Thường trực T.Ư Hội NDVN, lãnh đạo Tập đoàn nông nghiệp Vạn Thịnh Phát và Công ty CP Đầu tư và phát triển Sunny World với lãnh đạo tỉnh Sơn La về việc đầu tư phát triển nông nghiệp tại địa phương này.
Bình luận 0

Tạo lợi ích cho người dân

Trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Sơn La và các ban, ngành của địa phương này ngày 25.3, đồng chí Thào Xuân Sùng -  Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN, trưởng đoàn công tác nghiên cứu, khảo sát nông nghiệp các tỉnh Tây Bắc, cho hay: Là vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao khoảng 28%, hiện việc canh tác ở các tỉnh Tây Bắc vẫn còn rất lạc hậu, nông dân còn sản xuất nhỏ lẻ, manh mún. Vì thế, trong chuyến công tác dài ngày lần này, đoàn rất muốn trải nghiệm thực tế và thăm những vùng sản xuất nông sản đặc sản của các địa phương vùng Tây Bắc mong tìm ra cho mình hướng đầu tư hiệu quả nhất có thể nhằm tiến tới giúp thay đổi toàn diện bộ mặt sản xuất, nông thôn và nâng cao thu nhập cho người dân nơi đây.

img

Đoàn công tác thăm quan khu sản xuất chè Shan tuyết cổ thụ ở một công ty chè ở xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên (Sơn La).  Ảnh: Trần Quang

"Sau chuyến công tác này, T.Ư Hội ND Việt Nam sẽ thành lập các tổ công tác đặc biệt do các Phó Chủ tịch của Hội làm tổ trưởng để cùng phối hợp các tổ công tác của các địa phương và doanh nghiệp tiến hành thực hiện các công tác đầu tư vào các tỉnh vùng Tây Bắc một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất có thể”.

Đồng chí Thào Xuân Sùng

Trao đổi với lãnh đạo tỉnh Sơn La, lãnh đạo của Tập đoàn nông nghiệp Vạn Thịnh Phát cho hay: “Trong chuyến công tác đồng hành với Hội NDVN lần này tại các tỉnh Tây Bắc, chúng tôi mong muốn tìm kiếm cơ hội đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp sạch và nông nghiệp công nghệ cao nhằm gắn kết lợi ích của doanh nghiệp với địa phương và bà con. Qua đó, chúng tôi mong muốn hỗ trợ bà con cải thiện đời sống và an tâm sản xuất”. Cùng quan điểm, ông Lê Anh Hào - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và phát triển Sunny World cho biết: "Trong các dự án đầu tư của mình, chúng tôi luôn ưu tiên việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa địa phương".

Ông Lê Anh Hào cho biết thêm, hiện nay, đơn vị của ông đã xây dựng được gian hàng quảng bá sản phẩm đặc trưng của Việt Nam tại Trung tâm Hàng hóa Greenland ở Thượng Hải, Trung Quốc (Vietnam Hub) và được các cơ quan, bộ, ngành của Việt Nam đến thăm đánh giá rất cao cách làm này.

"Trong thời gian tới, công ty sẽ đẩy mạnh việc này cùng với việc xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá thêm các sản phẩm đặc trưng của nước ta nhằm tìm kiếm các nhà tiêu thụ tiềm năng phục vụ việc xuất khẩu sản phẩm nông sản trong nước"- ông Lê Anh Hào nhấn mạnh.

Trước mong muốn của các doanh nghiệp, đồng chí Thào Xuân Sùng mong muốn tỉnh Sơn La và các vùng Tây Bắc tạo mọi điều kiện, nhất là về chính sách, quỹ đất...  để các doanh nghiệp sớm đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là khâu yếu thế của các vùng ở đây là chế biến, bảo quản sau thu hoạch và tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm nông sản đặc sản.

Hỗ trợ hết mức để thu hút đầu tư

Theo Bí thư Tỉnh ủy Sơn La Hoàng Văn Chất, Sơn La luôn mở rộng cánh cửa cho các nhà đầu tư, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thân thiện, hướng đến doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến tìm hiểu, triển khai các dự án trên các lĩnh vực nhằm tận dụng các lợi thế sẵn có của địa phương.

"Đến nay tỉnh đã thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp với 4 sản phẩm chính là chanh leo, xoài, nhãn, chè..."- ông Hoàng Văn Chất nói.

Thống kê toàn tỉnh, Sơn La hiện có 360.000ha đất nông nghiệp canh tác các loại rau, quả nhiệt đới, cận ôn đới, đặc biệt là các loại rau, củ, quả trái mùa. Hiện nay, tỉnh có trên 50.000ha cây ăn quả gồm nhãn, xoài, chanh leo, bơ, na, chuối, hồng giòn, cam, bưởi, mận, sơn tra... Năm 2018, ước tổng sản lượng đạt 250.000 tấn quả. Dự kiến, đến năm 2020, tỉnh có 100.000ha cây ăn quả, sản lượng trên 1,1 triệu tấn.

"Nhờ làm tốt công tác xây dựng thương hiệu, sản xuất theo tiêu chuẩn và đẩy mạnh xúc tiến thương mại, trong thời gian vừa qua, sản phẩm nông sản tỉnh Sơn La đã xuất khẩu sang các nước như Hàn Quốc, Australia, Pháp, Mỹ, Thụy Sĩ, Đức, Trung Quốc..."- ông Hoàng Văn Chất khẳng định.

Gợi ý hướng đầu tư cho các doanh nghiệp, ông Chất cho hay: Hiện nay, tỉnh đang rất cần các doanh nghiệp, tập đoàn đầu tư vào phát triển sản xuất ở tỉnh, trong đó, có 3 sản phẩm của địa phương còn “bỏ ngỏ” cần hỗ trợ gồm ong mật, cây ăn quả, dược liệu và chế biến thủy sản.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp vào đầu tư ở tỉnh, ông Hoàng Văn Chất cho hay: Cùng với các chính sách ưu tiên đã có, trong thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải thiện thủ tục chính, tăng cường thêm các chính sách để hỗ trợ hết mức thu hút nhà đầu tư.

"Tỉnh đang cho thành lập 3 tổ công tác đặc biệt do các phó chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng để giúp các doanh nghiệp trong mọi công việc từ tìm quỹ đất, giải phóng mặt bằng, tuyên truyền, vận động nông dân, đặc biệt là công tác xúc tiến đầu tư, tiêu thụ sản phẩm"- ông Hoàng Văn Chất nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem