Phát triển ngành công nghiệp mắc ca Việt Nam: Nhiều cơ hội hợp tác với quốc tế

Đình Thắng – Thanh Xuân Thứ ba, ngày 09/06/2015 09:48 AM (GMT+7)
Trong khi câu chuyện về phát triển ngành mắc ca Việt Nam đang được các nhà quản lý quan tâm thảo luận, một số doanh nghiệp, nhà khoa học và nông dân đã nhanh chóng đón đầu cơ hội, thiết lập hợp tác trong nước và quốc tế.
Bình luận 0

Lời Tòa soạn: Từ số này, Báo NTNN mở chuyên trang “Học hỏi – Làm giàu” trên trang 16, số ra ngày thứ Ba hàng tuần. Nội dung chuyên trang tập trung câu chuyện về các vấn đề “nóng” liên quan đến nghiên cứu, sản xuất, phân phối, kinh doanh nông, lâm, thủy sản đang thu hút sự quan tâm lớn của nông dân, doanh nghiệp hiện nay; góp phần truyền thông thúc đẩy các bên liên quan tháo gỡ khó khăn cho nông dân, doanh nghiệp trong tiêu thụ nông sản; kết nối hợp tác nhằm tăng thêm chuỗi giá trị nông sản... Tin, bài, ảnh cộng tác và trao đổi các vấn đề liên quan gửi về tòa soạn theo Email: lamgiau@danviet.vn; điện thoại (04) 3728 2955 (Ban Hội – Tam nông, Báo NTNN, 13 Thụy Khuê, Hà Nội). 

Cơ hội bắt tay hợp tác với Australia

Đối với câu chuyện về xây dựng ngành công nghiệp mắc ca ở tầm vĩ mô, Việt Nam đang ở những bước xác lập đầu tiên, từ chính sách phát triển cho đến quy hoạch, kinh nghiệm trồng, sản xuất, chế biến và tổ chức tiêu thụ. Tuy còn có nhiều ý kiến khác nhau về chất lượng giống, quy hoạch, đánh giá thị trường... nhưng các ý kiến khá thống nhất ở chỗ nên trồng và phát triển mắc ca trong giới hạn kiểm soát được để giảm thiểu rủi ro.

img
Ông Vũ Hoàng Phương (trái) - Tổng Giám đốc IDMA và ông Grachia Badalyan - Giám đốc Phát triển chiến lược Công ty Sản xuất bánh kẹo TPK Melaida (Nga) trao đổi văn bản ký kết.  Ảnh: T.L
Trước những ý kiến băn khoăn về thị trường tiêu thụ mắc ca, tại hội thảo về mắc ca tổ chức ở Hà Nội ngày 4.6.2015, ông Jolyon Burnett - Chủ tịch Hiệp hội Mắc ca Australia cho rằng nguồn cung mắc ca sẽ tiếp tục tăng mạnh trong những năm tới. Riêng ở Australia, sản lượng niên vụ 2015 có thể cán mốc gần 44.000 tấn, Nam Phi cũng có khả năng tăng thêm 40.000 tấn/năm. Đáng chú ý là Trung Quốc có thể tăng sản lượng sản xuất trong nước lên 50.000 tấn/năm trong vài năm tới.

Mặc dù diện tích và sản lượng mắc ca thế giới đang tăng, nhưng theo đánh giá của ông Jolyon Burnett, nhu cầu của thế giới hiện vẫn đang vượt cung và “dư địa” phát triển của mắc ca sẽ còn rất lớn trong 5 năm tới. Trong xu thế đó, Việt Nam có rất nhiều cơ hội, lợi thế để phát triển cây trồng này bởi Việt Nam có một số vùng Tây Nguyên, Tây Bắc có điều kiện thuận lợi để phát triển mắc ca.

Vậy Việt Nam cần làm gì để tận dụng cơ hội tốt từ cây mắc ca và cơ hội hợp tác với các đối tác quốc tế? Ông Jolyon Burnett khuyến cáo, Việt Nam cần tìm kiếm nguồn gốc giống tốt rồi cấy ghép, nhân giống và xây dựng cho được vườn ươm chuyên nghiệp. Chính phủ cần hỗ trợ xây dựng bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng; có hướng dẫn cho nông dân biết lựa chọn giống. “Vừa qua Australia đã đầu tư hơn 5 triệu AUD (đơn vị tiền tệ Australia) để phát triển giống mắc ca mới và chúng tôi vẫn đang tiếp tục nghiên cứu để cho ra các giống chất lượng hơn. Việt Nam nên hợp tác chặt chẽ với Hiệp hội Mắc ca Australia, chúng tôi có thể tư vấn miễn phí, có thể hỗ trợ Việt Nam có nguồn giống mắc ca chất lượng” - ông Jolyon Burnett nói.

“Gõ cửa” thị trường Liên bang Nga

Quan điểm

Ông J. Burnett - Chủ tịch Hiệp hội Mắc ca Australia
  Một điểm vô cùng quan trọng đó là Việt Nam có thể học hỏi từ mô hình của Australia, là sự gắn kết giữa người trồng, người chế biến, tạo ra nghiệp đoàn có tiếng nói chung, không xảy ra sự cạnh tranh không lành mạnh với nhau. 
Ngày 26.5.2015, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Macadamia quốc tế (viết tắt là IDMA) đã tổ chức lễ ký kết hợp tác chiến lược với 6 đối tác và công bố kế hoạch hành động 2015 – 2018 của công ty này. Đây cũng là một trong những doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam chuyên về đầu tư, sản xuất, kinh doanh ngành hàng mắc ca, cũng là công ty đầu tiên tại Việt Nam cho đến thời điểm này xây dựng được thương hiệu riêng và đã có sản phẩm bán rộng rãi trên thị trường.

 

Tại sự kiện nói trên, ông Vũ Hoàng Phương – Tổng Giám đốc IDMA đã ký kết hợp tác chiến lược với 5 đối tác trong nước, bao gồm Trường Đại học Tây Bắc, Công ty Luật The Light, Trung tâm Giáo dục lao động tỉnh Sơn La, Công ty cổ phần Quản lý Quỹ Bông Sen và Công ty cổ phần Maccadamia tỉnh Điện Biên.

Một điểm nhấn đáng chú ý tại sự kiện này là sự tham gia của một đại diện doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sản phẩm mắc ca đến từ Liên bang Nga: Ông Grachia Badalyan - Giám đốc Phát triển chiến lược Công ty Sản xuất bánh kẹo TPK Melaida đã đặt bút ký kết hợp tác với Tổng Giám đốc IDMA về nội dung “sản xuất đa dạng các sản phẩm từ mắc ca để cung cấp cho thị trường Nga”. Sự kiện này được cho là có ý nghĩa rất tích cực với ngành mắc ca.

Sự kiện này cho thấy, ngành hàng mắc ca vẫn tiếp tục “nóng” và nhiều bên tham gia không muốn để lỡ cơ hội hợp tác cùng có lợi từ mắc ca- “nữ hoàng của các loại hạt khô”.

Việc các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng hợp tác với đối tác quốc tế được kỳ vọng sẽ rút ngắn thời gian và nỗ lực để tranh thủ kinh nghiệm cũng như tiến bộ khoa học, công nghệ của những nước đi trước về phát triển mắc ca, giảm bớt sự dò dẫm tìm đường và rút ngắn được nhiều khâu trong kết nối giữa sản xuất với thị trường rộng lớn thế giới.

“Bên cạnh quan tâm tới chất lượng, xây dựng được thương hiệu mắc ca của Việt Nam, các bạn phải tìm hiểu thêm thị trường, mở rộng thị trường, không phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc”. 
Ông Brice Kaddatz – Chuyên gia kỹ thuật về mắc ca của Australia – người đã đưa ra một số khuyến cáo đối với Việt Nam về việc phát triển ngành mắc ca (ngày 4.6.2015).

 “Những hộ trồng mắc ca đang có diện tích trồng cà phê, hồ tiêu lớn thì nên trồng xen canh, tuyệt đối không nên trồng ồ ạt khi chưa hiểu biết sâu về mắc ca. Doanh nghiệp cần vào cuộc với nông dân xây dựng và thực hiện chuỗi giá trị sản phẩm để mắc ca được chế biến, tiêu thụ có hiệu quả”. 
Ông Lê Tùng Anh - Giám đốc Dự án mắc ca, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Macadamia quốc tế (IDMA)

“Để tận dụng lợi thế về điều kiện trồng mắc ca, phát triển đúng hướng, bền vững, chúng ta cần tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Hiệp hội Mắc ca Australia, xây dựng mối quan hệ đối tác với các doanh nghiệp chế biến mắc ca Australia để được họ tư vấn hỗ trợ về giống kỹ thuật cũng như công nghệ bảo quản chế biến”.
GS - viện sĩ Lê Đình Khả - nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giống cây rừng (phát biểu tại hội thảo về mắc ca do Bộ NNPTNT tổ chức ngày 4.6.2015)

“Trong vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế, mắc ca - đối tượng cây trồng mới của nông nghiệp Việt Nam sẽ góp phần chuyển đổi cơ cấu, nâng cao đời sống cho nông dân Việt Nam. 
Ông Nguyễn Đắc Thắng - Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam

An Nhiên – Phi Long (ghi)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem