Phiên dịch viên Khmer giúp nông dân làm giàu

Thứ ba, ngày 11/09/2012 09:35 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Suốt 5 năm qua, ông Thạch Kiên, 47 tuổi, dân tộc Khmer ở ấp Cầu Tre (Phú Cần, Tiểu Cần, Trà Vinh) đã làm cầu nối giúp đồng bào dân tộc Khmer ở đây nắm vững kỹ thuật trồng lúa, tiến tới xây dựng cánh đồng mẫu để làm giàu.
Bình luận 0

“Nhà phiên dịch” của đồng bào Khmer

Việc trở thành “nhà phiên dịch” đúng nghĩa đến với ông Kiên vào năm 2007. Khi đó, đoàn cán bộ của Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang khi thực hiện Chương trình Cùng nông dân ra đồng, đã chọn ông để làm phiên dịch cho bà con đồng bào dân tộc Khmer ở đây.

img
Ông Kiên (phải) trong buổi phiên dịch cho bà con nông dân về việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng.

Ông Kiên cho biết: “Lúc đó, cán bộ kỹ thuật tuyên truyền bằng tiếng Việt, nhưng đa số bà con không hiểu tiếng Việt, thì làm sao mà làm theo được. Do vậy, tôi phải đi theo để hướng dẫn cặn kẽ cho bà con hiểu cách áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng lúa”. Mỗi tuần, khi cán bộ kỹ thuật họp ở nhà dân hay đồng ruộng, ông Kiên phải theo sát phiên dịch cho bà con.

Ông Kiên cho rằng, để thay đổi tập quán sản xuất của đồng bào dân tộc Khmer là việc làm không hề đơn giản. Chẳng hạn như việc chuyển từ sạ lúa bằng tay qua sạ hàng phải tốn rất nhiều lần thuyết phục và qua vài vụ thành công, người dân nơi đây mới làm theo. Khi đó, nông dân cho rằng sạ bằng tay tốn 30kg lúa giống/công đất mà còn làm lúa mất mùa lên, xuống, nếu chuyển qua sạ hàng chỉ 10kg lúa giống/công, thì lấy gì mà ăn.

Trước thắc mắc này, ông Kiên phải tận tình giải thích: “Việc trồng lúa giống như sinh đẻ có kế hoạch. Nếu sinh ít con thì việc chăm sóc sẽ tốt hơn, chất lượng cuộc sống tốt hơn nhờ đủ dinh dưỡng”.

Giúp nông dân làm giàu

Cách đây 5 năm, tỷ lệ hộ nghèo ở ấp Cầu Tre chiếm khoảng 76%, gần như cao nhất, nhì của tỉnh Trà Vinh. Nhưng chỉ trong một thời gian ngắn tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 10,36%. Ông Kiên Ninh – Chủ tịch UBND xã Phú Cần cho biết: “Từ khi xây dựng cánh đồng mẫu, năng suất lúa ở ấp Cầu Tre đã tăng lên gấp 2,5 lần (đạt từ 8,5 đến 9 tấn/ha) nhờ được đầu tư hệ thống thủy lợi, nông dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Đời sống của người dân được nâng lên đáng kể”.

“Những kỹ thuật sản xuất mới được áp dụng vào đồng ruộng có công đóng góp rất lớn của ông Thạch Kiên với vai trò làm phiên dịch viên”...

Theo thống kê, toàn ấp Cầu Tre tỷ lệ hộ giàu bây giờ đã lên đến 56%, trên 30% hộ khá giả.

Ông Nguyễn Chơn Tình – cán bộ Chương trình Cùng nông dân ra đồng cho rằng: “Bây giờ mô hình cánh đồng mẫu của bà con ở ấp Cầu Tre đạt hiệu quả rất cao. Trong đó, trên 90% diện tích được sạ hàng; hầu hết bà con đều áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng như phun thuốc 4 đúng (đúng liều lượng, đúng thuốc, đúng bệnh, đúng thời điểm); áp dụng 3 giảm, 3 tăng; 1 phải, 5 giảm… Những kỹ thuật sản xuất mới này được áp dụng vào đồng ruộng có công đóng góp rất lớn của ông Thạch Kiên với vai trò làm phiên dịch viên để làm cầu nối giữa cán bộ kỹ thuật và bà con nông dân”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem